Còn nhiều bất cập

23/05/2013 20:10

(Baonghean) - Mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ về thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn y tế. Tuy nhiên trên thực tế, công tác này nhiều năm nay vẫn chưa thực sự đảm bảo...

Ngày 4/5, tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh phát hiện Lê Thị Tâm (1971), trú tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc đang thu gom và chở 11,5kg bơm tiêm nhựa và chai nhựa đựng dung dịch truyền đã qua sử dụng tại Bệnh viện Đông y tỉnh. Trong số 11,5 kg bơm kim tiêm và chai nhựa thì có 4 kg Lê Thị Tâm khai là mua của Nguyễn Thị Thu Hoài - hộ lý bệnh viện, số còn lại mua của hai nhân viên y tá khác nhưng vì bịt khẩu trang nên Lê Thị Tâm không biết là ai. Vụ việc vẫn đang tiếp tục trong quá trình điều tra theo dõi.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Bệnh viện Đông y tỉnh, ông cho biết: Rất bất ngờ với sự việc trên bởi từ trước tới nay bệnh viện quản lý rất chặt việc xử lý các loại rác thải, đặc biệt là rác thải y tế. Cụ thể, hàng năm bệnh viện có ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Nghệ An để xử lý rác thải sinh hoạt. Còn rác thải y tế, bệnh viện ký hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh ở Hải Dương. Hàng ngày, rác thải y tế sau khi phân loại, bỏ trong các bao bì riêng, được chuyển vào kho và một tuần một lần công ty này sẽ đến thu gom.

Quan sát quy trình thu gom rác thải ở Bệnh viện Đông y, có thể thấy quy trình này được các điều dưỡng, nhân viên bệnh viện thực hiện khá nghiêm túc. Tuy vậy, việc thu gom rác thải y tế hàng ngày ở các khoa không có sổ ghi chép, kho chứa rác thải của bệnh viện không đóng cửa, lại sát khu vực rác thải sinh hoạt nên dễ hiểu vì sao đã được thu gom, phân loại nhưng các loại bơm tiêm nhựa và chai nhựa vẫn bị “tẩu tán” ra ngoài.



Rác thải của Bệnh viện Đông y sau khi được thu gom về kho.

Vấn đề ô nhiễm rác thải y tế cũng là vấn đề bức xúc tại nhiều khu dân cư sống gần các bệnh viện và cũng là tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để tại tỉnh ta. Với 41 bệnh viện và 22 phòng khám đa khoa khu vực, 480 trung tâm y tế xã, phường, thị trấn và 359 cơ sở hành nghề y tư nhân, mỗi ngày theo khảo sát của Sở Y tế, các bệnh viện trong tỉnh phát sinh 12 tấn chất thải y tế, trong đó có 1,7 tấn chất thải nguy hại (chiếm 14,1%). Bệnh viện có mức độ xả thải chất thải nguy hại nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (0,3 kg/giường/ngày), Bệnh viện Ung bướu (0,4 kg/giường/ngày), Bệnh viện Sản nhi (0,25 kg/giường/ngày).

Với lượng rác thải rất lớn trên, hiện đa phần các bệnh viện đều xử lý tại chỗ tại các lò đốt của bệnh viện. Tuy vậy trong 17 lò đốt đang hoạt động thì chỉ có 8 lò đốt còn hoạt động khá ổn định, còn lại 9 lò đốt của các bệnh viện đa khoa: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn đều đang có vấn đề như tốn nhiên liệu, nhiệt độ thấp và không đạt tiêu chuẩn khí thải ra môi trường. Lò đốt của Bệnh viện Lao và bệnh phổi sau 5 năm hoạt động nay đã bị xuống cấp hư hỏng. Các bệnh viện trong địa bàn Thành phố Vinh, lâu nay vẫn đốt chung với lò đốt của Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, nhưng nay lò đốt này cũng đã xuống cấp do phải thường xuyên hoạt động quá tải, các thiết bị hỏng hóc thường xuyên.

Trong quá trình đốt, lò thải ra khói đen làm ô nhiễm môi trường của bệnh viện và dân cư xung quanh. Tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh khác, giải pháp được sử dụng thường xuyên là chôn lấp, đốt trong lò gạch, ngoài trời. Tuy vậy, đây đều là các giải pháp không an toàn. Ngoài ra, các chất thải được phép tái chế như nhựa không lây nhiễm hay nhựa được khử hết lây nhiễm thường được các cơ sở y tế bán cho cơ sở thu mua tái chế. Nhưng, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở thu mua tái chế có tư cách pháp nhân như quy định. Các bệnh viện phải gom rác thải đến nơi xử lý tập trung để tiêu hủy hiện không có xe chuyên dụng, việc vận chuyển cũng không thể theo dõi và kiểm soát được.

Ông Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trên góc độ quản lý, quản lý chất thải y tế liên quan đến nhiều sở nhưng hiện tại chưa có cơ chế phối kết hợp giữa các sở, ngành trong tỉnh; chưa có hội đồng, tổ công tác liên ngành được thành lập để tháo gỡ những khó khăn trong quản lý chất thải y tế...

Thiết nghĩ, giải quyết những tồn tại trên, trách nhiệm chính vẫn là ngành chủ quản, bên cạnh tham mưu để Nhà nước có chính sách đầu tư hỗ trợ, cần giao trách nhiệm đến từng giám đốc bệnh viện, chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng, nếu sai phạm phải xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở y tế kết hợp tuyên truyền, giáo dục giúp các nhân viên y tế thấy rõ tác hại của rác thải y tế, làm tốt việc thu gom, phòng ngừa và tiêu hủy khoa học.


Bài, ảnh: Mỹ Hà