Xây dựng Hoàng Mai sớm trở thành thị xã phát triển công nghiệp - dịch vụ và du lịch

28/06/2013 09:41

(Baonghean) - Nhân dịp UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ và ra mắt thành lập Thị xã Hoàng Mai, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy về những định hướng xây dựng Thị xã Hoàng Mai trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngày 3/4/2013, Chính phủ có Nghị quyết số 47/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quỳnh Lưu để thành lập Thị xã Hoàng Mai. Đây là điều kiện rất quan trọng để Thị xã Hoàng Mai bứt phá vươn lên theo định hướng xây dựng đô thị công nghiệp – dịch vụ và du lịch. Vậy, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn những lý do mà Nghệ An chỉ đạo xây dựng Thị xã Hoàng Mai?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Hoàng Mai là vùng đất nằm trong quy hoạch Nam Thanh - Bắc Nghệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và là 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An. Theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII xác định có 3 cực tăng trưởng: Vinh – Cửa Lò - Khu kinh tế Đông Nam và vùng Hoàng Mai - Đông Hồi và Quỳ Hợp - Nghĩa Đàn - vùng miền Tây Nghệ An. Hoàng Mai là một cực tăng trưởng phía Bắc tạo nên tính liên kết vùng hết sức quan trọng và là động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An.

Hoàng Mai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp - dịch vụ thương mại - du lịch, có nhiều khoáng sản trữ lượng lớn, như: đá vôi để sản xuất xi măng; đất sét sản xuất gạch không nung, sản xuất nguyên liệu xi măng. Trữ lượng nguyên liệu riêng vùng Hoàng Mai có thể sản xuất được trên 9 triệu tấn xi măng/năm. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đá Hoàng Mai đang cung cấp cho Nhà máy xi măng Nghi Sơn tại Thanh Hóa, Nhà máy xi măng Hoàng Mai công suất 1,4 triệu tấn/năm và một số nhà máy đang triển khai xây dựng, như: Nhà máy xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Hoàng Mai giai đoạn 2 của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam 4,5 triệu tấn/năm và Nhà máy sản xuất vật liệu không nung công suất 400 triệu viên/năm.

Tại Hoàng Mai đã và đang hình thành 3 khu công nghiệp: KCN Hoàng Mai do nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư; KCN Hoàng Mai 2 đang đầu tư xây dựng và đặc biệt KCN Đông Hồi đã thu hút nhiều dự án lớn với giá trị đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ, như: Nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD; Nhà máy luyện thép xốp Kobelco (Nhật Bản) đầu tư hơn 1 tỷ USD; Nhà máy phân lân của Ấn Độ; Cảng Đông Hồi… Như vậy, theo định hướng các khu công nghiệp ở Hoàng Mai sẽ là trung tâm công nghiệp của tỉnh.

Cùng với phát triển công nghiệp theo quy hoạch thì vùng này dịch vụ thương mại sẽ phát triển, như trung tâm thương mại, chợ, hệ thống các siêu thị cung cấp hàng hóa trung chuyển từ miền Tây Nghệ An xuống Cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn kết nối hệ thống giao thông gắn kết QL1, QL48, ga Hoàng Mai; hệ thống giao thông kéo dài từ Lào qua các huyện miền Tây xuống Hoàng Mai đến Cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn hoặc ra Hà Nội. Đây thực sự là giao điểm của các trục đường giao thông thuận lợi để khai thác tốt tiềm năng của đô thị Hoàng Mai với lợi thế có bãi tắm dài, đẹp, cát mịn, nước trong xanh, nhiều di tích danh thắng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển.

Một lý do khác nữa là, Quỳnh Lưu là một huyện có diện tích rộng lớn (hơn 60,7 ngàn ha), dân số đông (hơn 38 vạn người - nhiều hơn dân số tỉnh Bắc Kạn). Có 43 đơn vị hành chính cấp xã, địa bàn đa dạng, phức tạp vừa có đồng bằng, đô thị, vừa có vùng ven biển, trung du, miền núi… vì vậy, việc chia tách sẽ tạo thuận lợi, động lực cho phát triển. Do vậy việc điều chỉnh địa giới hành chính là hết sức cần thiết để tạo điều kiện bứt phá phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.



