Có đúng quy trình và chấm dứt được ô nhiễm?!

26/08/2013 15:03

(Baonghean) - Theo các chuyên gia, thuốc trừ sâu gây nên hệ quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như nhiễm độc môi trường trong đất, nước, không khí, là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu. Thế nhưng, lâu nay người dân xã Tân Long - Tân Kỳ phải sống chung với kho thuốc trừ sâu “khổng lồ” đang tồn lưu do Nông trường Vực Rồng để lại.

(Baonghean) - Theo các chuyên gia, thuốc trừ sâu gây nên hệ quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như nhiễm độc môi trường trong đất, nước, không khí, là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu. Thế nhưng, lâu nay người dân xã Tân Long - Tân Kỳ phải sống chung với kho thuốc trừ sâu “khổng lồ” đang tồn lưu do Nông trường Vực Rồng để lại.

Trước thực trạng trên, đầu năm 2013, “Dự án xử lý ô nhiễm môi trường kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại Nông trường Vực Rồng” được triển khai với tổng kinh phí theo dự toán là 11 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 1 năm. Người dân mừng vui, sẽ thoát cảnh sống chung với thuốc độc. Nhưng quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công lại làm ô nhiễm thêm nặng. Kho thuốc bị đào xới, lật tung lên, nhưng số đất bị nhiễm độc vẫn chưa được xử lý triệt để, hệ thống mương bao, ngăn cách khu vực xử lý với vùng dân cư thực hiện sơ sài...

Về Tân Long - Tân Kỳ trời vừa đứng bóng. Ngay từ trung tâm xã đã nghe thoang thoảng mùi thuốc trừ sâu. Theo phản ánh của bà con, năm 1968, Nông trường Vực Rồng đã xây dựng kho thuốc trừ sâu (lớn nhất huyện Tân Kỳ) trên địa bàn xã Tân Long. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại dùng để phun phòng bệnh cho các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày được tập kết về kho thuốc trong nhiều năm liền...

Anh Hoàng Ngọc Phương ở xóm Tân Lập buồn bã nói: Cách đây 2 năm mẹ tôi đã chết vì căn bệnh ung thư do nhiễm xạ từ kho thuốc trừ sâu. Anh coi, trời mưa nước chảy lênh láng từ kho thuốc trừ sâu tràn vào xóm làng, thẩm thấu xuống giếng nước, sợ lắm. Sau những đợt mưa giếng nước nhà tôi đều nổi váng màu vàng, bốc mùi khó chịu. Hiện gia đình không dám sử dụng để ăn uống bằng nước giếng, chỉ dùng tắm giặt. Chúng tôi phải sang xóm khác xin nước về ăn, uống. Mỗi khi trời nắng, mùi thuốc sâu lại bốc lên nồng nặc, vây lấy xóm làng, khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Anh Phương còn than thở: Đứa con nhỏ mấy tháng nay hay đau bụng và khó thở, cứ phải thường xuyên đi bệnh viện chữa trị.

Bên cạnh đó, hộ bà Sáu ở cách kho thuốc sâu khoảng trên 100m. Bà Sáu tâm sự: “Do nhà quá gần kho thuốc trừ sâu, nên các cháu nhỏ phải di chuyển đến nơi khác để bảo đảm an toàn, chỉ còn 2 ông bà ở nhà thôi”. Do già yếu, vợ chồng bà Sáu không thể đi xóm khác gánh nước, vẫn dùng nguồn nước thẩm thấu từ kho thuốc sâu độc hại để sinh hoạt, nấu ăn. Nhưng bà Sáu vẫn rất “yên tâm”: Các anh thi công dự án ở đây nói, cứ yên tâm dùng nước giếng chứ không nhiễm độc, không việc gì cả …”. Nghe câu chuyện, ấm trà mời khách của bà Sáu còn nguyên, chẳng ai dám uống. Kho thuốc sâu tồn lưu giữa trung tâm xã, xung quanh là hàng trăm giếng nước của bà con và hàng chục ao hồ lớn nhỏ. Ngoài khu dân cư, là hệ thống trường học từ THCS đến tiểu học và mầm non đều bị ô nhiễm không khí và nguồn nước. Theo phản ánh của nhiều bà con, từ khi đơn vị thi công, đào xới kho thuốc để xử lý ô nhiễm, mùi thuốc sâu bốc lên còn nồng nặc và khó chịu hơn trước. Ông Trịnh Gia Hiếu - Trưởng xóm Tân Lập cho biết: Xóm Tân Lập có 84 hộ dân với 84 giếng nước, đã có hơn 10 người chết vì căn bệnh ung thư. Đơn vị thi công cần khẩn trương hoàn thành dự án, mùa mưa bão đến, nước tràn từ kho thuốc trừ sâu ra sẽ rất nguy hiểm đối với vùng dân cư ở đây.



Mương thoát tại kho xử lý còn sơ sài.

