Tri Lễ không còn đói chữ

26/03/2013 19:20

Đỉnh Pù Hốc nuốt nhanh ông mặt trời. Miền rẻo cao đêm xuống sớm. Một ngày ở vùng biên ải trôi qua rất nhanh, chúng tôi vội vã trở xuống cho kịp về thị trấn Kim Sơn (quế phong). Dù vội vàng, chúng tôi cũng kịp nhận ra rằng sự học ở vùng cao tuy còn lắm gian nan nhưng người Mông, Khơ Mú... ở đây không còn đói chữ.

(Baonghean) - Đỉnh Pù Hốc nuốt nhanh ông mặt trời. Miền rẻo cao đêm xuống sớm. Một ngày ở vùng biên ải trôi qua rất nhanh, chúng tôi vội vã trở xuống cho kịp về thị trấn Kim Sơn (quế phong). Dù vội vàng, chúng tôi cũng kịp nhận ra rằng sự học ở vùng cao tuy còn lắm gian nan nhưng người Mông, Khơ Mú... ở đây không còn đói chữ.

Từ bản Yên Sơn - trung tâm xã Tri Lễ, vượt qua núi dốc đá lởm chởm, men theo con đường mòn ven suối là tới bản Huồi Mới, một trong những vùng được mệnh danh là "năm không" của huyện Quế Phong - Nghĩa là không chợ, không đường giao thông, không điện thắp sáng, không y tế, không thông tin liên lạc. Đúng vậy, khi cực nhọc vượt qua những đèo dốc cao ngất tưởng chạm tay tới trời, leo lên đầu ngọn Nậm Quàng đến xã Tri Lễ - cực Tây của huyện Quế Phong, toàn thân lấm lem bùn đất… mới hiểu được hết nghĩa thế nào là nơi được mệnh danh là đặc biệt khó khăn. Trước những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nơi đây còn là lãnh địa của loài hoa độc dược anh túc.

Thầy Lê Viết Minh, hiệu trưởng trường Tiểu học Tri Lễ 4 chỉ tay về phía dãy nhà năm gian đơn sơ thưng, lợp bằng gỗ sa mu nằm chênh vênh bên sườn dốc, nói như khoe: Ở Huồi Mới, một bản người Mông nằm cheo leo trên đỉnh Pu Hốc heo hút này đã có người học lên tới đại học, cao đẳng... Bản có 49 hộ, 376 khẩu, 80 học sinh ở 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5.



Học sinh người Mông xã Tri Lễ trên đường đến trường.

Thầy Minh cho biết thêm, bản Huồi Mới có hai dòng họ chung sống với nhau là họ Lỳ và họ Thủ, họ Thủ có con em đi học nhiều nhất. Để đảm bảo sĩ số học sinh, các thầy đã phải đến từng gia đình vận động các em đến lớp. Nhiều em đi học được một thời gian lại bỏ học lên nương, các thầy cô lại phải đến từng gia đình vận động. Gian khổ là thế, nhưng nhờ kiên trì động viên của các thầy, các cha mẹ nên nhiều em xong tiểu học muốn học lên nữa thì cha mẹ lại xuống trung tâm xã Tri Lễ dựng lều. Hàng tuần các cháu lại phải về Huồi Mới cõng gạo xuống nuôi chữ. Xong cấp hai lên cấp ba thì quãng đường lại dài thêm cả ngày đường xuống thị trấn Kim Sơn. Xa xôi cách trở nhưng con em Huồi Mới không nản. Trưởng bản Huồi Mới 1, Thò Chia Chư một lần nữa tự hào khoe: Từ ngôi trường nhỏ này đã có bao thế hệ học trò trưởng thành, đã có hai người hiện làm cán bộ Đài phát thanh- truyền hình huyện, hay Lỳ Y Xìa, Lỳ Bá Hân, Lỳ Bá Chùa, Thò Y Xồng có trình độ đại học, cao đẳng.

Thầy Lỳ Chư Sò, cựu học sinh của bản Huồi Mới 1 nay đã trở về công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4, kể: “Gia đình mình chỉ làm nương rẫy, quanh năm nghèo khó nhưng cố gắng theo học con chữ. Đến năm 1990, tôi được cử tuyển đi học sư phạm, nay trở về dạy học cho con em người Mông mình ở Trường tiểu học Tri Lễ 4. Là người bản địa nên có phần thuận lợi trong công tác tuyên truyền vận động, nói cho dân nghe dân hiểu. Nhiều gia đình được vận động đã cho con em đi học để thoát mù chữ”.

Gặp ông Thò Chỏm Pó, Chủ tịch hội khuyến học xã Tri Lễ tại bản Huồi Mới 1, trong lúc trường tiểu học Tri Lễ 4 đang trong buổi lễ chào cờ sáng thứ 2 đầu tuần, ông Pó chia sẻ: “Tri Lễ là một trong những xã biên giới nghèo, nhiều tệ nạn nhất thuộc huyện Quế Phong. Ăn còn chưa no cái bụng, người dân trong xã, bản rất ít quan tâm đến việc học của con em mình. Đường sá đi lại khó khăn, trường ở rải rác, các em học sinh đi học phải vượt qua khe, suối vất vả lắm. Cán bộ hội khuyến học phải tận tâm vận động, thuyết phục các em đến trường để có được cái chữ”. Hiện nay, toàn xã Tri Lễ có 8 trường mầm non, 18 lớp và 395 em học sinh; 3 trường tiểu học, 76 lớp với tổng số 1268 học sinh; 1 trường THCS, 20 lớp có tổng số 544 học sinh; học sinh THPT có 264 em. Để đẩy mạnh phong trào, các trường phối hợp các ban ngành, đoàn thể, các hộ gia đình tích cực xây dựng “trường học thân thiện học sinh tích cực” thực hiện phong trào “tiếng trống học bài” đảm bảo chất lượng học tập. Hội khuyến học củng cố tổ chức hội từ xã xuống các thôn bản, các trường học, đưa phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”, công đồng dân cư khuyến học” góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Dù khó khăn nhưng xã đã tổ chức xây dựng được quỹ để hàng năm tặng mỗi em học sinh nghèo vượt khó 200.000 đồng. Từ đây, hoạt động khuyến học xã Tri lễ đã có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong năm 2012, xã Tri Lễ đã xây dựng gia đình hiếu học, trong đó nổi bật như gia đình ông Vy Văn Phân, ông Vy Văn Du ở bản Yên Sơn và ông Hà Thanh Tường ở bản Cắm.


Bài, ảnh: Phạm Ngân