Thị xã trẻ Hoàng Mai. Ảnh: Nhật Thành (Thị trấn Cầu Giát - Quỳnh Lưu)

Phóng viên: Mới thành lập, Thị xã Hoàng Mai sẽ đối mặt với những khó khăn, thử thách. Vậy, Thị xã Hoàng Mai sẽ phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì để nhanh chóng ổn định, phát triển, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Trước hết, Hoàng Mai phải tập trung củng cố hệ thống chính trị từ thị xã đến các phường, xã: đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Phải tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết đô thị, cắm mốc đường giao thông. Phải tập trung đầu tư những công trình thiết yếu, những công trình cần thiết để phục vụ cho hoạt động của bộ máy như trụ sở của thị ủy, trụ sở UBND, công an, Thị đội, khối dân và các cơ quan hành chính khác.

Đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội như bệnh viện, nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí, nhà máy nước, đường giao thông ... Đặc biệt quan trọng là Hoàng Mai phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp để chú trọng thu hút đầu tư, tạo đà cho sự phát triển của thị xã và tỉnh.

Muốn làm được việc này cùng với sớm hoàn thiện bộ máy là phải chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, lập các chương trình, dự án với quyết tâm cao nhất, tạo sự đoàn kết cao, tạo đồng thuận cao để khơi dậy tiềm năng nội lực từ bên trong và thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư tạo điều kiện cho các dự án lớn triển khai có hiệu quả. Đồng thời, Thị xã Hoàng Mai phải lưu ý khai thác, quản lý tốt các tiềm năng sẵn có như bãi biển đẹp, các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng các nhà máy đang triển khai…

Phóng viên: Là thị xã non trẻ, để Hoàng Mai nhanh chóng ổn định, phát triển, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, xin đồng chí cho biết, tỉnh sẽ có những giải pháp, chính sách gì để hỗ trợ thị xã sau khi được thành lập?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Ngày 1/7/2013 tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ báo cáo với Thường trực Ban Bí thư về 10 năm thực hiện Kết luận 20 của Bộ Chính trị và đề nghị ban hành nghị quyết riêng cho phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An. Ngày 4/7/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ báo cáo Bộ Chính trị đề nghị ban hành nghị quyết. Đây là cơ sở quan trọng nhất để ra đời chính sách, cơ chế đặc thù cho Nghệ An nói chung và Thị xã Hoàng Mai nói riêng.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung tạo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật về kinh tế - xã hội, các công trình thiết yếu, ưu tiên vốn cho Hoàng Mai để hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như bộ máy, trụ sở, phương tiện thiết bị để hoạt động; Sớm giao biên chế đủ cho Hoàng Mai để nhanh chóng ổn định bộ máy; Chỉ đạo Hoàng Mai thực hiện quy trình bầu cử để hoàn chỉnh bộ máy Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, HĐND và UBND sớm đi vào hoạt động hiệu quả. Giúp Thị xã Hoàng Mai tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào địa bàn.

Giao Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai xây dựng cơ chế đặc thù để báo cáo Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành có cơ chế, nghị quyết riêng cho Hoàng Mai. Tỉnh sẽ quan tâm tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư để đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thị xã và tập trung nguồn lực đầu tư cho Hoàng Mai. Đảng bộ và nhân dân thị xã Hoàng Mai đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, khơi dậy nguồn lực, ý thức trách nhiệm trong xây dựng thị xã trở thành đô thị loại 3, trở thành vùng kinh tế năng động trọng điểm phát triển phía Bắc của tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh uỷ!


Hữu Nghĩa (Thực hiện)