Sĩ tử luyện thi ở “lò cấp tốc”

14/06/2013 16:27

Kỳ thi đại học đang đến rất gần. Điều đó đồng nghĩa với việc các sĩ tử đang ở giai đoạn cấp tập nhất. Có nhiều hình thức ôn tập, tùy vào điều kiện, thói quen, và cả sở thích của từng sĩ tử. Trong đó, tìm đến các “lò cấp tốc” cũng là một trong những chọn lựa…

(Baonghean) - Kỳ thi đại học đang đến rất gần. Điều đó đồng nghĩa với việc các sĩ tử đang ở giai đoạn cấp tập nhất. Có nhiều hình thức ôn tập, tùy vào điều kiện, thói quen, và cả sở thích của từng sĩ tử. Trong đó, tìm đến các “lò cấp tốc” cũng là một trong những chọn lựa…

13h45 chiều 9/6. Một “lò” luyện thi cấp tốc trên đường Phạm Kinh Vỹ, gần Trường Đại học Vinh, đang chuẩn bị cho “ca” học môn Đại số. Trời nắng như đổ lửa, từng tốp học sinh vẫn cố gửi xe thật nhanh để vào “lò”, những mong tìm được một chỗ ngồi ở phía trên để dễ tiếp thu bài vở hơn, hoặc ít ra là chỗ gần quạt, để dịu bớt cái nực nồng. Em Nguyễn Trung Nguyên, Trường THPT Hồng Lĩnh mồ hôi nhễ nhại: “Em được mẹ chở xe máy ra lúc 11 giờ trưa nay. Chiều nay học một môn xem thế nào. Nếu có vẻ hiệu quả, em sẽ ở lại thuê nhà trọ học. Dẫu sao cũng chỉ còn hơn 20 ngày nữa…”. Cô Nga – mẹ của Nguyên cũng băn khoăn chia sẻ: “Nghe bạn bè cháu rủ nhau ra Vinh ôn cấp tốc. Cũng không muốn cho con đi vì thời tiết nắng nóng, nhà xa, lại không còn nhiều thời gian nên muốn tập trung tự ôn ở nhà, giữ sức khỏe. Nhưng bạn bè đi cả, mình không đi cũng không yên tâm…”.



Các sĩ tử “chen chân” vào “lò luyện”.

Ôn thi đại học tại các “lò” luyện thi là chuyện không mới ở Thành phố Vinh. Cách đây quãng 8 – 10 năm, hoạt động của các “lò” luyện thi này nhộn nhịp, đông đúc hơn bây giờ rất nhiều. Thứ nhất, thời điểm đó chưa tồn tại hình thức thi “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung điểm sàn), nên sĩ tử thi vào trường nào cũng muốn luyện thi ở khu vực trường đó. Thêm nữa, sau một thời gian, nhiều người nhận thấy việc ôn thi đại học tại các “lò” không thực sự hiệu quả, từ đó, cũng góp phần dẫn tới việc giảm sút lượng thí sinh đăng ký ôn luyện. Đó là chưa kể tới những vấn đề xã hội có tác động không nhỏ tới tình hình học ôn, trong đó việc xuất hiện ngày càng nhiều các trường đại học khiến cho cơ hội vào đại học được mở rộng, bởi trường nào cũng có nhu cầu tuyển sinh…

Thông thường, từ tháng 3 hàng năm, các cơ sở ôn thi đã mở các lớp “luyện” đại học. Nhưng vì thời gian này, học sinh vẫn còn học chính khóa ở các trường THPT nên lịch ôn còn tương đối thưa thớt, trung bình mỗi tuần khoảng 5 “ca”, chủ yếu tập trung vào các buổi chiều tối hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật. Học sinh ôn thi đợt này, hầu hết là các em ở thành phố. Số lượng học cũng rải rác, không tăng đột biến. Nhưng đến đợt ôn cấp tốc, tình hình lại khác. Ngay khi học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các “lò” đã sẵn sàng “trưng” biển, bảng chào mời. Quan trọng nhất với mỗi “lò”, và với cả người học là “bộ thầy” giỏi, nổi tiếng.

Các học sinh đến từ nông thôn, miền núi hoặc các huyện lân cận không thật rõ thầy nào giỏi, thầy nào có kinh nghiệm, nhưng vì “nghe nói”, “nghe kháo” nên họ mặc nhiên đăng ký vào. Mặc dù so với trước, nhiều “lò” đã rút lui, không còn hoạt động, nhưng trên các đường Phạm Kinh Vỹ, Bạch Liêu vẫn còn lại một số “lò” được nhiều người xem là tương đối “uy tín”. Chỉ cần dừng xe trước “lò”, hỏi qua quýt mấy câu, người hỏi sẽ nhận được một tờ lịch học được phô tô sẵn, ghi cụ thể giờ học, môn học, tên thầy giáo đứng lớp. Vì là “cấp tốc” nên thời khóa biểu dày đặc. Có những “lò” hầu như ngày nào cũng 5 “ca” (mỗi “ca” 2 giờ đồng hồ). Sáng 2 “ca”, từ 6h30 đến 8h30 và từ 8h30 đến 10h30; chiều cũng 2 “ca”, từ 14h đến 16 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ; “ca” tối từ 18h đến 20h.

