Bài 2: Người Thái ở bản Bãi Gạo

03/05/2013 18:26

(Baonghean) - Chúng tôi về bản Bãi Gạo (xã Châu Khê - Con Cuông) vào một buổi chiều ngập tràn ánh nắng. Những thân cọ, thân dừa cao vút tỏa bóng mát sum suê, những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới rặng cây cổ thụ gợi lên một không gian cổ kính của bản làng dân tộc Thái. Nằm ven bờ sông Lam và cách Quốc lộ 7A không xa, địa hình khá bằng phẳng, người Thái ở bản Bãi Gạo có điều kiện quy hoạch, chỉnh trang nhà cửa ngay hàng thẳng lối, các tuyến đường đã được bê tông hóa càng tôn thêm vẻ trù phú của một bản làng vùng cao. Đến thời điểm hiện nay, Bãi Gạo là một trong số rất ít bản dân tộc Thái ở Con Cuông còn lưu giữ được những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống.



Nét cổ kính và trù phú của bản Bãi Gạo.

Bản Bãi Gạo có 87 hộ (374 khẩu) đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Do có mặt bằng canh tác nên từ nhiều năm nay, mía nguyên liệu và mét đã trở thành những loại cây chủ lực. Có thể nói hai loại cây này đã đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống khá no đủ so với các bản làng vùng cao. Thậm chí, có không ít hộ đã sắm được máy cày, máy kéo để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có lợi thế về mặt địa hình cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng bà con người Thái vẫn luôn nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Minh chứng sinh động nhất, dễ nhận thấy nhất phải kể đến việc duy trì kiến trúc nhà ở. Cho đến nay, ở Bãi Gạo vẫn còn gần 80% số hộ sinh sống trong nhà sàn được xây dựng kiên cố, thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái. Mấy năm gần đây, không ít người đến các bản làng vùng cao để “săn” nhà sàn chở về xuôi, và nhiều người đã vì cái lợi trước mắt đã bán đi những ngôi nhà sàn bằng gỗ để làm nhà xi măng. Nhưng người dân Bãi Gạo luôn xem nhà sàn là “hồn” của bản làng người Thái nên hầu như không ai nỡ bán đi ngôi nhà của tổ tiên, cha ông truyền lại. Những hộ đang ở nhà đất chủ yếu là vợ chồng trẻ vừa mới ra ở riêng, chưa có điều kiện dựng nhà sàn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lô Xuân Minh (75 tuổi) cho biết: “Cách đây vài năm, thỉnh thoảng lại có những người về đây hỏi mua nhà sàn nhưng tôi dặn dò con cháu tuyệt đối không được bán, vì không còn nhà sàn thì đã mất đi hơn nửa cái chất của người Thái. Và thật may là cả bản này không có ai bán cả!”.

Rời nhà cụ Lô Xuân Minh, chúng tôi sang nhà chị Lô Thị Túy. Ngôi nhà sàn của gia đình chị Túy nằm ngay giữa bản, bước lên cầu thang gặp ngay chiếc khung củi và chủ nhân đang miệt mài với con thoi, đường chỉ, để kịp hoàn thành chiếc chân váy trước lúc trời tối. Chị Túy cho biết: “Mình biết dệt cửi từ khi chưa đầy 15 tuổi, đến nay đã hơn 45 tuổi rồi. Bây giờ con gái lớn đã đi lấy chồng, con gái út đang đi học đều biết dệt cửi cả”.

Nhìn cách đưa thoi và sự nhanh nhẹn, tỷ mẩn trong các động tác của chị Túy, chúng tôi biết được rằng chị là một tay dệt khéo léo, có nghề. Và không chỉ riêng gia đình chị Túy mà hầu hết các gia đình ở Bãi Gạo đều có khung cửi đặt trước hiên. Nghề chính của người dân Bãi Gạo là trồng mía, chị em phụ nữ ở đây chỉ ngồi vào khung cửi lúc mùa màng nhàn rỗi hoặc vào ban đêm. Sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu của gia đình, nếu chị em nào có sản phẩm dôi dư cũng chỉ đủ bán trong phạm vi của bản. Bởi lẽ, nghề dệt ở Bãi Gạo hiện nay mới chỉ giới hạn trong từng gia đình, chưa có điều kiện thành lập các tổ, đội hay hợp tác xã để có điều kiện mở rộng mô hình, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường. Nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn có “đất sống” ở Bãi Gạo là vì bà con người Thái ở đây vẫn còn duy trì trang phục truyền thống.

