Người “tiên phong” của bản Quyết Thắng

29/07/2013 21:24

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa của gia đình, ông Xeo Phò Nang (SN 1969, bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) không giấu niềm vui: Các anh thấy đó, ruộng lúa nhà ta phát triển rất tốt, mùa vụ ni lại cho ta nhiều thóc nữa rồi. Nhìn đồng lúa xanh mướt mát, khuôn mặt rạng rỡ của ông Nang, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang hiện diện nơi miền biên giới heo hút này.

(Baonghean) - Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa của gia đình, ông Xeo Phò Nang (SN 1969, bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) không giấu niềm vui: Các anh thấy đó, ruộng lúa nhà ta phát triển rất tốt, mùa vụ ni lại cho ta nhiều thóc nữa rồi. Nhìn đồng lúa xanh mướt mát, khuôn mặt rạng rỡ của ông Nang, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang hiện diện nơi miền biên giới heo hút này.

Năm 2012, trong quá trình khảo sát tình hình ở địa bàn đơn vị đóng quân nhằm xây dựng mô hình “điểm” về phát triển kinh tế hộ, lực lượng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Keng Đu (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện tại bản Quyết Thắng có điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển kinh tế. Đó là vùng đất bị bỏ hoang cạnh khe Nậm Xúc có thể khai phá, cải tạo để trồng lúa nước và đào, kè bờ tạo thành ao nuôi cá nên đã vận động một số hộ dân phát triển kinh tế hộ.

Trung uý Xeo Văn Thắng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Keng Đu nhớ lại: Cả bản có 74 hộ/410 nhân khẩu người dân tộc Khơ Mú này đời sống đang còn hết sức khó khăn. Hơn nữa tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, ngành còn “ngự trị” trong đa số đồng bào nên bà con còn rất thụ động, lúng túng trong lao động sản xuất. Khi được sự tuyên truyền vận động của cán bộ chiến sỹ (CB, CS) Đồn Biên phòng Keng Đu, ông Xeo Phò Nang đã quyết định đầu tư tiền của, công sức nhằm khai thác tiềm năng đất đai bị lãng quên, quyết chí “xoá nghèo”. CB, CS đơn vị đã luân phiên giúp đỡ gia đình từ lúc khai hoang trồng lúa nước, đào ao thả cá, nuôi trồng đến khi thu hoạch.



Trung úy Xeo Văn Thắng cùng gia đình ông Nang làm cỏ lúa.

Ông Nang cũng là người đầu tiên ở xã Keng Đu mạnh dạn vay tiền mua 1 máy cày để giảm bớt sức người, tăng năng suất lao động. Nhờ tư duy mới, cách làm có hiệu quả nên trong năm 2012, gia đình ông Xeo Phò Nang thu hoạch được gần 4 tấn lúa trên diện tích 1.000m2, 300kg cá trên diện 1.000m2. Thấy mô hình cá, lúa đạt hiệu quả tốt, năm 2013, ông khai hoang được thêm 600m2 để trồng lúa nước và đang mở rộng thêm 500m2 ao nuôi cá.

Ngoài trồng lúa nước, nuôi cá, được cán bộ Biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, tham mưu lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai và lợi thế thức ăn từ tự nhiên nên ông Nang còn đầu tư chăn nuôi gia súc. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình ông Nang đã phát triển lên đến 35 con, gồm 2 con trâu, 10 con bò, 10 con dê và 13 con lợn trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Nang phấn khởi khoe: “Nếu mưa thuận gió hòa, sản lượng lúa, cá và chăn nuôi gia súc năm nay dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái”.

Từ một gia đình thiếu ăn, kinh tế khó khăn, khi được hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh tế gia đình ông Nang đã ổn định, có phần dư giả, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị và đầu tư cho con ăn học…

Trưởng bản Quyết Thắng, ông Lương Phò Nguyên tự hào: Không những đầu tàu trong làm ăn, phát triển kinh tế, ông Xeo Phò Nang còn luôn gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở xã, bản. Ông Xeo Phò Nang đã trở thành người “tiên phong” của bản Quyết Thắng.

Trung tá Cao Võ Cường, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục cử CB, CS hướng dẫn, giúp đỡ gia đình ông Xeo Phò Nang để phát triển mô hình bền vững. Đồn còn tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ trong bản Quyết Thắng và các bản khác trong xã Keng Đu học tập, làm theo ông Nang nhằm nhân rộng mô hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn. Từ đó, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết quân - dân, cùng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở xã Keng Đu.


Bài, ảnh: Hùng Phong