Trách nhiệm với nhà nông?

15/05/2013 18:01

Sắp vào vụ gặt, tại huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu lại xẩy ra chuyện mất mùa trên diện tích lúa giống BC15. Giống lúa BC15 được gieo cấy đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa phát triển bình thường, không bị sâu bệnh nhưng khi trổ bông bị lép hạt.

(Baonghean) - Sắp vào vụ gặt, tại huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu lại xẩy ra chuyện mất mùa trên diện tích lúa giống BC15. Giống lúa BC15 được gieo cấy đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa phát triển bình thường, không bị sâu bệnh nhưng khi trổ bông bị lép hạt.

Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân này giống lúa BC15 được cơ cấu 10.000 ha trên toàn tỉnh (khoảng trên 400 tấn thóc giống), chủ yếu ở vùng Diễn-Yên-Quỳnh (riêng Quỳnh Lưu gieo cấy 60-70% diện tích) trong đó, có 2.000 ha bị ảnh hưởng. Chưa có kết luận về nguyên nhân mất mùa trên giống lúa BC15, nhưng hiện nay bà con nông dân rất hoang mang, lo lắng. Chi cục Bảo vệ thực vật đã về kiểm tra và kết luận không có sâu bệnh. Tổng Công ty Giống và cây trồng Thái Bình, đơn vị cung ứng giống lúa BC15 thì đưa ra một kết luận lạ lùng: hiện tượng bông lúa lép hạt là do gặp trận mưa có a-xít.

Các chuyên gia nông nghiệp của Nghệ An không mấy mặn mà với giống lúa BC15 vì được tạo ra từ giống lúa IR17494, là giống lúa có nhiều nhược điểm. vỏ bị nứt dễ sâu mọt, hay bị bệnh đạo ôn, khả năng chịu rét kém. Để khắc phục những nhược điểm của giống lúa này, kỹ sư nông nghiệp Đặng Tiểu Bình ở Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông tỉnh Thái Bình đã tìm được dòng biến đổi gien để tạo ra giống lúa BC15. Không biết quá trình thí nghiệm để đưa giống lúa BC15 vào sản xuất đại trà có được cơ quan trung ương nào kiểm định hay không và khi đưa vào Nghệ An có được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát không? Hay là khi xảy ra sự cố mới giật mình và đổ lỗi vòng quanh? Chúng ta vẫn hô hào thực hiện kết hợp ba nhà: “Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học” nhưng trong việc đưa giống lúa BC15 vào Nghệ An đã có sự kết hợp đó?

Hiện tượng mất mùa do giống lúa không phải chỉ xẩy ra lần đầu tại Nghệ An. Còn nhớ năm 2005, giống lúa Q.Ưu I đã gây mất mùa ở các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, lúa chết trắng đồng. Hàng năm, Sở NN&PTNT đều tổ chức kiểm tra các loại giống lưu thông trên thị trường, nhưng không hiểu vì sao hiện tượng mất mùa vì giống vẫn cứ xẩy ra. Dư luận đang đặt câu hỏi, để xảy ra mất mùa trên diện rộng ở giống lúa BC15 thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học với nhà nông nằm ở đâu? Sắp tới, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình liệu có đền bù thiệt hại xứng đáng cho bà con nông dân hay không, hay lại đổ lỗi cho một nguyên nhân lạ kỳ vì “trận mưa có a-xit” để trốn tránh trách nhiệm.


Trần Hồng Cơ