Đề phòng tai nạn thương tích trẻ em trong dịp hè

07/06/2013 18:06

(Baonghean.vn) - Mùa hè đồng nghĩa với việc học sinh được nghỉ học, vui chơi thỏa thích, nhưng đi kèm với đó cũng là nỗi lo của các bậc cha mẹ đối với sự an toàn của con trẻ. Bởi thực tế cho thấy nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ em trong dịp hè thường rất cao…

Bệnh viện Nhi Nghệ An những ngày đầu hè tiếp nhận tương đối nhiều ca tai nạn thương tích trẻ em như đuối nước, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, chạy nhảy ngã gãy tay, gãy chân, cắt đâm, ngộ độc, súc vật cắn… Hầu hết các ca tai nạn thương tích đều được chuyển vào khoa Chấn thương- Chỉnh hình nơi chỉ có 20 giường bệnh nhưng vào thời điểm chúng tôi đến có tới 45 bệnh nhân, đó là chưa kể các bệnh nhân vào băng bó và cho về nhà điều trị.

Mới nghỉ hè 2 ngày em Võ Tuấn Anh, 6 tuổi ở Thanh Liên, Thanh Chương đã phải nhập viện vì gãy tay, dập xương phải đóng đinh, nẹp vít. Ông nội của Tuấn Anh cho hay: Vì mải chơi đùa, chạy nhảy với cậu em trai lên 4 nên Tuấn Anh bị ngã phải đưa vào bệnh viện Nhi để điều trị. Tương tự như Tuấn Anh, bé Quang Huy, 5 tuổi ở Nghĩa Đàn cũng đang phải điều trị lâu dài trong tình trạng gãy xương đùi.

Bác sỹ Thái Văn Bình – Trưởng khoa Chấn thương- Chỉnh hình (Bệnh viện nhi Nghệ An) cho hay: Nhìn vào thực tế số tai nạn thương tích trẻ em thường gia tăng vào dịp nghỉ hè, có thể nhận thấy rằng, một phần rất lớn những ca TNTT đau lòng của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn và kém hiểu biết của người lớn. Trong số bệnh nhân vào điều trị ở khoa có 1/3 ca gãy xương do ngã khi chơi đùa, đi xe đạp, chơi trò chơi, trượt patanh… 1/3 ca chấn thương sọ não trong đó có những ca bị tai nạn giao thông do bố mẹ chở con bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm và 1/3 bệnh nhân bị bỏng ở các cấp độ do sơ suất của người lớn.

Mới đây nhất là trường hợp của 1 bé gái 9 tháng tuổi ở Nghi Xuân (HàTĩnh) bị bỏng nặng do nước om chè xanh đổ vào. Hiện tại phòng điều trị bỏng đang quá tải vì chỉ có 5 giường nên phải ghép 3-4 cháu một giường. Hầu như ngày nào khoa chấn thương cũng tiếp nhận từ 1-2 ca điều trị bỏng. Đáng trách là một số bậc phụ huynh thiếu kiến thức trong việc sơ cấp cứu ban đầu cho con đã bôi kem đánh răng, bôi mỡ trăn thậm chí cả nước mắm nên rất dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương…

Bởi thiếu sự quản lý của nhà trường, các bậc phụ huynh mải đi làm, không thể sát sao bên con cả ngày, trẻ con lại thường hiếu động, không làm chủ được hết hành vi của mình nên các nguy cơ tai nạn thương tích thường đến với trẻ trong dịp hè là rất cao. Nhiều trẻ bị cướp đi sinh mạng hoặc mang thương tật suốt đời chỉ vì những nguyên nhân không đáng có. Theo thống kê của phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em ( Sở LĐ-TB XH), trong năm 2012 toàn tỉnh có tới 958 em bị tai nạn thương tích và 65 em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó do đuối nước là 38 em.





Các phụ huynh cần dành thời gian quan tâm đến con em trong dịp hè để phòng ngừa tai nạn thương tích.

Đối với trẻ em nông thôn, do thiếu sân chơi và thiếu sự quản lí của gia đình vì dịp hè thường trùng với thu hoạch mùa màng nên dẫn tới nguy cơ tai nạn cao, trong đó có đuối nước do tắm sông, tắm ao hồ, kênh rạch. Từ đầu hè đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trẻ em tử vong do đuối nước, mới đây nhất là trường hợp em Trần Trọng Nhân 12 tuổi ở Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) nhập viện ngày 5/6, hiện vẫn đang phải thở oxi tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Người nhà của em cho biết, không chỉ có Nhân mà cả cô em gái cũng bị đuối nước vì tắm ao nhưng nhẹ hơn nên được chuyển vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu…

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa TNTT trẻ em cho các bạc phụ huynh, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các ngành chức năng đã triển khai xây dựng nhiều mô hình như “ xã, phường phù hợp với trẻ em”, “ gia đình an toàn”, “cộng đồng an toàn cho trẻ”; Tổ chức tập huấn chương trình phòng, chống TNTT trẻ em cho cộng tác viên khối, xóm và cán bộ BVCS trẻ em các cấp.

Tuy nhiên, do điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh còn khó khăn, địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện và môi trường sống chưa đảm bảo an toàn nên dễ xẩy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em. Vì vậy, quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải chủ động tiếp cận các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng nhất là các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ xảy ra tai nạn thương tích, dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng tránh tai nạn thương tích.. và dành thời gian quan tâm quản lí, chăm sóc con cái trong những ngày hè để bảo đảm an toàn cho trẻ. Các xã, phường, thị trấn nên quan tâm đầu tư điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, tạo dựng môi trường an toàn lành mạnh để các em có những ngày hè vui tươi, bổ ích.


Khánh Ly