Lịch này bắt đầu từ ngày 5/6. Đông nhất vẫn là những sĩ tử thi hai khối A và B. Với thời khóa biểu này, trung bình mỗi sĩ tử, nếu theo học đầy đủ, mỗi ngày là 5 “ca”. Nắng nóng, đông người, mệt mỏi, nhiều em kiệt sức. Chính vì thế, hầu như các em chọn cách học “đi buổi nào nạp tiền buổi ấy”, vừa chủ động lịch, vừa không mất tiền những hôm nghỉ đột xuất. Mỗi “ca” ôn thi cấp tốc sĩ tử phải nạp 25.000 đồng. Đợt này, trung bình mỗi lớp dao động từ 70 đến xấp xỉ 100 người học, tùy môn học, tùy thầy dạy và tùy cả thời gian (những “ca” đầu giờ chiều, nắng nóng nên ít người hơn các “ca” buổi sáng). Con số này giảm hẳn so với nhiều năm trước; và chỗ ngồi của các em cũng thoải mái hơn, gần như không có hiện tượng chen chúc, xô đẩy nhau. Theo khảo sát của chúng tôi, chủ cơ sở luyện thi nhận được 30% tổng số tiền mỗi ca học, tức khoảng 500.00 đồng đến 700.000 đồng/ “ca”, tùy theo đầu người, còn lại là chi trả cho giáo viên. Chính vì một khoản tiền “vào” như thế này nên các “lò” vẫn có những cạnh tranh ngầm, cốt làm sao “lò” mình có thật đông sĩ tử tìm đến.

16h10 ngày 9/6, chúng tôi tìm đến một “lò” trên đường Bạch Liêu. Nán lại nói chuyện với chúng tôi là em Nguyễn Thị Hiền, đến từ Nam Đàn: “Em vừa học xong môn Hóa. Lớp khoảng hơn 80 người. Cũng nhiều quạt nhưng không thể đủ mát. Thầy dạy cũng toát mồ hôi. Nhiều người đi nhưng không tập trung học. Trời nắng nóng quá. Bạn em sức khỏe yếu nên có hôm vào học được một lát, phải nghỉ giữa buổi và rồi về quê tự ôn tập. Chắc em cũng chỉ học một tuần nữa, rồi về tự học như bạn thôi…”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Hiệu quả của việc luyện thi lò cấp tốc?”, Hiền có vẻ ngần ngại: “Kiến thức luyện thi cũng không khác gì đã học ở trường, ở nhà. Nhưng đi thế này có cảm giác an tâm hơn”. Kỳ thực, câu hỏi của chúng tôi cũng không nhằm để khái quát nên chuyện chất lượng của các cơ sở ôn thi đại học cấp tốc. Bởi tùy theo chủ quan của mỗi sĩ tử mà có những câu trả lời khác nhau. Nhiều em cho là thu nhận được nhiều điều mới mẻ, đặc biệt thầy cô định hướng cho cách ôn thi khoa học hơn, nhưng cũng không ít em cho rằng “vẫn thế”, chỉ có mệt hơn, nóng hơn, lo nhiều hơn…

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, một lớp học đông rõ ràng khó có thể đem lại hiệu quả so với một lớp học ít người. Và một lịch học, lịch dạy “chạy sô” liên tục cũng khó mà đưa lại những kết quả mong muốn. Dành nhiều thời gian “học lò”, về nhà lại mệt, buồn ngủ, nên chuyện ôn lại bài, làm thêm dạng bài mới gần như nhiều sĩ tử không còn thời gian thực hiện. Hơn nữa, đây là giai đoạn “nước rút”, tâm lý các em khá căng thẳng và chịu nhiều áp lực. Cho nên, tìm đến các “lò” cấp tốc, các em muốn được “trấn an” gia đình và bản thân, để tự tin hơn bước vào kỳ thi đại học. Từ khi khai giảng khóa học đến giữa tháng 6 là thời điểm đông các sĩ tử nhất. Sau đó, con số này “rơi rớt” dần, các lớp vắng hẳn, và gần như “đóng lớp” trước dự định ban đầu của thời khóa biểu.

Qua trao đổi với một thầy giáo có “thâm niên” luyện thi cấp tốc (thầy đề nghị được giấu tên), thầy chân tình chia sẻ: “Nếu đã nắm chắc chắn chương trình học, không nhất thiết phải đi ôn thi nữa. Ở nhà, tranh thủ thời gian, các em hệ thống lại kiến thức, cùng với đó, giữ sức khỏe, ổn định tâm lý, kết quả thi sẽ khả quan”…


Bài, ảnh: NGUYÊN NGUYÊN