Không chỉ làm người gieo chữ
(Baonghean) - Năm 1993, tốt nghiệp ra trường, Đặng Thị Thanh Nhàn được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Thạch Ngàn (Con Cuông), rồi trường Đỉnh Sơn, Thành Sơn, Trà Lân, sau đó là Trường Tiểu học Phúc Sơn. Công tác ở những trường khó khăn, học trò nghèo lại hổng kiến thức, làm thế nào để giúp học sinh tiến bộ hơn? Câu hỏi ấy luôn day dứt cô. Vậy là, một hành trình “tiếp lửa” cho học sinh yếu được bắt đầu. Trên lớp, cô dành sự quan tâm nhiều đến học sinh yếu kém, tìm cách khai thác thế mạnh, của các em. Những sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học của cô đã giúp các em xóa dần mặc cảm tự ti và mạnh dạn hơn trong giờ học.
Cô Đặng Thị Thanh Nhàn và học trò Vi Văn Hùng.
Thực tế, đa số học sinh chưa có ý thức học tập theo đúng yêu cầu. Một số học sinh không nhớ công thức, tính toán chậm, viết sai chính tả, diễn đạt câu văn còn lủng củng. Cô Nhàn đã phân loại đối tượng học sinh để rèn luyện. Cô chia sẻ: “Với học sinh yếu kém, điều quan trọng nhất là phải tạo được hứng thú học tập. Bắt đầu một tiết học Toán, tôi cho bài tập dễ làm, khuyến khích các em xung phong làm bài; dùng câu hỏi gợi mở để các em nhớ những kiến thức đã học. Đồng thời, tổ chức đôi bạn cùng tiến, phát động phong trào thi đua giữa các đôi bạn; dành 8 phút đầu giờ cho học sinh truy bài những môn học trong buổi và 7 phút còn lại cho những đôi bạn cùng kiểm tra bài của nhau. Sau mỗi buổi học, sẽ có 5-7 phút hướng dẫn học sinh củng cố kiến thức cơ bản của tiết học và ôn luyện những kiến thức Toán có liên quan đến bài từ những năm học trước”. Ngoài những giờ giảng trên lớp, cô giáo Nhàn dành thời gian đến thăm từng học sinh yếu trong lớp, nhiều phụ huynh cho con nghỉ học vì học yếu, cô đến thuyết phục cho trẻ quay lại lớp; đối với học sinh nghèo chị bỏ tiền túi ra mua sách vở, dụng cụ học tập cho trò…
Sự tận tụy không mệt mỏi của cô đã biến một học sinh mắc bệnh tự kỷ, đến lớp không đọc, không viết, không trò chuyện như Vi Văn Hùng thành một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Việc làm đó của cô được xem là “kỳ tích” của ngành Giáo dục Anh Sơn. Cô Nhàn chia sẻ tiếp: “Phải mất 17 tuần ròng rã để luyện viết cho em, chỉ dạy em cách làm Toán, cách đánh vần và tập nói chuyện. Tranh thủ dạy trên lớp, đến tận nhà kèm cặp và xin gia đình đưa em về nhà mình ở, gần gũi, chia sẻ với trò như con, để em xóa đi mặc cảm nhà nghèo, chuyện bố đi tù. Ngày Hùng phát âm được những tiếng đầu tiên trong sách tập đọc, tôi mừng đến phát khóc... Phải xem học trò như con của mình vậy thì người giáo viên sẽ có được sự kiên nhẫn và lòng bao dung để giúp các em tiến bộ hơn và hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Với tôi, giáo viên không chỉ làm gieo chữ, mà còn phải gieo tình yêu thương, để đỡ nâng từng bước chân non trẻ trên con đường chinh phục tri thức đầy cam go, nhọc nhằn...”.
Bài, ảnh: Duy Nam