Nga phát hiện hóa thạch tê giác hàng ngàn năm tuổi
Các nhà khoa học Nga vừa khai quật được hóa thạch tê giác mang tên Merck cổ đại sống cách đây một vài triệu năm tại vùng núi Ural.
Đây được coi là một phát hiện bất ngờ, làm lu mờ vụ khai quật năm 2012, khi các nhà khoa học tìm thấy chiếc răng nhím cổ đại cũng tại khu vực này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: donsmaps.com)
Trưởng phòng nghiên cứu cổ sinh học thuộc Viện Động Thực vật Ural, Pavel Kosintsev cho biết nếu việc phát hiện hóa thạch voi ma mút trong lớp băng vĩnh cửu trở nên phổ biến thì việc phát hiện hóa thạch tê giác Merck là một bất ngờ, đặc biệt ở Ural.
Thông thường, hóa thạch loài động vật này được tìm thấy ở miền Nam Tây Âu, nơi có khí hậu thích hợp hơn cho loài tê giác sinh sống. Tuy nhiên, trong những tháng ấm hơn, chúng di cư về phía Đông và tới miền Nam Siberia, bằng chứng là đôi khi cũng phát hiện được xương của chúng tại đây, nhưng hầu hết được tìm thấy ở bên bờ sông, ngoài nơi chôn cất ban đầu của nó, vì vậy rất khó thu được dữ liệu sinh học để nghiên cứu.
Theo ông Kosintsev, độ tuổi xấp xỉ của hóa thạch vừa được phát hiện là khoảng 120.000 năm, điều này cho thấy khí hậu của Ural thời kỳ đó ấm hơn ngày nay. Việc phát hiện ra hóa thạch tê giác Merck đã tạo cơ hội tái tạo môi trường thời kỳ băng hà cuối cùng, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu hệ sinh học của tê giác đầy đủ hơn và tìm hiểu lý do tại sao chúng bị tuyệt chủng.
Tê giác Merck sống trong môi trường rừng núi, thích những bụi cây và cỏ cao. Đây là động vật đơn độc cao 1,5m và dài hơn 3m. Có giả thuyết cho rằng biến đổi khí hậu và thảm thực vật khiến chúng bị tuyệt chủng. Người ta cho rằng những con tê giác cuối cùng đã sống trên lãnh thổ Italy hiện đại trong thời kỳ đồ đá cũ. Độ tuổi hóa thạch của loài tê giác Merck ở Italy là khoảng 200.000 năm. Tuy nhiên, phát hiện của các nhà khoa học Nga chứng minh rằng loài động vật này đã sống sót muộn hơn, khoảng 120.000 năm trước./.
Theo (TTXVN) - V.T