Đừng tạo khoảng cách không đáng có
(Baonghean) - Tại Điều 7 của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) năm 1999 quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không...
(Baonghean) - Tại Điều 7 của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) năm 1999 quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Bộ Công an vừa đề xuất sửa đổi điều này theo hướng: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân và Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị này đưa ra đã bị các luật sư cho rằng vi phạm quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận của công dân, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo. Dư luận đang lo ngại nếu đề nghị này được chấp nhận thì vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận phòng, chống tham nhũng sẽ bị hạn chế.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ tham nhũng đều do quần chúng nhân dân phát hiện, báo chí phản ánh và các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý; chưa có vụ tham nhũng nào do tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước phát hiện và xử lý. Khi tố cáo các hành vi tham nhũng, điều mà quần chúng nhân dân sợ nhất là bị trù dập. Bởi vậy, người dân hoàn toàn yên tâm khi cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng cho báo chí vì sẽ được giữ bí mật, không sợ bị trù dập. Khi tham nhũng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan bảo vệ pháp luật tìm hiểu nguồn tin có thể nhằm nhiều mục đích. Nếu để phục vụ cho việc điều tra vụ án thì đó là mục đích tốt, rất cần sự phối hợp của báo chí. Nếu để hoàn thiện hồ sơ vụ án thì cơ quan báo chí sẵn sàng cung cấp. Nhưng việc nắm nguồn tin cũng không tránh khỏi có trường hợp bị lợi dụng.
Một thực tế hiện nay là hiện tượng chạy tội, chạy án xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, vậy ai dám đảm bảo người cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng không bị trù dập. Qua phản ánh của báo chí, nhiều vụ tham nhũng đã được điều tra, xét xử công minh, trả lại quyền lợi chính đáng cho người bị hại. Nhưng cũng có những vụ án xét xử oan sai làm cho người bị hại phải đội đơn đi kiện hết năm này sang năm khác. Thậm chí có vụ án do sự cám dỗ của đồng tiền chạy tội nên đã xẩy ra tình trạng cơ quan điều tra thì làm sai lệch hồ sơ, cơ quan tố tụng thì xét xử không đúng người, đúng tội, hậu quả người dũng cảm tố cáo tham nhũng bị hại. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là tham nhũng xẩy ra ngay trong lực lượng bảo về pháp luật. Khi trong lực lượng này còn có những phần tử tiêu cực thì việc tiết lộ tên người cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng là rất nguy hiểm. Bởi vậy, giữ nguyên Điều 7 của Luật Báo chí như hiện nay là rất cần thiết.
Nếu thực hiện theo đề nghị của Bộ công an thì việc khai thác nguồn tin trong các vụ án có thể thuận lợi hơn, nhưng quần chúng nhân dân sẽ không còn dám cung cấp thông tin cho báo chí. Vấn đề là làm thế nào để nhân dân tin tưởng các cơ quan bảo vệ pháp luật như tin tưởng báo chí để họ tự giác cung cấp nguồn tin chứ không phải yêu cầu cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, báo chí thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Không nên vì muốn sửa luật theo ý muốn chủ quan nào đó mà tạo khoảng cách giữa báo chí và nhân dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật, một khoảng cách không đáng có, thậm chí là một khoảng cách đáng sợ.
TRẦN HỒNG CƠ