Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười?

31/05/2013 22:58

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, là triết lý cơ bản, nguyên tắc phát triển của mọi xã hội. Từ buổi bình minh loài người, bản năng của những thành viên lớn hơn trong cộng đồng là bảo vệ và dành những điều tốt đẹp  nhất cho những thành viên nhỏ tuổi, cũng là chìa khoá nắm giữ sự sinh tồn của giống nòi. Triết lý này đến nay dường như vẫn chưa thay  đổi, vẫn là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của xã hội từ tầm cộng đồng cho đến đơn vị nhỏ nhất cấu thành xã hội là gia đình. Tuy nhiên, chúng ta đã đi đúng hướng, đã hoàn thành được bổn phận đó hay  chưa, một cái nhìn đa chiều sẽ cho chúng ta một câu trả lời xác đáng.

(Baonghean) - “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, là triết lý cơ bản, nguyên tắc phát triển của mọi xã hội. Từ buổi bình minh loài người, bản năng của những thành viên lớn hơn trong cộng đồng là bảo vệ và dành những điều tốt đẹp nhất cho những thành viên nhỏ tuổi, cũng là chìa khoá nắm giữ sự sinh tồn của giống nòi. Triết lý này đến nay dường như vẫn chưa thay đổi, vẫn là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của xã hội từ tầm cộng đồng cho đến đơn vị nhỏ nhất cấu thành xã hội là gia đình. Tuy nhiên, chúng ta đã đi đúng hướng, đã hoàn thành được bổn phận đó hay chưa, một cái nhìn đa chiều sẽ cho chúng ta một câu trả lời xác đáng.

Về văn hoá, xã hội, thời gian qua, dư luận dấy lên nhiều ý kiến về hiện tượng bé Đỗ Nhật Nam, một cậu bé đạt được nhiều thành tích đáng nể trong việc học ngoại ngữ với những phát ngôn gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng cách suy nghĩ và nói chuyện của cậu bé này là không khiêm tốn và quá già dặn, dựa vào đó để phê phán cách giáo dục của gia đình cậu bé (mà theo như cộng đồng mạng là áp đặt, gò bó và “đục khoét” tuổi thơ của em). Chưa nói đến việc đúng sai, xin nhớ rằng cậu bé chỉ mới 11 tuổi và những ý kiến ác ý mà em phải đón nhận trong thời gian qua là hoàn toàn phi giáo dục, thậm chí là phi nhân văn đối với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ.

Xin hãy đặt mình vào vị trí của các bậc làm cha, làm mẹ mà nghĩ, liệu có ai không đau lòng khi thấy con em mình phải chịu đựng những tổn thương nặng nề về tâm lý gây ra bởi những người mà các em thậm chí còn không biết mặt, biết tên, lại càng không biết liệu mình đã làm gì sai với những người này để phải nhận lấy những lời chỉ trích cay độc đến thế? Hoặc giả như chúng ta đặt mình vào vị trí của các em, việc sớm bị vùi dập và đả kích sẽ khiến các em mất đi niềm tin vào cuộc sống và những điều tốt đẹp, khiến tài năng và tâm hồn các em bị thui chột, hay tệ hơn là phát triển méo mó, lệch lạc đi. Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ chỉ toàn những người trẻ với trái tim, tâm hồn và trí tuệ tật nguyền mà nguyên nhân không gì khác ngoài sự “quan tâm thái quá” của lớp người đi trước, trong khi trách nhiệm của chúng ta đáng ra phải là dìu dắt, bảo vệ cho những chủ nhân của xã hội tương lai.

Vẫn liên quan đến vấn đề giáo dục, ở một khía cạnh khác, việc giáo dục trong nhà trường cũng còn khá nhiều bất cập, cần sự quan tâm của xã hội. Những kì thi đến và đi, để lại những bài thi “bất hủ” mà chúng ta vẫn thường đem ra để gây cười, giải khuây, cười đấy mà đã vội méo mặt ngay. Những lỗ hổng kiến thức đáng thương hại về toán, văn, địa lý, lịch sử, suy cho cùng có phải lỗi chỉ do các em học sinh, hay câu hỏi đặt ra cho cả nhà trường và toàn xã hội?

Đơn cử như việc một vị phụ huynh đọc được bài văn của con mình viết rằng “canh gà Thọ Xương” trong bài thơ của Dương Khuê là một món đặc sản nổi tiếng, từ vụ việc trên câu hỏi được đặt ra là chất lượng giảng dạy và kiến thức của giáo viên, rồi sâu xa hơn là chính phương pháp giáo dục mà chúng ta đã và đang áp dụng trong nhà trường, liệu có phải còn nhiều bất cập và mang tính chất rập khuôn, gò bó? Qua đó để thấy, nền giáo dục mà trẻ em của chúng ta được thụ hưởng vẫn còn non trẻ và nói như lời của một vlogger (người làm những video thể hiện quan điểm cá nhân về một hiện tượng, vấn đề xã hội nào đó) thì giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục “hóc xương gà”; bảo sao học sinh Việt Nam học ngày học đêm mà vẫn “hóc, hóc nữa, hóc mãi”.

