Tác hại của việc ăn mặn đối với trẻ nhỏ

19/06/2013 14:50

Có nhiều bà mẹ khi chế biến thức ăn cho con thường nêm nếm theo khẩu vị của mình, nhưng như vậy là sai lầm, vì trẻ không cần nhiều muối đến vậy.

Đồ ăn mặn không tốt cho thận của bé

Do thận và các cơ quan tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện, nên nếu mẹ cho quá nhiều muối vào thức ăn của bé sẽ khiến thận của bé bị tổn thương.

Ngoài ra, việc cho con ăn mặn còn để lại hậu quả lâu dài, khi được cho ăn mặn ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên trẻ rất khó thay đổi khẩu vị, việc ăn mặn kéo dài sẽ kéo theo một loạt bệnh như liên quan đến huyết áp, thận, dạ dày.

Việc ăn nhiều muối cũng làm cho cơ thể kém hấp thu kẽm, gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn.



Lượng muối nào đủ cho con?

Khi chế biến thức ăn, mẹ nên cân nhắc việc cho lượng muối bao nhiêu là đủ, các loại rau, củ, quả trong tự nhiên đều đã có một hàm lượng muối nhất định, vì vậy thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm (6 tháng tuổi) mẹ không nên thêm muối hay gia vị khác. Sau thời gian này, lượng muối cho bé theo từng độ tuổi cụ thể như sau:

- Bé 1-3 tuổi: 1,5gram /ngày.
- Bé 4-8 tuổi: 1,9gram /ngày.
- Bé 9-13 tuổi: 2,2gram /ngày.
- Bé 14-18 tuổi: 2,3gram /ngày.

Lượng nước mắm dùng cho bé chỉ nên khoảng 1/3 thìa cafe rồi tăng dần. Nên nêm nhạt vì vị giác của bé còn rất nhạy. Nêm vừa miệng người lớn là quá mặn đối với bé.

Chế độ ăn ít muối sẽ làm giảm lượng natri nhưng ngược lại sẽ làm tăng lượng kali và magie. Những chất này đóng vai trò tích cực trong việc giảm huyết áp. Các mẹ có thể dùng muối có lượng natri thấp thay vì dùng muối thường để chế biến đồ ăn cho con.


Theo Dinh dưỡng/VTC News - NT