Kỳ cuối: Giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, công minh trong quản lý khai thác...

19/07/2013 18:39

Giờ đây khi nói đến Cắm Muộn, Quế Phong ai cũng biết đấy là một vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản vàng nhưng đồng thời đầy rẫy những mối mâu thuẫn phức tạp. Để chấm dứt triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép, đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản Quốc gia không tiếp tục bị xâm hại, cần thực sự giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, công minh trong quản lý khai thác và quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của nhân dân...

>Kỳ 2: Buồn trên đất "vàng vui"

Sở dĩ nói như vậy là bởi sau các đợt truy quét, đẩy đuổi tình hình khai thác vàng trái phép tại núi Huôi Háng được tạm lắng, thì tại các khu vực khe Quyè, khe Máy, khe Háng vẫn có hàng chục tổ, nhóm đem máy móc, dụng cụ ngang nhiên đào đãi vàng. Ở khu vực Ná Quyè, có đến 5 tổ nhóm đem cả máy xúc vào khai thác. Trên đồng ruộng, vườn thuộc địa bàn 3 bản Cắm, bản Đỏn Phạt, bản Máy, có đến hàng chục tổ nhóm được trang bị các loại máy nổ, máy hút vẫn đêm ngày hoạt động.

Đứng trên khu vực người dân đang khai thác vàng cận kề bản Cắm Nọc, Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh đọc vanh vách tên từng tổ nhóm tại Ná Quyè, những nhóm người Thái Nguyên đang ẩn náu tại nhà dân ở bản Cắm Cáng. Theo ông Lô Văn Vinh, công an huyện, xã không quản nổi việc dân các nơi vẫn hàng ngày cư trú bất hợp pháp tại Cắm Muộn.

Lời của Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh hoàn toàn có cơ sở, bởi khi chúng tôi xâm nhập hố vàng của Lữ Văn Ty (một người dân bản Cắm Nọc), Ty đã không hề dấu diếm khi cho biết cùng làm với hai vợ chồng anh có khoảng 11 người đến từ xã Mường Nọc, Châu Thôn (Quế Phong). Họ góp máy móc, thiết bị, còn anh cho họ khai thác tại nương dâu do gia đình khai hoang... Đồng thời, theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, vẫn còn cả trăm đối tượng “tăm” vàng Thái Nguyên đang ẩn náu, lẩn khuất trong rừng; hàng chục tổ, nhóm đào đãi vàng thổ phỉ vẫn hằng ngày ngược lên khe Háng âm thầm nghe ngóng, quan sát tình hình. Các máy móc, công cụ khai thác vàng của các tổ, nhóm này phần lớn được chôn dấu ngay trên bãi vàng hoặc ở các vùng rừng núi cận kề, chỉ cần lực lượng công an rút đi thì tất cả sẽ tái diễn như cũ.

Qua trao đổi, lãnh đạo huyện Quế Phong cũng thừa nhận là đã biết chuyện đang có những tổ nhóm tiếp tục khai thác trái phép và cho biết đang chỉ đạo lực lượng công an huyện trở vào ngăn chặn tình trạng này.

Khi được hỏi Quế Phong sẽ làm gì để triệt tiêu nạn khai thác vàng trái phép, ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện nói rằng, huyện đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài được đưa ra.



Vận động dân rời Huồi Háng trở về nhà

Các giải pháp trước mắt tập trung vào các nội dung như: Bố trí lực lượng chốt chặn trên đồi Huồi Háng, yêu cầu UBND xã Cắm Muộn cử lực lượng phối hợp với lực lượng bảo vệ tiến hành trồng cây phủ kín đồi. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ chi phí truy quét và thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo an ninh trật tự. Vận động nhân dân ký cam kết không không tham gia, không tiếp tay cho đối tượng khai thác vàng -trái phép. Nếu gia đình nào không ký cam kết hoặc ký cam kết nhưng không thực hiện thì chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố như sập hầm gây chết người…

Giải pháp lâu dài là: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho Công ty, Doanh nghiệp có năng lực sớm hoàn tất hồ sơ thủ tục cấp giấy phép khai thác thăm dò vàng sớm nhất để có chủ quyền quản lý khai thác bảo vệ ổn định lâu dài.

