Xanh tươi miền đất cổ

24/07/2013 19:27

Đã gần 5 năm rồi - kể từ ngày xã Nghĩa Hòa lớn chia tách thành phường Long Sơn và xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa hiện nay, tôi mới có dịp gặp lại ông Hà Sông Hương - Bí thư xã Nghĩa Hòa. Ông Hương cười tươi, niềm nở: “Mời chú về thăm, đất cổ nay không còn cằn cỗi nữa mà tươi xanh, phát triển nhiều lắm rồi…”.

(Baonghean) - Đã gần 5 năm rồi - kể từ ngày xã Nghĩa Hòa lớn chia tách thành phường Long Sơn và xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa hiện nay, tôi mới có dịp gặp lại ông Hà Sông Hương - Bí thư xã Nghĩa Hòa. Ông Hương cười tươi, niềm nở: “Mời chú về thăm, đất cổ nay không còn cằn cỗi nữa mà tươi xanh, phát triển nhiều lắm rồi…”.

Vẫn nhớ ngày về với Lễ hội Làng Vạc 2008, ông Hương đã kể cho nghe về truyền thuyết vùng đất cổ xưa, với nghi vấn kinh đô Âu Lạc này. Theo ông Hương: Những dấu tích ở Làng Vạc, Quỳnh Văn đã cho thấy hai vùng này là “đất tổ của xứ Nghệ”; một ở trên rừng, một nơi miền biển gợi nhớ về huyền thoại “trăm trứng trăm con”…

Đất thiêng kéo người về quần tụ, nhưng sau nghìn năm đất cũng cằn cỗi đi. Quả thật ngày mới chia tách ấy, Nghĩa Hòa nghèo thật, khó khăn đủ bề: xã vùng sâu, vùng xa, điện, đường, trường, trạm xuống cấp, hầu như không có gì; 500 ha đất sản xuất nông nghiệp thì phần lớn là vùng đất cao cưỡng, thiếu nước, cằn khô; xã thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 23%; cán bộ thiếu và yếu, trình độ dân trí thấp...

Theo chân Bí thư Hà Sông Hương đi khắp 6 xóm của Nghĩa Hòa mới thấy vùng làng Vạc hôm nay có rất nhiều đổi mới. Đường từ trung tâm thị xã vào đã được đắp chắc chắn, trải nhựa bề thế; đường nội xóm 8 km đều đã được bê tông hóa (tổng giá trị đầu tư trên 14 tỷ đồng – do nhân dân đóng góp); kênh mương thủy lợi đều được xây dựng kiên cố; 6/6 xóm đều đã có nhà văn hóa – trong đó có 4 nhà văn hóa vừa được xây mới hoàn toàn, mỗi nhà trị giá dao động từ 50 – 240 triệu đồng; Trạm Y tế mới xây dựng khang trang. Cả xã không còn nhà dột nát tạm bợ, những mái ngói đỏ au đã thay thế những mái tranh… Đêm đến, thôn cùng ngõ xóm Nghĩa Hòa sáng trưng ánh điện; tiếng kẻng thúc giục trẻ em học bài vang vang. Trên sân Lễ hội Đền Làng Vạc, vào mỗi tối mùng Môt, ngày Rằm lại rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống, văn nghệ rượu cần do các xóm tổ chức.



Lãnh đạo xã trao đổi với bà Đặng Thị Hòa, chủ trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Về đời sống kinh tế, nơi đây cũng có nhiều cải thiện đáng kể, ông Bùi Trọng Thảo, Chủ tịch UBND xã cho hay: Kinh tế hộ chuyển biến mạnh, 4 năm trước, bình quân thu nhập người dân chỉ 5 triệu đồng/người/năm; nay đã đạt gần 12 triệu đồng/người/năm. Để đạt được những kết quả trên chính là nhờ sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân. Các mô hình kinh tế của xã triển khai về đều được các hộ dân nhanh chóng tiếp thu và thực hiện hiệu quả như trồng dưa hấu trên đồi, trồng chanh không hạt, nuôi o­ng, cải tạo vườn tạp, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, nuôi bò gầy nhốt vỗ béo. Đến nay số hộ nghèo trong xã chỉ còn 8,45%... Đi giữa màu xanh mỡ màng trên vùng đất cổ hôm nay chợt thấy ấm áp yên bình lạ. Từ nhiều năm qua, nơi đây không hề xuất hiện điểm nóng, không tệ nạn ma túy, không có trọng án, có lẽ như ông Thảo nói: người dân chỉ biết chí thú làm ăn.

