Nhớ mình dòng giống Tiên Rồng

18/04/2013 18:44

(Baonghean) - Suốt hàng nghìn năm qua, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, con dân nước Việt đều hướng về nguồn cội 18...

(Baonghean) - Suốt hàng nghìn năm qua, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, con dân nước Việt đều hướng về nguồn cội 18 đời Vua Hùng uy danh. Niềm tự hào về nguồn cội, gốc rễ và văn hóa dân tộc là những giá trị mang tính vĩnh cửu; trong bất cứ tình huống nào của lịch sử cũng đều phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng, được chuyển thành sức mạnh vật chất đưa dân tộc vượt qua những chông gai, nguy biến để tồn tại và phát triển. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, thờ cúng Hùng Vương được xây dựng trên nền thờ cúng tổ tiên của gia đình, sau đó là tổ tiên của dòng họ và sau đó nữa là tổ tiên của làng. Cho đến lúc chế độ phong kiến phát triển đến một mức độ cao, việc thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc thành nghi thức của quốc gia.



Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã chứng minh lòng yêu nước, thương nòi của dân tộc ta luôn gắn liền với truyền thống quật cường, tinh thần xả thân bảo vệ Tổ quốc trước mọi xâm lăng từ bên ngoài. Khát vọng hòa bình, thống nhất và xây dựng một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh là mơ ước ngàn đời nay của cả dân tộc. Đó là một dân tộc đã vượt qua nhiều đau thương, mất mát trong quá khứ; đã từng bị nô lệ, mất tự do hàng trăm năm, nên đã quá hiểu giá trị của mỗi ngày sống trong hòa bình, tự do. Những mô hình xã hội, thể chế chính trị mà một số người đưa ra, tuyên truyền, cổ vũ và cho rằng dân tộc Việt Nam nên lựa chọn để “hòa nhập với thế giới hiện đại”, thực ra là một sự ngụy biện tinh vi. Bởi vì một thế giới thống nhất không có nghĩa là một thế giới đồng nhất. Thế giới đó đã và luôn chứa đựng nhiều, rất nhiều yếu tố khác biệt, đa dạng; và chúng được thống nhất với nhau qua những mối liên hệ hữu cơ, đồng thời tác động, chuyển hóa lẫn nhau.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những “tín hiệu” văn hóa, làm cho dân tộc Việt khác toàn bộ thế giới còn lại. Trong “cơn lốc” toàn cầu hóa hiện nay, các nền văn hóa đứng trước nguy cơ bị “san phẳng”, hoặc biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Có số liệu khoa học thống kê, mỗi năm trên thế giới có hàng chục ngôn ngữ của các tộc người thiểu số đã bị biến mất. Các tập tục văn hóa, tín ngưỡng dân gian cũng ở trong tình trạng tương tự. Sự phát triển không bền vững, chỉ chú trọng về khía cạnh vật chất đã gây nên ảo tưởng về xã hội phồn vinh giả dối, trong đó con người không những không được giải phóng mà còn bị lệ thuộc vào vật chất và tiện nghi, từ đó bị lệ thuộc về tư tưởng, tâm hồn. Và rồi đến một thời điểm nào đó, khi sự nghèo nàn, đơn điệu về văn hóa đã đến cực điểm, sự cằn cỗi về tinh thần thực sự cạn kiệt, chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính sự tồn tại vô nghĩa của mình.

UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là sự nhắc nhở, khơi gợi, đặt ra yêu cầu bảo vệ, gìn giữ tín ngưỡng này là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người. Vấn đề còn lại là bảo vệ, phát huy di sản này như thế nào cho đúng, cho phù hợp với quy luật khách quan và thích ứng với cuộc sống luôn biến động không ngừng, là điều cần suy nghĩ, thực hiện nghiêm túc?!

Mỗi năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mỗi chúng ta hãy cúi đầu suy xét và nhắc nhở mình là dòng giống Tiên Rồng!


Trần Hoài