Các cụ già quanh năm mặc váy, chị em phụ nữ trung niên và thanh thiếu niên thường có 4-5 bộ váy áo để mặc vào dịp cưới hỏi, lễ tết. Bên cạnh đó, bà con vẫn duy trì những nét đẹp trong phong tục cưới hỏi. Chẳng hạn, người con gái trước khi lấy chồng, về nhà làm dâu phải sắm sửa cho mình một ít của hồi môn gồm váy áo, khăn, chăn, nệm để chứng tỏ sự đảm đang, khéo léo và khả năng thu vén của mình. Vì thế, dù trong thời đại công nghiệp hóa, ở Bãi Gạo vẫn còn rộn ràng tiếng thoi đưa bên khung cửi. Và chúng tôi nhận ra rằng, nghề dệt ở đây còn giữ được khá nhiều nét nguyên sơ, từ con thoi, sợi chỉ đến chiếc khung cửi được đóng một cách đơn giản, không quy mô, cầu kỳ như ở các làng nghề thổ cẩm khác.



Chị Lô Thị Túy, bản Bãi Gạo (Châu Khê - Con Cuông)
đã hơn 30 năm gắn bó với khung cửi.

Nếu ngôi nhà sàn là “hồn” của bản làng dân tộc Thái, thì những làn điệu dân ca (khắp, lăm, nhôn), dân vũ (xòe, lăm vông, khắc luống) và các loại nhạc cụ cổ truyền (cồng, chiêng, khèn bè, pí) là “điệu hồn” của người Thái. Vì lẽ đó, dù có điều kiện giao lưu văn hóa, người Thái ở Bãi Gạo vẫn quyết tâm giữ lấy “điệu hồn” của dân tộc mình. Chứng minh điều này, anh Lộc Xuân An (Bí thư chi bộ) dẫn chúng tôi ghé thăm một gia đình trong bản đang tổ chức đám cưới nhỏ. Tại đây, hai họ đang quây quần và vui vẻ bên mâm cơm. Khi bữa tiệc kết thúc, chị Lộc Thị Hoàng (trưởng bản) đại diện họ nhà gái cất lên điệu lăm. Bài lăm của chị Hoàng có nội dung kể về những đức tính tốt của cô dâu, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và công lao khó nhọc của mẹ cha đã nuôi cô lớn lên.

Giờ đây, cô sắp về nhà chồng, mẹ cha vẫn còn bao nỗi băn khoăn, bao điều tâm sự. Đáp lại họ nhà gái, chị Lương Thị Tình (đại diện họ nhà trai) cũng cất lên điệu lăm, nội dung ca ngợi tình yêu của đôi trẻ, cảm ơn cha mẹ cô gái đã sinh cho họ nhà trai người con dâu khỏe mạnh, chăm làm. Đồng thời, gia đình chú rể sẽ yêu thương, dạy dỗ con dâu như là con gái của mình. Màn đối đáp kết thúc, cùng lúc tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã, tiếng khèn bè ngân lên dìu dặt, tiếng pí thiết tha gọi mời. Mọi người tay trong tay cùng mở rộng vòng xòe và nhịp nhàng trong điệu lăm vông. Bí thư Lộc Xuân An cho biết: “Ở Bãi Gạo, ai cũng biết múa lăm-vông phụ nữ ai cũng biết khắp, đàn ông ai cũng biết thổi pí, thổi khèn. Mỗi khi Tết về hay bản có đám cưới, đám hội tất cả mọi người đều đến chung vui...”.

Trao đổi với chung tôi, Trưởng bản Lộc Thị Hoàng vui vẻ cho biết: “Bản Bãi Gạo đã được công nhận danh hiệu văn hóa và đang lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng thành lập CLB Dân ca - nhạc cụ và tổ dệt thổ cẩm để tạo cơ hội học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và truyền dạy cho lớp trẻ, những nét đẹp truyền thống tránh được nguy cơ mai một”.


Bài, ảnh: TƯỜNG ANH