Đưa nhà máy về nông thôn

22/02/2013 22:53

Trong những năm qua, thu hút đầu tư trở thành một trong những kênh quan trọng giúp huyện Nam Đàn thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nam Đàn với  nguồn nhân lực lao động dồi dào, công tác đền bù GPMB tiến hành nhanh, gọn... là những yếu tố cơ bản thu hút các nhà đầu tư.

(Baonghean) - Trong những năm qua, thu hút đầu tư trở thành một trong những kênh quan trọng giúp huyện Nam Đàn thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nam Đàn với nguồn nhân lực lao động dồi dào, công tác đền bù GPMB tiến hành nhanh, gọn... là những yếu tố cơ bản thu hút các nhà đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU của Ban Chấp hành huyện Đảng bộ về phát triển CN-TTCN và xây dựng làng nghề giai đoạn 2006 - 2010, Nam Đàn đã quy hoạch 3 cụm công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đó là cụm công nghiệp Nam Giang (diện tích 36ha), cụm công nghiệp Cầu Đòn tại xã Vân Diên (10 ha), cụm công nghiệp Rú Bùi xã Khánh Sơn (30 ha), cụm công nghiệp Nam Thái (20 ha). Nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định và đang tiến hành triển khai trên địa bàn huyện, như Nhà máy gạch Tuynel Nam Thái có công suất 60 triệu viên/năm; tòa nhà Nam Đàn Plaza với tổng diện tích xây dựng 1.400m2, số vốn đầu tư là 22,5 tỷ đồng; Cửa hàng kinh doanh xe máy và dịch vụ tổng hợp, diện tích xây dựng 607,8 m2 với mức đầu tư gần 13 tỷ đồng; dự án Nhà máy chế biến sấy khô sản phẩm nông nghiệp, quy hoạch trên diện tích 4ha tại cụm công nghiệp Vân Diên; Dự án Nhà máy sửa chữa và sản xuất máy nông nghiệp; Dự án xây dựng khu công nghệ cao trên diện tích 25ha tại cụm công nghiệp Nam Giang...

Những năm gần đây, Nam Đàn tiếp tục là điểm “dừng chân” của một số dự án lớn, điển hình là Dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanossimex, dự án xây dựng hệ thống nhà máy may đồ thể thao xuất khẩu của Công ty TNHH Haivina - Kim Liên. Năm 2011, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (nay chuyển sang Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ đầu tư) đã quyết định xúc tiến đầu tư Dự án cụm sợi may Nam Đàn Hanossimex. Dự án được đầu tư trên diện tích 17 ha, với tổng mức đầu tư là 1.034,6 tỷ đồng và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng nhà điều hành công ty, kết hợp xây dựng nhà máy sợi Nam Đàn 1 với quy mô 30.000 cọc sợi; xây dựng nhà máy sản xuất sợi nồi cọc công suất 50.000 cọc sợi; hợp tác với Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đầu tư kết hợp di dời Nhà máy sản xuất sợi OE công suất 4.000 hộp sợi vào cụm dệt may Nam Đàn Hanossimex. Giai đoạn II đầu tư xây dựng Nhà máy sợi Nam Đàn 2 quy mô 25.000 cọc sợi và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, san lấp mặt bằng. Đến nay trên diện tích 6,8 ha đã xây dựng xong nhà máy sợi Nam Đàn I, số vốn đầu tư là 560 tỷ đồng; dự kiến đến tháng 4/2013 sẽ đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động... Nhà máy Haivina - Kim Liên đầu tư vào cụm công nghiệp Nam Giang - Nam Đàn đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2011; tạo việc làm cho hơn 2.000 người.

Có thể nói, Nam Đàn đang dần phá thế thuần nông, với giá trị sản xuất (giai đoạn 2006 - 2011) ngành CN-TTCN tăng trên 35%, tỷ trọng chiếm 48,24%. Thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư đến năm 2012 là trên 450 tỷ đồng. Triển vọng phát triển ngành công nghiệp của huyện rất khả quan khi trên địa bàn đang tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp mới tại các vùng Nam Thanh - Nam Nghĩa, Nam Hưng - Nam Thái...

Theo ông Lê Ngọc Hiền, chuyên viên phụ trách lĩnh vực CN-TTCN phòng Công Thương huyện Nam Đàn, việc đẩy mạnh GPMB được Nam Đàn xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để thu hút đầu tư, cùng với phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị; thực hiện cải cách hành chính và một số cơ chế hỗ trợ ưu đãi. Nam Đàn có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, ngành, các đơn vị trong huyện và sở, ngành của tỉnh trong quá trình giải quyết các thủ tục để giúp các nhà đầu tư triển khai nhanh nhất các dự án. Ngoài các chính sách ưu đãi chung của tỉnh, huyện hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hạ tầng theo quy hoạch của từng cụm công nghiệp, với mức hỗ trợ không vượt quá 200 triệu đồng/dự án; những doanh nghiệp tiếp nhận trên 100 lao động, tự đào tạo lao động đạt tiêu chuẩn thợ bậc 2 trở lên được hỗ trợ 300.000 đồng/người cho những lao động sinh sống tại Nam Đàn; hỗ trợ 30% lệ phí đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, 30% kinh phí duyệt thực hiện đề tài, dự án đối với doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHKT, nhưng không quá 30.000.000 đồng/đề tài, dự án. Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...

Mục tiêu giai đoạn 2012- 2015 và đến năm 2020, Nam Đàn tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, đảm bảo các tiêu chí như đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động.


Ngọc Anh