Trên đây chúng ta đã bàn về điều kiện phát triển tâm lý và trí tuệ mà con em chúng ta đang được thụ hưởng, vậy còn điều kiện phát triển thể chất thì sao? Phải thừa nhận những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế chung và sự cải thiện về mức sống, trẻ em ngày nay phát triển thể chất đầy đủ và sớm hơn các thế hệ đi trước (dễ thấy nhất là việc chiều cao trung bình của người Việt đang tăng lên rõ rệt, dần đuổi theo các nước phát triển trong khu vực).

Tuy nhiên, sự phát triển đó có bền vững không, vẫn còn là điều phải bàn cãi. Một mâu thuẫn là trong khi điều kiện sống của người Việt đang được cải thiện thì trên thị trường những sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ không xác định xuất hiện ngày một tràn lan, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng nói chung và đặc biệt là trẻ em, những đối tượng dễ dàng bị thu hút bởi các sản phẩm mới, lạ, đẹp, ngon và rẻ.

Nếu như với cùng một mối nguy hiểm (ngộ độc, nhiễm độc, tai nạn, bệnh dịch,...) thì trẻ em lại là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và để lại di chứng nặng nề nhất. Bảo vệ các em khỏi những mối nguy hại trên là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ và của toàn xã hội. Với các cơ quan chức năng, việc kiểm soát các sản phẩm trên thị trường phải chặt chẽ hơn, tránh việc để những sản phẩm độc hại có cơ hội đến tay các em. Còn với các bậc phụ huynh, nên cố gắng tạo điều kiện cho các em được sử dụng những sản phẩm an toàn, chớ để cái lợi nhỏ về kinh tế làm mờ mắt mà quên rằng an toàn của con em mình mới là điều quan trọng nhất.

Nói cho cùng, điều mà chúng ta còn thiếu trong thái độ bảo vệ trẻ em hiện nay chính là sự lắng nghe và thấu hiểu. Phải nghe xem các em cần gì, các em muốn gì và các em đang nghĩ gì thì mới biết điều gì là tốt đẹp, là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh và đầy đủ của các em, về tâm lý, trí tuệ và thể chất. Cũng cần có sự cảm thông, thấu hiểu để các em không thấy bị áp đặt, gò bó, xoá bỏ đi cái gọi là khoảng cách thế hệ, để thế hệ trước và sau hiểu nhau, tin nhau, từ đó mới truyền đạt và giữ gìn được những giá trị truyền thống và nền móng mà lớp người đi trước xây dựng nên.

Và có lẽ cũng nên tự vấn bản thân xem chúng ta đã mẫu mực để xứng đáng là những người dìu dắt, định hướng, những người làm gương cho các em noi theo hay chưa. Như câu chuyện về người cho bố mình ăn cơm dưới đất trong một cái bát sứt, một ngày nọ thấy con trai mình đang nặn một cái bát sứt bằng đất sét, bèn hỏi nó đang làm gì thì đứa bé trả lời: “Sau này bố già con cho bố ăn cơm bằng cái bát này”. Những thói hư, tật xấu trong xã hội người lớn chúng ta, than ôi, còn nguy hiểm hơn trăm nghìn lần những sữa giả, thuốc giả, những đả kích tập thể hay nền giáo dục “hóc xương”, vì cái mà chúng ta đầu độc không phải là thể chất, tâm lý hay trí tuệ của trẻ em mà là nhân cách của chúng. Một khi nhân cách bị suy đồi thì xã hội sẽ chỉ còn nước đi ngược về thuở sơ khai của nhân loại mà thôi.

Bấy nhiêu đó để thấy liệu thái độ của chúng ta đối với trẻ em đã chuẩn mực chưa, hay vẫn còn nhiều thiếu sót do sự hời hợt, dễ dãi với chính bản thân ta? Nếu như chúng ta còn chưa có ý thức bảo vệ nhân cách cũng như môi trường sống của mình, dễ dàng bắt tay, thoả hiệp với cái xấu thì lấy đâu ra sức mạnh và tư cách để bảo vệ con em mình? Còn thờ ơ với những cái tốt trong xã hội là còn tạo điều kiện cho những cái xấu thâm nhập, đục khoét thế hệ tương lai của đất nước. Thế nên, xin hãy mở mắt ra mà nhìn, dỏng tai lên mà nghe tiếng xã hội của chúng ta chuyển mình tiến lên hay lùi lại, chính là nghe thấy tiếng trẻ em khóc, trẻ em cười!


Hải Triều (Email từ Paris)