Đến thăm trang trại của chị Đặng Thị Hòa, cách không xa trụ sở UBND xã – mới thấy rõ sức trẻ, sức bật nơi đây. Trang trại rộng 10 ha, được hình thành cách đây hơn 10 năm khi gia đình chị Hòa nhận đất khoán vùng đất đồi đầy sỏi đá không cây gì mọc nổi này. Đắp đổi từng gánh đất, tiết kiệm chi tiêu dồn từng khoản nhỏ để tích tiểu xây dựng trang trại. Biết bao mồ hôi đổ ra đã hình thành nên một vùng rừng đồi trù phú, ngày một sinh sôi. Hiện, trang trại đang có 1 vạn cây keo, 1 vạn cây bạch đàn, hơn 500 cây xoan vào kỳ chuẩn bị thu hoạch; 500 cây sưa 10 năm tuổi, 30 chục con dê và dăm chục con bò đẻ, chưa kể là 500 gốc chanh, vài trăm cây vải, nhãn, đàn gà đồi gần 200 con, 20 đàn o­ng nuôi lấy mật… Chị Hòa cho hay: Từ trước đến nay bán được con giống, sản phẩm nào vợ chồng lại tái đầu tư vào đây, như phát triển thêm các loại cây, thuê thêm người làm. Chưa thu hoạch song ước tính số keo, bạch đàn, xoan cũng được trên chục tỷ đồng. Trong xã, những trang trại như gia đình tôi cũng không hiếm.

Ông Hà Sông Hương chia sẻ: Những đổi mới ở vùng đất cổ hôm nay chính là nhờ sự quan tâm của các cấp nhà nước đã đầu tư, chỉ tính riêng con đường vào trung tâm xã, 3 con đập, con đường đi vào khu di chỉ Làng Vạc cũng đã hơn 1.330 tỷ đồng. Từ nguồn đầu tư của Nhà nước, nhân dân rất phấn khởi, ghi nhận nên đã có thêm ý thức đóng góp xây dựng quê hương; nội lực từ nhân dân ngày càng được phát huy. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của trên mà di chỉ Làng Vạc ngày càng thu hút đông khách, qua mỗi lễ hội hàng năm, các giá trị văn hóa được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Đơn cử như trước đây Nghĩa Hòa không có cồng chiêng thì nay đã khôi phục, bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, vật, chơi đu cũng đã xuất hiện trở lại.

Ông Bùi Trọng Thảo - Chủ tịch UBND xã, trưởng ban xây dựng nông thôn mới xã Nghĩa Hòa cho hay: Khi mới bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Hòa mới chỉ tạm đạt 3 tiêu chí thì nay, sau 2 năm đã đạt 8 tiêu chí quan trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác vận động nhân dân cùng chung sức thực hiện, đặc biệt ở các tiêu chí cần nhiều kinh phí như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương. Xã vẫn xác định phát triển nông nghiệp đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào tạo điều kiện thâm canh trên đơn vị diện tích. Về lĩnh vực văn hóa, xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phấn đấu đưa 4 xóm còn lại đều đạt danh hiệu Làng Văn hóa, giữ vững tỷ lệ trên 85% gia đình văn hóa.

Nghĩa Hòa hiện vẫn còn quỹ đất hơn 80 ha nông trường chuyển sang, xã vẫn đang chờ và chọn nhà đầu tư lớn đến đây đầu tư sản xuất, vừa giải quyết việc làm cho nhân dân vừa đưa vào nghề mới. Bên cạnh đó, nhân dân làng Vạc đã và đang sẵn sàng đầu tư phát triển kinh doanh các loại hình dịch vụ xung quanh khu di tích. Với 3 con đập, Nghĩa Hòa bây giờ đã không còn thiếu nước và khi 2 trạm bơm bản Mồng đưa vào hoạt động thì không chỉ ruộng lúa mà ngay cả vùng đất màu cũng đủ nước để tốt tươi. Đất cổ nay mai sẽ có những vụ mùa thịnh vượng, mùa lễ hội, mùa vui…


Thành Chung