Những gương mặt học sinh giỏi quốc gia 2013

05/02/2013 11:14

Những ngày này, thầy trò trường Phan Bội Châu như náo nức hơn, rộn ràng hơn bởi tin vui dồn dập: 73 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó nhiều em đạt giải cao, nhiều môn thi thắng lợi lớn với 100% học sinh đạt giải... Niềm vui chiến thắng đã trở thành món quà Tết đầy ý nghĩa cho sự miệt mài, niềm đam mê của học sinh và sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ giáo viên trường Phan. Báo Nghệ An xin giới thiệu 4 gương mặt học sinh đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia này.

(Baonghean) - Những ngày này, thầy trò trường Phan Bội Châu như náo nức hơn, rộn ràng hơn bởi tin vui dồn dập: 73 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó nhiều em đạt giải cao, nhiều môn thi thắng lợi lớn với 100% học sinh đạt giải... Niềm vui chiến thắng đã trở thành món quà Tết đầy ý nghĩa cho sự miệt mài, niềm đam mê của học sinh và sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ giáo viên trường Phan. Báo Nghệ An xin giới thiệu 4 gương mặt học sinh đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia này.

Hà Thị Hoàng Oanh và giấc mơ trở thành nữ luật sư

Sở hữu một gương mặt xinh xắn lại ăn nói có duyên, Hà Thị Hoàng Oanh đặc biệt gây ấn tượng với người đối diện. Cô bạn dễ thương này trở thành chủ nhân giải nhất môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2012-2013.

Hiện Hoàng Oanh đang là học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Hoàng Oanh sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em ở Quán Bàu (TP.Vinh), bố là thương binh 4/4, mẹ là quân nhân về hưu, sức khỏe yếu, ốm đau luôn nên hoàn cảnh gia đình Hoàng Oanh gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ về "hành trình" dẫn đến giải thưởng này, Oanh cho biết, với một kỳ thi mang tầm vóc như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kiến thức đương nhiên luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hành trang của Oanh khi bước vào những cuộc đấu trí còn có một thứ không thể thiếu, đó là sự tự tin. Ở tất cả các môn học, em luôn cố gắng đi tìm bản chất của mọi vấn đề và thấu hiểu một cách sâu sắc. Môn Văn là môn yêu thích nên em dành nhiều thời gian hơn. Em coi trọng tính chân thật trong cảm xúc và sự học hỏi theo phương pháp nghiên cứu một cách có chọn lọc các tư liệu quý giá. Đối với đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm nay, câu nghị luận xã hội về vấn đề: “Mỗi con người sinh ra đều có sự bình đẳng, nếu có sự khác biệt là do học vấn”. Oanh cho biết, em rất thú vị với đề thi này. Bài làm của em chia thành ba phần: giải thích khái niệm học vấn và thể hiện quan điểm đồng tình với nhận định trên, chứng minh thông qua việc nêu những biểu hiện học vấn đã tạo nên sự khác biệt giữa con người với con người, con đường và phương pháp chiếm lĩnh học vấn; phản biện với quan điểm nhiều khi điều tạo nên sự khác biệt ấy không phải là học vấn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đôi khi chính học vấn đã làm mờ đi sự khác biệt đó. Với lối triển khai bài rất hợp lý, đầy đủ và sâu sắc, bài thi này giúp em đạt được 16,5/20 điểm.
Sắp tới, với thành tích nổi bật của mình, Hà Thị Hoàng Oanh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành ước mơ trở thành luật sư hoặc công an tương lai. Theo chia sẻ của Oanh, đây là hai nghề “không hề đơn giản”, nhưng đó là niềm đam mê, yêu thích của em ngay từ nhỏ.

Cao Ngọc Thái, ước mơ chinh phục đỉnh cao môn Vật lý

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Diễn Cát, Diễn Châu, từ nhỏ Cao Ngọc Thái đã bộc lộ tư chất thông minh, lanh lợi, cẩn thận. Liên tục là học sinh giỏi toàn diện từ cấp 1 đến cấp 2, học sinh giỏi huyện các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lý và năm học lớp 9, Thái đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý. Đó là bước đệm để Thái thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Em chia sẻ: “Bố mẹ làm nông, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên để lo cho em ăn học ở thành phố không phải chuyện dễ dàng. Lúc làm hồ sơ dự thi, bố mẹ chỉ nghĩ cho em đi thử sức mình, nếu đậu cũng không theo học vì sợ em còn nhỏ sống xa nhà, lại phải lo lắng chi phí học hành...”. Nhưng với Thái, được học ở trường chuyên, được nối tiếp những tấm gương như anh Nguyễn Tất Nghĩa, Huy Hoàng... là niềm ao ước. “Em rất thích môn Vật lý và em muốn mình chinh phục được những đỉnh cao ở môn học này...”.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Thái xuất sắc vượt qua những đối thủ “đáng gườm” trong cả nước và giành giải Nhất môn Vật lý khi mới chỉ học lớp 11. Với niềm đam mê của bản thân, em đã rèn cho mình một thói quen là bất cứ bài tập nào, sau khi đã tìm ra cách giải này, lại suy nghĩ tìm ra cách khác, ưu việt hơn, đơn giản hơn và không bao giờ chịu khuất phục trước một bài khó, luôn quyết tâm theo đến cùng, tìm hiểu đến tận cùng gốc rễ của vấn đề. Với phương pháp và kỹ năng làm bài đó của mình, em luôn đạt điểm tối đa trong các bài thi. “Lọt vào vòng 2 của đội tuyển dự thi Olympic Vật lý khu vực Thái Bình Dương, đó là niềm mơ ước, vinh dự của em. Em sẽ cố gắng chinh phục đỉnh cao môn Vật lý, hướng đến kế hoạch đi du học và ước mơ sau này sẽ được nghiên cứu chuyên ngành về vật lý nguyên tử...”, quán quân Vật Lý của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2013 chia sẻ.

Bội thu hai giải Nhất môn Địa lý

Riêng với môn Địa lý, đây thực sự là “mùa vàng bội thu”, là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay, đội tuyển môn Địa lý với 8/8 em đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 4 giải Nhì và 2 giải Ba. Cô Nguyễn Thị Hoa Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C3, người trực tiếp bồi dưỡng các thành viên đội tuyển môn Địa phấn khởi: “Môn Địa từ trước đến nay không phải là môn thế mạnh của trường và chưa năm nào có giải Nhất. Để có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài truyền thụ cho các em kiến thức, thì điều quan trọng là phải tiếp cho các em “lửa đam mê” với môn học. Đặc biệt, với các em lớp 11, khi tham dự kỳ thi còn thiếu kiến thức nền và kiến thức chuyên sâu, trong khi Địa lý lại là môn cần tính tổng hợp cao, do đó đòi hỏi sự công phu, tận tình của giáo viên bồi dưỡng. Ngoài thời gian học chung cùng với các thành viên trong đội tuyển, hai học sinh lớp 11 được kèm cặp thêm để phủ được kiến thức nền.

Hai giải Nhất thuộc về em Hoàng Thị Trang và Nguyễn Lê Hà (học sinh lớp 11C3, trường THPT Phan Bội Châu). “Cặp đôi” này học chung lớp, cùng niềm yêu thích môn địa và có kết quả học tập xuất sắc với điểm số “ngang bằng” nhau với mức trung bình chung 9.0 điểm; riêng điểm tổng kết môn địa đạt 9.3 điểm. Kết quả mà các em mang lại quả là “kỳ tích”.


Bài, ảnh: Duy Nam