Gian nan Dự án Bảo tồn, tôn tạo Văn miếu Nghệ An

27/08/2013 20:44

(Baonghean) - Theo các nhà khoa học và nghiên cứu, Văn miếu Nghệ An còn được gọi là Văn thánh Vinh, xây dựng từ năm 1803 tại Yên Dũng, tổng Yên Trường, nay là phường Hồng Sơn, TP.Vinh, trên diện tích 22.000m2; là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và nơi để tôn vinh các khoa bảng Nghệ An.

(Baonghean) - Theo các nhà khoa học và nghiên cứu, Văn miếu Nghệ An còn được gọi là Văn thánh Vinh, xây dựng từ năm 1803 tại Yên Dũng, tổng Yên Trường, nay là phường Hồng Sơn, TP.Vinh, trên diện tích 22.000m2; là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và nơi để tôn vinh các khoa bảng Nghệ An.

"Từ khi xây dựng đến nửa đầu thế kỷ XX, Văn miếu Nghệ An gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của quê hương. Đây là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi gặp gỡ của các nho sỹ, tao nhân, mặc khách trong hội tư văn, nơi giảng sách, bình văn, tổ chức sát hạch thí sinh hàng tỉnh, diễn ra lễ cầu khoa, cầu tài, cầu lộc. Văn miếu cũng là nơi ra đời và là trụ sở của tổ chức "Hoan Châu học chính", một chi nhánh của Đông Kinh nghĩa thục ở Nghệ An những năm đầu của thế kỷ XX".

Trước đây, Văn miếu gồm thượng điện, hạ điện, hai bên có nhà tả vu, hữu vu, xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, khuê văn các, vườn cây cảnh và rừng cây bao quanh. Khoảng trước năm 1945, tượng đồng thờ trong Văn miếu bị lấy cắp, nhà cũng bị dỡ bỏ. Rất may quả chuông đồng, bức đại tự “Văn tại tư” và bức hoành khắc 4 chữ “Vạn thánh linh từ” đặt trên cửa chính Văn miếu và một số đồ tế được người dân lưu giữ tại đền Hồng Sơn gần đó. Không gian của Văn miếu sau đó cũng bị phá bởi qui hoạch đô thị. 22.000m2 của Văn miếu xưa nay chỉ còn 7.000m2, thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần in từ năm 1960.



Dấu tích Văn miếu Vinh là dãy nhà cấp 4 hoang phế làm kho chứa hàng.

Nay dấu tích Văn miếu Vinh chỉ còn dãy nhà cấp bốn hoang phế được làm kho chứa hàng. Bên ngoài còn sót lại những viên ngói mũi hài và những tảng đá o­ng lẫn trong cỏ dại. Trước tình trạng di tích bị mất dần, năm 1999, Sở Văn hóa - Thông tin nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề nghị UBND tỉnh cho phục dựng lại Văn miếu Vinh và lập kế hoạch bảo vệ. Nhưng hồ sơ lập ra kinh phí quá lớn nên không thực hiện được. Năm 2004, UBND tỉnh tiếp tục giao cho các cơ quan chức năng: Sở Văn hóa - Thông tin cùng Sở Xây dựng tham mưu việc phục dựng Văn miếu. Dự án lập ra trên diện tích 3,5 ha nhưng không thể thực hiện được do phải di dời cả Bệnh viện đa khoa TP.Vinh và hơn 10 hộ dân.

Năm 2007, Sở VHTT&DL tổ chức hội thảo khoa học để tìm địa điểm và phương án tôn tạo, phục hồi Văn miếu. Ngày 10/5/2012, UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phục hồi tôn tạo di tích Văn miếu Vinh trên diện tích 9.000m2, giao cho Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do kinh phí di dời Công ty cổ phần in và các hộ dân là quá lớn nên việc triển khai dự án chỉ là trên giấy tờ.

Ngày 11/1/2013 UBND tỉnh ra Quyết định số 152/QĐ.UBND-ĐTXD giao cho UBND TP Vinh làm chủ đầu tư thực hiện Dự án phục hồi, tôn tạo di tích Văn miếu Nghệ An. Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải quyết và kế hoạch triển khai dự án của UBND TP. Vinh, ngày 10/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 768-TB/TU. Nội dung thông báo ghi rõ: Đồng ý chủ trương phục hồi, tôn tạo di tích Văn miếu Nghệ An tại vị trí cũ trước đây (phường Hồng Sơn, TP Vinh); khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí vào khu tái định cư của thành phố cho 15 hộ dân ảnh hưởng.

Đối với Công ty cổ phần in: nghiên cứu bố trí vị trí mới vào cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông, Văn phòng giới thiệu sản phẩm của công ty vào khu đất của Nhà xuất bản Nghệ An; thống nhất những nội dung cơ bản của qui hoạch, nhưng cần lưu ý: công trình thiết kế đẹp, thể hiện không gian yên tĩnh, linh thiêng, kiến trúc tinh xảo; nhà tả vu và hữu vu thực hiện đúng chức năng là nhà truyền thống và tiếp khách; hồ Thiền Quang bố trí tối đa 200m2, thiết kế với hình dáng mềm mại; sân lễ hội bố trí rộng hơn; khuôn viên bố trí nhiều cây xanh; nhà ban quản lý và công trình vệ sinh chuyển ra dịch vụ phía trước; về kinh phí: trước mắt xem xét bố trí đủ nguồn để chi cho công tác chuẩn bị đầu tư (đền bù, hỗ trợ, tái định cư và GPMB thực hiện công trình, quy hoạch, lập dự án, thiết kế).

Ngày 14/6, UBND tỉnh cũng đã ra văn bản thông báo gửi UBND TP Vinh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định, làm cơ sở thực hiện bước tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Sỹ Diệu, Trưởng Ban quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng TP Vinh: Hiện nay, ban đã tham mưu cho UBND TP Vinh hoàn thành đúng theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Đến nay cơ bản chỉnh sửa hồ sơ quy hoạch, thiết kế để trình cấp thành phố và Sở Xây dựng. Đến hết năm 2013, nếu nguồn kinh phí cấp đủ theo dự toán 67 tỷ đồng, UBND TP Vinh sẽ hoàn thành việc phê duyệt qui hoạch, duyệt dự án, kiểm kê đền bù, phấn đấu để dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016 (tổng mức đầu tư toàn bộ thực hiện dự án khoảng hơn 160 tỷ đồng).

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, hy vọng lộ trình thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Văn miếu Nghệ An lần này không còn vấp phải những trở ngại để Nghệ An sớm có thêm một công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học cho nhiều thế hệ sau.


Phạm Ngân