Những kết quả bước đầu
Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô diễn ra khá thuận lợi. Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh hiện đã thu được trên 60 tỷ đồng từ 21.332 phương tiện.
(Baonghean) - Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô diễn ra khá thuận lợi. Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh hiện đã thu được trên 60 tỷ đồng từ 21.332 phương tiện.
Theo quy định, xe ô tô làm thủ tục nộp phí bảo trì đường bộ qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới khi kiểm tra định kỳ. Chính vì vậy, cũng như tất cả các trung tâm đăng kiểm trong cả nước, từ 2/1/2013 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An, ngoài việc kiểm tra các hạng mục kiểm định xe, còn thực hiện thêm nhiệm vụ thu phí bảo trì đường bộ.
Trong thời gian đầu thực hiện thu phí, lượng xe đến đăng kiểm tăng đột biến, nhưng hiện tại đã ổn định với khoảng 40- 50 xe/ngày. Tính đến sáng 7/6, trung tâm đã thu được hơn 60 tỷ đồng từ 21.332 phương tiện. Mức thu phí thấp nhất đối với xe ôtô là 130.000 đồng/tháng và cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng. Theo ghi nhận, hầu hết chủ phương tiện đã xác định được trách nhiệm và chấp hành tốt quy định về việc nộp phí. Anh Nguyễn Đức Hưng có xe 5 chỗ mang nhãn hiệu Honda Civic vừa hoàn thành thủ tục nộp phí bảo trì đường bộ, cho biết: “Việc thu phí bảo trì đường bộ là một chủ trương đúng, vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ.
Xe chờ kiểm định và nộp phí bảo trì đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An
Ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cho biết: Trung tâm hiện quản lý về hồ sơ trên 41 nghìn phương tiện xe cơ giới. Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài số xe đến kỳ kiểm định đến nộp phí còn có đến 25% trường hợp chủ xe tự giác đến nộp phí sử dụng đường bộ mặc dù phương tiện chưa tới kỳ kiểm định.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, có không ít chủ xe vẫn chưa thật sự đồng tình với chủ trương này, bởi trên thực tế, những trạm thu phí đường bộ ngoài ngân sách nhà nước vẫn hoạt động. Anh Trần Quốc Đạt, lái xe tại một doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa đường dài phản ánh: “Với tên gọi là phí bảo trì đường bộ, nghĩa là việc thu phí để lấy tiền xây dựng, nâng cấp, tu sửa đường sá, nhưng phương tiện lại phải chịu cảnh nộp 2 lần phí, vì khi chạy xe qua trạm thu phí đường bộ vẫn phải mua vé”.
Về thắc mắc này, trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Đường - cán bộ Trung tâm Đăng kiểm cho biết: Các trạm thu phí trên quốc lộ của các doanh nghiệp xây dựng theo hình thức B.O.T (bỏ tiền xây dựng, kinh doanh, Nhà nước cho thu phí) vẫn hoạt động vì chưa hết thời hạn. Ngoài ra còn có các trạm do Nhà nước giao cho tư nhân đấu thầu và hiện đang vướng đến hợp đồng nên vẫn tiếp tục thu, bởi vậy phương tiện vẫn phải đóng phí. Ông Đường còn cho biết: Theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính, những xe có thời hạn đăng kiểm định kỳ tiếp theo sau ngày 31/12/2013 thì chậm nhất đến ngày 30/6/2013, chủ phương tiện phải đến nộp phí cho thời gian tính từ ngày 1/1 đến 31/12/2013 hoặc đến kỳ đăng kiểm tiếp theo. Sau 30/6 chủ ôtô chưa đóng phí bảo trì sẽ bị CSGT xử phạt theo Nghị định 71 với mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng.
Đối với xe mô tô, được biết Bộ Tài chính đã có Công văn 17467/BTC-CST ngày 17/12/2012, về việc triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ với xe mô tô, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mức thu, phương án thu phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Theo đó UBND xã, phường, thị trấn sẽ được giao tổ chức thu phí đối với xe máy của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như các địa phương trên cả nước chưa tiến hành thu.
Ở Nghệ An, ngày 17/4/2013, UBND tỉnh có Tờ trình số 2491/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về quy định đối tượng, mức thu và tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn.
Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định: Mức thu cụ thể đối với ô tô (1 tháng), xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân: 130.000 đồng; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân), xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng tải toàn bộ dưới 4.000 kg: 180.000 đồng; rơ moóc trọng tải 4.000 kg đến dưới 13.000 kg: 230.000 đồng; xe chở người 10 đến dưới 25 chỗ, xe tải, xe ô tô chuyên dùng trọng tải 4.000 kg đến dưới 8.500 kg, xe đầu kéo trọng tải dưới 8.500 kg: 270.000 đồng; rơ moóc trọng tải 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 350.000 đồng; xe chở người từ 25 đến dưới 40 chỗ, xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng tải 8.500 kg đến dưới 13.000 kg, xe đầu kéo trọng tải 8.500 kg trở lên: 390.000 đồng; rơ moóc trọng tải 19.000 kg đến dưới 27.000 kg, sơ mi rơ moóc trọng tải dưới 27.000 kg: 430.000 đồng; xe chở người 40 chỗ trở lên, xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 590.000 đồng; rơ moóc, sơ mi rơ moóc trọng tải 27.000 kg trở lên: 620.000 đồng; xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 19.000 kg đến dưới 27.000 kg: 720.000 đồng; xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 27.000 kg trở lên: 1.040.000 đồng.
Bài, ảnh: Đặng Nguyễn