Ông Trần Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long nói: Dự án xử lý kho thuốc sâu có 2 gói thầu. Gói thứ nhất, xử lý đóng đất nhiễm độc vào bao. Gói thứ 2 đang xử lý, nhưng xung quanh khu vực thi công, không xây hào hoặc tường ngăn cách, trời mưa to nước dễ thẩm thấu chất độc hại ra ngoài. Đó là chưa kể mỗi khi nắng to, hoặc sau khi mưa lớn, mùi thuốc sâu bốc nồng nặc hơn.

Quy trình xử lý ô nhiễm kho thuốc trừ sâu, theo đề án của đơn vị thi công sẽ thực hiện như sau: Đối với đất nhiễm nặng thuốc BVTV, được xúc lên sân, phơi để khô tự nhiên đến độ ẩm nhỏ hơn 20%, sau đó nghiền nhỏ đến cỡ hạt 2 mm trộn với 10% cát đen và đổ xuống hố xử lý thành từng lớp theo thiết kế và pha dung dịch hóa chất, lu lèn trồng cỏ và đóng bãi. Đối với đất nhiễm nhẹ thuốc BVTV, cũng đưa lên sân phơi, xay nhỏ, trộn đất nhiễm với dung dịch hóa chất, trộn với phân vi sinh theo tỷ lệ rồi chôn xuống đất.

Tận mắt chứng kiến khu vực kho thuốc sâu đang được đơn vị thi công xử lý: Chủ yếu dùng máy múc, đào bới lên thành từng đống loam nhoam, một công nhân dùng vòi phun hóa chất vào đống đất vừa được bới lên. Bước vào phía trong khu vực xử lý, mùi thuốc sâu bốc lên hắc nồng nặc đến ngột ngạt, khiến ai nấy xây xẩm mặt mày. Công nhân đang làm việc chẳng ai bịt khẩu trang, cứ lội xuống bãi đất như đi làm ruộng. Dự án thi công từ đầu năm 2013, nhưng đến thời điểm này mới đang đào mương xung quanh để giữ nước. Quan sát, thấy bờ mương này chỉ đào rất sơ sài thành những rãnh ngăn cách. Đúng tiêu chuẩn, phải xây mương bằng bê tông để giữ nước không tràn ra ngoài.

Nhiều bà con tỏ ra lo lắng kiểu xử lý trên, có người cho rằng đất nhiễm độc cần phải di chuyển đi nơi khác để xử lý?! Đất nhiễm thuốc BVTV được chôn và lu lèn (nếu làm theo đúng quy trình của đề án xây dựng) dưới lòng đất, mưa xuống vẫn cứ thẩm thấu ra các giếng và ao làng gây ảnh hưởng sức khỏe và nảy sinh nhiều chứng bệnh nan y ?!

Trao đổi với ông Chu Thế Huyền - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường về những vấn đề người dân phản ánh trên. Ông Huyền nói: “Chúng tôi đã họp bàn rồi, có gì gặp anh Dũng - Giám đốc, Chi cục trưởng Chi cục môi trường”. Ông Hồ Sĩ Dũng - Giám đốc, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường giải thích: “Đơn vị thi công đã lấy tôn chắn tường bao, lót bạt, có hệ thống phun sương giảm mùi, chủ đầu tư còn hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát, ngoài ra có cả giám sát cộng đồng là xã, tốt nhất anh lên đó mà tìm hiểu...”.

Hỏi về giám sát cộng đồng xã, ông Trần Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long tỏ ra ngạc nhiên: Chúng tôi có biết gì đâu, họ đóng cửa có cho ai vào đâu, chỉ thấy khi thi công thì mùi thuốc sâu bốc lên nặng hơn.

Ông Nguyễn Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ có đề nghị: Đơn vị thi công cần phải xử lý đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm hơn cho nhân dân, cần thi công trước mùa mưa bão.

Theo các nhà chuyên môn, để xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ và đúng cách. Cần phân tích thành hai phần hóa chất nguyên phẩm, đất nhiễm nặng và phần đất nhiễm nhẹ hơn. Tiến hành xử lý triệt để phần nguyên phẩm và đất nhiễm đậm đặc bằng phương pháp đốt trong các lò nung xi măng. Phần đất nhiễm nhẹ hơn cần được xử lý bằng công nghệ sinh học kết hợp với vi sinh, đồng thời cô lập triệt để, lâu dài trong các bể bê tông nhằm ngăn ngừa sự phát tán ô nhiễm ra ngoài môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có sự đánh giá tổng quan mức độ ô nhiễm (ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất) trong toàn khu vực bị ảnh hưởng của xã Tân Long, một cách khách quan và chính xác nhất. Đặc biệt, cần khẩn trương phân tích các mẫu nước giếng khoan, giếng đào ở tất cả khu vực ảnh hưởng để cảnh báo. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng ở xã Tân Long, nhiều hộ phải đi xin nước nơi khác về sử dụng, nhưng đa phần đang sử dụng nguồn nước giếng tại chỗ, rất nguy hại đến sức khỏe. Trong quá trình thi công khắc phục ô nhiễm như hiện nay, nếu người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, mà không có bất kỳ một thông báo, hay sự cảnh báo nào, cần xem xét lại trách nhiệm của ngành chức năng, của chủ đầu tư dự án...


Văn Trường