Từ các cuộc đình công nhìn lại vai trò của Công đoàn

30/07/2013 17:00

(Baonghean) - Sự kiện công nhân Công ty TNHH Prex Vinh - KCN xã Lạc Sơn (Đô Lương), thuộc Tập đoàn KIDO Hàn Quốc và công nhân Công ty Hanosimex đóng trên địa bàn xã Nam Giang (Nam Đàn) đình công trong thời gian vừa qua gây sự chú ý trong dư luận.

Rõ ràng, khi xảy ra đình công sẽ gây bất lợi cho người sử dụng lao động, người lao động, cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đình công còn gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư ở địa phương có đình công xảy ra nói riêng và Việt Nam nói chung. Thực tiễn những năm gần đây các cuộc đình công đã xảy ra với số lượng, quy mô ngày càng lớn cũng như với tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gây chú ý lớn đến dư luận xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến những cuộc đình công nói trên đều xuất phát từ lý do rất quen thuộc: khúc mắc về hợp đồng lao động, về phụ cấp và các chế độ theo lương, về cách đối xử của người sử dụng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, bảo hiểm và quyền lợi trong việc tham gia và hưởng các chế độ từ tổ chức công đoàn…

Những quyền lợi nói trên là rất chính đáng và công nhân đã phải đòi hỏi trong một thời gian dài, thậm chí cam chịu để làm việc, nhưng người sử dụng không thỏa thuận, không đáp ứng. Mặt khác, cả hai lần đình công của công nhân tại Công ty may Prex Vinh đều không đúng theo trình tự mà pháp luật quy định. Vậy, vai trò của tổ chức công đoàn ở đâu trong quá trình công nhân đòi quyền lợi và tổ chức đình công?



Đình công tại Công ty may Prex Vinh ở xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương.

Một cuộc đình công được coi là hợp pháp khi diễn ra theo đúng trình tự: gửi đơn kiến nghị lên chủ doanh nghiệp; khi không thoả thuận được thì báo cáo lên trọng tài lao động; sau khi trọng tài lao động hoà giải không được thì lúc ấy phải lấy ý kiến tập thể công nhân để tổ chức đình công… Tất cả các công đoạn này đều do tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thực hiện. Thế nhưng, trong cuộc đình công vừa qua ở Nghệ An nói riêng và hơn 1.000 cuộc đình công diễn ra trên cả nước suốt 10 năm qua (2003 - 2013), đặc biệt, những cuộc đình công tự phát gần đây đều không thực hiện đúng theo quy trình này và hầu hết không có sự tham gia của tổ chức công đoàn.

Điều này không chỉ cho thấy một số điểm trong Luật của chúng ta chưa sát với thực tế, mà còn phản ánh một thực tế khác: vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng mờ nhạt. Trong các cuộc đình công vừa qua, cán bộ công đoàn cơ sở chưa nắm được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của người lao động nên không kịp phản ứng khi bức xúc lên đến cao trào. Khi bức xúc của người lao động là chính đáng thì phải thương lượng ngay với người sử dụng lao động để giải quyết vấn đề đó, nếu chủ doanh nghiệp không giải quyết thoả đáng thì phải kịp thời báo cáo lên công đoàn cấp trên.

Một thực tế là một khi công đoàn công khai đòi quyền lợi cho người lao động thì chủ doanh nghiệp sẽ ngay lập tức làm khó với lãnh đạo công đoàn. Chính vì vậy mà hầu như 100% các cuộc đình công của công nhân, người lao động thời gian qua là tự phát do công nhân, không có sự tham gia lãnh đạo, tổ chức của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp, tổ chức công đoàn chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Tổ chức công đoàn cơ sở chưa đủ sức với vai trò là người đại diện duy nhất cho quyền lợi công nhân ở doanh nghiệp để cùng thảo luận, bàn bạc với chủ doanh nghiệp về những kiến nghị của công nhân.

Qua các cuộc đình công, chúng tôi nhận thấy một số quy định của Luật Công đoàn hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Để góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động và hạn chế được các cuộc đình công, ở khía cạnh quy định của pháp luật, cần xem xét để sửa đổi một số quy định sau đây:

- Trên thực tế, khi tổ chức công đoàn công khai bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thường gặp phải sự ngăn cản của chủ doanh nghiệp, vì công đoàn cũng trực tiếp hưởng quyền lợi từ ông chủ. Do đó luật phải tăng sức mạnh cho công đoàn trong doanh nghiệp, để họ có đủ điều kiện bảo vệ người lao động.

- Tăng cường vai trò của công đoàn trong “lãnh đạo đình công”, công đoàn giữ vai trò hòa giải, hướng dẫn, chỉ đạo đình công đúng luật, vừa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động nhưng cũng không gây phát sinh đối kháng giữa tổ chức công đoàn và chủ sử dụng lao động.

- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp trên. Trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp ký kết kế hoạch liên tịch, định kỳ thông tin, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là trong các vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động, ổn định tình hình an ninh trật tự.

- Tăng cường vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là những quyền lợi cơ bản như: tiền lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quyền lợi thai sản của lao động nữ; kịp thời đưa ra ý kiến, đàm phán với chủ doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của người lao động.

Điều 10, Luật Công đoàn quy định rất cụ thể quyền, trách nhiệm của Công đoàn: Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động; Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể; Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động; Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động; Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm; Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; Đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền; Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động; Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.


Nguyễn Trọng Hải (Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự)