Làng cá Diễn Đoài
(Baonghean) - Diễn Đoài, Diễn Kim (Diễn Châu) từ lâu đã nổi tiếng nhờ nghề cá giống. Đến nay nghề phát triển trở thành một địa chỉ tin cậy của những người nuôi cá suốt một dải đất miền Trung từ Quảng Trị đến Thanh Hóa.
Theo hướng dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Đoài Nguyễn Phi Nga, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Ngọc Lễ, được xem là một trong những người đưa nghề về đầu tiên cho làng.
Tiếp chúng tôi dưới tán nhãn, ngay bên hồ cá, trong hương nhãn chín, anh Lễ cho biết: Sau khi rời quân ngũ, trong khi chưa biết chọn nghề gì cho tương lai, thì đúng lúc xã có chủ trương chuyển đổi 26 ha ruộng trũng sình lầy đầy năn lác mà trước đây hợp tác xã tổ chức nuôi cá không hiệu quả cho xã viên. Xã vận động anh đứng ra nhận 1,3 ha để làm gương cho mọi người. Đó là những năm đầu của thập kỷ 90. Vừa cấy lúa, nuôi cá, vừa quy hoạch, anh dần có tích lũy. Ngay cơ ngơi trang trại đã có dăm tỷ đồng. Năm 1991- 2003 là giai đoạn kiến thiết cơ bản, mỗi năm ngoài sức lao động của người nhà, anh Lễ còn phải thuê gần 400 công lao động. Mỗi năm diện tích đã cải tạo trồng 1 vụ lúa thu hoạch xong là thả cá. 1,3 ha đất được chia thành nhiều ao, mỗi ao ương nuôi 1 loài cá.
Trên bờ ao anh trồng mía - nuôi lợn. Mỗi năm thu vài chục triệu tiền từ lợn và mía, lại đầu tư cho ao cá. Những năm 1995, 1996, 1997 là thời hoàng kim của nghề nuôi cá giống. Mỗi sào ao ương cá giống sau 2 tháng cho thu nhập 5 triệu đồng. Chỉ tiêu 100 triệu đồng/ha đã đạt được từ ngày đó đối với nghề nuôi cá. Của chìm thì không biết, nhưng những thứ mà chúng tôi nhìn thấy thì anh đã mua được xe ô tô đắt tiền, đầu tư cơ sở phục vụ đám cưới ngót 1 tỷ đồng, anh còn nuôi 2 cặp hươu, có tiền, anh đầu tư cho 2 người con đi vương quốc Anh xuất khẩu lao động.
Hiện nay mỗi năm cơ sở sản xuất của anh duy trì sản xuất khoảng hơn 25 tấn cá giống lẫn cá thịt. Anh dần đầu tư lĩnh vực khác đỡ vất vả hơn.
Ngoài mô hình của anh Lễ, chúng tôi còn đi xem mô hình nuôi cá tràu của anh Trần Trung Tín. Sinh năm 1987, Tín tự nhận mình “dốt” không học được nên rẽ ngang sang học nghề nuôi cá. Nhưng qua cung cách ứng xử và tính toán của Tín thì chẳng ai nghĩ anh là dốt. Sở dĩ được mệnh danh là “vua cá tràu” vì anh là người đầu tiên đưa giống cá tràu về Diễn Đoài nuôi. Năm 2007, qua báo, đài thấy phổ biến nghề nuôi cá tràu, lần theo thông tin, Tín khăn gói “tầm sư học đạo”. Cùng với kiến thức học được, anh mua 5.000 con cá giống về nuôi. Làm theo hướng dẫn, cá ăn nhiều chóng lớn.
Mừng chưa kịp thì nỗi lo ập đến: Mùa đông cá sủi vảy chết hàng loạt, bán không ai mua, cho không lấy. Tìm hiểu, Tín biết được bệnh của cá là do cá tràu sống ở xứ nóng không chịu được lạnh của mùa đông, từ đó phải xây dựng lịch nuôi, làm sao cho phù hợp với thời tiết, từ đặt sản xuất giống, thả giống, thu hoạch làm sao tránh được lạnh. Quy trình mà Tín xây dựng là phải thả giống từ tháng 2 đến tháng 12 kết thúc vụ thu hoạch. Từ 2008 đến nay với quy trình này nhà Tín luôn “trúng”. Tín còn nuôi 2 sào cá trê, 2 sào nuôi cá truyền thống. Dẫn chúng tôi tham quan bể xi măng nuôi cá tràu với diện tích 60m2 thả 1 vạn cá giống, Tín khẳng định với chúng tôi năm nay sẽ thu về 5 tấn cá thịt.
Mô hình nuôi cá tràu của gia đình anh Trần Trung Tín (xã Diễn Đoài, Diễn Châu).
Theo cách tính của Tín, mỗi kg cá lãi ròng 10 ngàn đồng thì sẽ cho thu nhập 50 triệu đồng. Chỉ riêng lượng cá tràu (giống và thịt) nuôi trong ao nhà cũng đã có gần 200 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ sáng tạo tìm ra mùa vụ, cách nuôi thích hợp mà Tín còn đảm nhận cả dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra cho con cá này. Gần như là 1 đại lý độc quyền cung cấp giống cá tràu cho người nuôi từ Hà Tĩnh cho đến tận Thái Bình. Tín còn lo đầu ra cho con cá. Từ việc bán cá của nhà nuôi cho thương lái ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thành phố Vinh… quen mối, Tín làm dịch vụ cho các hộ nuôi khác, mỗi năm cũng dăm chục tấn cá qua tay đến với người tiêu dùng, cho một khoản thu nhập không nhỏ.
Diễn Đoài có cánh đồng trước đây hoang vu mọc đầy năn lác nay đã trở thành “bờ xôi ruộng mật” của xã. Nghề nuôi cá giống và cá thịt đã góp phần làm giàu cho 337 hộ dân từ xóm 3 đến xóm 11. Hàng năm từ cá đã đóng góp 135 tỷ đồng/tổng thu nhập của xã. Và cũng từ làng cá này đã hình thành nên 3 công thức luân canh trên đồng đất Diễn Đoài: cá giống - cá thịt, 1 lúa - 1 cá, 2 lúa - 1 cá. Những công thức này đang giúp người dân nơi đây xóa, đói giảm nghèo hiệu quả.
Anh Tuấn