Với xã Cắm Muộn, khi được hỏi ở đây đã có những chương trình dự án kinh tế gì tạo công ăn việc làm có thu nhập cho bà con để họ không còn hướng theo nghề đào đãi vàng trái phép, Chủ tịch UBND xã Lữ Thanh Bình cho biết, đã có những chương trình, dự án trồng rừng và chăn nuôi của nhà nước đến với người dân xã Cắm Muộn. Và xã cũng dành sự ưu tiên cho những khu vực có đông người làm vàng như 3 bản Cắm Nọc, Cắm Cáng và Cắm Pỏm. Từ Dự án 30a, đợt 1, năm 2011, bản Cắm Nọc được hỗ trợ 174 con lợn Móng Cái và chuồng nuôi cho 174 hộ; đợt 2, bản Cắm Cáng được hỗ trợ 108 con và chuồng.

Tiếp đó năm 2012, bản Cắm Cáng tiếp tục được hỗ trợ 100 con lợn Móng Cái và chuồng nuôi. Năm 2013 cả xã được hỗ trợ 40 con bò thì đã chia cho 3 bản Cắm mỗi bản 10 con. Về chương trình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xóa đói giảm nghèo thông qua các tổ chức đoàn thể, xã hội cơ sở, tổng dư nợ toàn xã là trên 16 tỷ 700 triệu đồng, trong đó 3 bản Cắm là gần 4 tỷ 756 triệu đồng.

Tuy nhiên, do những hạn chế về nhận thức, các điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, đất đai nên một số chương trình, dự án ở những nơi này chưa phát huy được mấy hiệu quả... Khi nghe chúng tôi nói tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp diễn trên địa bàn, ông Lữ Thanh Bình không giấu nổi sự lo lắng bởi ông biết để xẩy ra tình trạng này có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương.



Cờ bạc – một trong những tệ nạn tại bãi vàng

Ông Bình nói, đã rất nhiều lần, vì việc khai thác vàng mà người dân ra mặt chống đối chính quyền. Điển hình như thời điểm năm 2011, dân đào vàng trái phép ở 3 bản Cắm đuổi đánh gây trọng thương cán bộ cơ sở xã Cắm Muộn, rải đá nhằm cản đường, đặt bẫy đinh làm thủng lốp xe ô tô của Bí thư huyện ủy Quế Phong khi vào kiểm tra bãi vàng...

Để ngăn ngừa tình trạng khai thác vàng trái phép, Chủ tịch UBND xã Lữ Thanh Bình cho biết, Đảng ủy xã đã thành lập riêng một Ban tuyên truyền về vấn đề khai thác vàng, UBND xã cũng ban hành nhiều Chỉ thị liên quan và tổ chức các đợt kiểm tra ngăn chặn. Đồng thời, vì có một số ý kiến nói rằng tham gia khai thác vàng trái phép có cả con em, người nhà cán bộ, đảng viên trên địa bàn nên xã đang giao cho cán bộ điều tra xác định có sự việc này hay không...

Chúng tôi cũng đã trao đổi về vấn đề quản lý hành chính và dân cư với Công an huyện Quế Phong. Theo Đại tá Hồ Hữu Ngọc – Trưởng Công an huyện thì không nên đổ lỗi hoàn toàn cho xã Cắm Muộn. Bởi lẽ, xã Cắm Muộn với địa hình dốc, nhiều rừng núi lại giáp ranh với các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp nên việc kiểm tra, giám sát tạm trú, tạm vắng là rất khó khăn. Chỉ cần một biến động nhỏ là các đối tượng khai thác vàng trái phép ngoại huyện, ngoại tỉnh “lẩn” nhanh vào rừng. Và giả sử có bắt được đối tượng thì trong thẩm quyền, cơ quan chức năng cũng không làm được gì khác ngoài việc trục xuất họ khỏi địa bàn.

