Lao động “khát” việc làm sau Tết…

04/03/2013 11:32

(Baonghean) - Sau kỳ nghỉ tết kéo dài, người lao động ở các vùng nông thôn lại nam tiến tìm việc làm hoặc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động, còn đối với những người có nguyện vọng muốn tìm việc làm việc ở trong tỉnh, cơ hội dành cho họ không nhiều…

Đã mấy ngày xuống Thành phố Vinh để tìm việc làm nhưng vẫn chưa có được công việc phù hợp, anh Nguyễn Văn Quyền ở Nam Trung (Nam Đàn) đã tìm đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để nộp hồ sơ tìm việc. Anh Quyền cho biết: “Tốt nghiệp Trung cấp ngành Điện, tôi đã đi làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong Sài Gòn 2 năm nhưng sau khi lập gia đình, có con, thu nhập chẳng đủ để trang trại chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ, nên muốn tìm một công việc phù hợp với tay nghề và đủ nuôi sống gia đình tại quê hương nhưng quả thực rất khó…”. Cũng giống như anh Quyền, anh Nguyễn Văn Hưng ở Diễn Châu, sau kỳ nghỉ Tết đã quyết định không “Nam tiến” mà ở lại tìm kiếm cơ hội việc làm trong tỉnh. Thế nhưng, mặc dù đã gõ cửa nhiều nơi nhưng vận may vẫn chưa mỉm cười với anh Hưng, bởi đến đâu cũng nhận được câu trả lời “không có bằng cấp nên không có nhu cầu tuyển…”.

Ông Lê Văn Thắng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) cho hay: Hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn tới tình trạng khan hiếm việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động cũng thay đổi theo hướng ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo để tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo nghề. Vì thế, cơ hội việc làm chỉ ưu ái cho những lao động đã qua đào tạo, có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Theo thống kê của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh), từ ngày 1/1 đến ngày 25/2/2013, số lượng người nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 1.427 người, riêng số lượng người đăng kí thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 141 người còn lại ở các địa bàn khác chuyển về. Hiện mới có 612 người có quyết định hưởng BHTN. Còn số lao động có nhu cầu tìm việc làm qua thống kê sơ bộ từ Phòng Thị trường (tính từ đầu tháng 1 đến ngày 27/2) là 903 người, trong đó có 158 lao động tự do, 745 lao động thất nghiệp. Cũng theo ông Thắng thì thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 10 và 20 hàng tháng, trung tâm đã kết hợp tổ chức cho người lao động đến thông báo tìm kiếm việc làm và học nghề. Từ đầu tháng 1 đến nay mặc dù có tới 34 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng nhưng cũng chỉ mới giới thiệu việc làm cho 99 lao động, trong đó có 56 lao động tự do, 43 lao động thất nghiệp. Phía Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên tỉnh trực thuộc Tỉnh đoàn cũng cho biết, hiện chỉ mới có 2 đơn vị là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 và Công ty TNHH Brother sản xuất và lắp ráp máy in (Hải Dương) thông báo cần tuyển lao động…



Lao động đến làm hộ chiếu đi xuất khẩu lao động tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Cũng bởi cơ hội tìm việc tại địa phương là rất khó, chế độ lương bổng thấp, nên ngoài việc xa quê để tìm kiếm việc làm thì xuất khẩu lao động cũng là xu hướng lựa chọn của nhiều người. Anh Đặng Trọng Kỳ - khối 3, Thị trấn Diễn Châu đang làm hồ sơ đi làm ở Nhật tại phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) cho biết: “Tốt nghiệp Đại học Điện lực không xin được việc làm nên tôi quyết định đi Nhật vừa học vừa làm để tìm kiếm cơ hội cho mình. Nếu may mắn có được ít vốn sau khi về nước không xin được việc nhà nước cũng có thể kinh doanh riêng, nếu cứ ở nhà thì không biết chừng nào mới xin được việc”. Còn chị Nguyễn Thị Hoa ở Nghi Lộc, tuy cô con gái mới hai tuổi nhưng vẫn quyết định đi xuất khẩu lao động ở Malaysia với hy vọng “cuộc sống sẽ khá hơn so với ở quê làm ruộng”… Đội trưởng Thúc Văn Đức- Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) cho biết: Từ ra Tết đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng người dân đến làm hộ chiếu, giấy thông hành. Trong vòng 8 ngày sau Tết, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận và giải quyết 9.013 hồ sơ, trong đó có 6.316 hộ chiếu, 2694 giấy thông hành. Trung bình một ngày phòng giải quyết hơn 1.000 hồ sơ, cao điểm như ngày đầu tiên tiếp nhận tới 1.600 hồ sơ, tăng khoảng 2.500 - 3.000 hồ sơ so với cùng thời điểm năm ngoái, chủ yếu đi Lào, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan…

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh thì tỉnh ta có nguồn lao động lớn thứ 4 trong cả nước với hơn 1,8 triệu người. Do khả năng đầu tư và thu hút đầu tư tạo việc làm tại chỗ mất cân đối với việc tăng lên của nguồn lao động (mỗi năm số lao động bổ sung vào nguồn xấp xỉ 3,5 vạn người) nên giải quyết việc làm cho lao động đang là một áp lực. Bình quân hàng năm tỉnh tạo việc làm cho khoảng 3,3 – 3,5 vạn người, trong đó xuất khẩu lao động đạt hơn 1 vạn; giải quyết việc làm tại chỗ 1,3 vạn người và hơn 1 vạn người đi làm việc tại các tỉnh; chưa kể một số không ít lao động của tỉnh ta đi làm việc theo tính thời vụ tại Lào và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, trong chương trình giải quyết việc làm thì 1/3 số lao động có việc làm thuộc kênh ngoại tỉnh và phần lớn trong số này là lao động trong độ tuổi thanh niên. Trong số lao động đi làm việc tại các tỉnh có 12% có nguyện vọng, còn lại 88% là do tại địa phương không tìm được việc làm nên phải đi xa. Điều này cho thấy hiện tượng sau Tết, làng quê vắng bóng thanh niên, các chi đoàn ở vùng nông thôn không có đoàn viên sinh hoạt, các chi bộ đảng không có nguồn để kết nạp đảng viên là điều dễ hiểu. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có những giải pháp lâu dài và đồng bộ, trong đó có việc thu hút, mời gọi đầu tư, mở mang ngành nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội nhiều hơn cho lao động ở vùng nông thôn, miền núi tìm được việc làm phù hợp và có điều kiện lập thân, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình.


Bài, ảnh: Khánh Ly