Qua trao đổi, các cấp chính quyền địa phương ở Quế Phong đã tâm tư nhiều điều để qua đó thể hiện trách nhiệm, nhưng với chúng tôi, sau những ngày thực tế ở Cắm Muộn thì có những mối băn khoăn. Rõ ràng ở đây, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với nạn khai thác vàng trái phép còn rất lỏng lẻo, thiếu nghiêm minh và trách nhiệm này thuộc về huyện Quế Phong và xã Cắm Muộn. Đó là lý do vì sao xẩy ra tình trạng đuổi chỗ này lại phình sang ngay chỗ khác, mới tồn tại việc không dưới 30 tổ nhóm với hàng trăm đối tượng từ bên ngoài vẫn ngang nhiên tham gia khai thác vàng trái phép từ bản Đỏn Phạt đến Ná Quyè. Tìm hiểu ở 3 bản Cắm thì được biết nơi đây có 3 chi bộ với trên 50 đảng viên, có Ban quản lý bản làng và các tổ chức đoàn thể, xã hội. Nhiều người trong họ đã bày tỏ sự lo lắng với những bất ổn của bản làng.



Thiêu hủy các lán trại trái phép

Chẳng phải tự nhiên những người đảng viên già như ông Lô Văn Hát - đại biểu HĐND xã lại phải bức xúc: Tại làm sao lại chỗ đẩy đuổi chỗ không như vậy. Người dân nhìn vào sẽ cho rằng có sự phân bì. Đây cũng là một nguyên nhân kéo dài sự lộn xộn... Cũng qua đây có thể thấy rằng, ngoài việc thiếu nghiêm minh trong kiểm tra xử lý thì công tác vận động, tuyên truyền phổ biến pháp luật lâu nay chưa bám sát yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Vẫn tồn tại tư tưởng ngại va chạm do liên quan tới anh em làng bản, họ mạc. Trong khi đó, đây thực sự là nội dung có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nếu biết vận dụng một cách sát thực và linh hoạt giữa chính sách của Nhà nước với giá trị truyền thống căn bản của đồng bào dân tộc Thái ở Cắm Muộn.

Cắm Muộn còn đến gần 60% là hộ nghèo. Người dân ruộng ít, ngoài nghề chăn nuôi thì không còn làm gì khác nếu không khai thác vàng. Trong khi đó, nơi đây có khoảng 11.000 ha rừng, với nhiều vùng đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay, các chương trình trồng rừng về đến Cắm Muộn rất ít ỏi mặc dù dân có nhu cầu. Như vậy việc tạo điều kiện đưa các chương trình dự án, đặc biệt là các dự án trồng rừng tạo công ăn việc làm bền vững cho nhân dân là việc huyện Quế Phong và xã Cắm Muộn cần tính đến.



Một nhóm khai thác vàng thủ công, trái phép



Một mẩu vàng sa khoáng không dễ phát hiện



Huôi Háng sau một đợt đẩy đuổi

Có một biện pháp để triệt tiêu nạn khai thác vàng trái phép đang được cấp thẩm quyền tính đến là cấp phép cho doanh nghiệp về quản lý khai thác. Đây là sự cần thiết, nhưng cần có giải pháp để dung hòa quan hệ giữa người dân địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, nên tính tới việc khuyến cáo doanh nghiệp sử dụng lao động có sức khỏe ở địa phương để từ đó tạo ra mối quan hệ hài hòa...



Một góc khe Quyè.

Sẽ còn rất nhiều việc mà chính quyền các cấp cần làm để triệt tiêu tình trạng khai thác vàng trái phép, nhưng tựu trung lại, cần giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, công minh trong quản lý khai thác và quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của nhân dân. Có được như vậy, Cắm Muộn mới trở lại là vùng đất “vàng vui”, người dân mới được sống một cuộc sống yên bình bên những dòng sông bốn mùa mềm mại chảy quanh những cánh rừng của đại ngàn Pù Huống.


Nhật Lân – Đào Tuấn