Một người khuyết tật giàu nghị lực

31/05/2013 11:11

Người dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) cảm phục trước nghị lực của ông Nguyễn Đình Công - người bị mù, điếc từ khi mới lọt lòng. Nay đã 54 năm và cũng ngần ấy năm gánh chịu thiệt thòi, bất hạnh; nhưng với một sức mạnh phi thường, người đàn ông tật nguyền ấy đã vượt lên định mệnh, tìm niềm vui và ý nghĩa cho đời mình...

(Baonghean) - Người dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) cảm phục trước nghị lực của ông Nguyễn Đình Công - người bị mù, điếc từ khi mới lọt lòng. Nay đã 54 năm và cũng ngần ấy năm gánh chịu thiệt thòi, bất hạnh; nhưng với một sức mạnh phi thường, người đàn ông tật nguyền ấy đã vượt lên định mệnh, tìm niềm vui và ý nghĩa cho đời mình...

Tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Công ở xóm 3, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), chúng tôi hay tin ông đang chăn bò ngoài đồng. Men theo những chân ruộng vừa mới gặt, không khó để nhận ra ông với dáng dấp khỏe mạnh, tai đeo máy trợ thính và đôi mắt có chút ngơ ngác. Khi chúng tôi bắt chuyện, ông Công liền “khoe”: “Tôi có 2 con bò. Con bò cái này mua 17 triệu đồng cách đây gần 2 năm. Mua về được mấy ngày là nó sinh ra con bò nhỏ này. Hiện con bò nhỏ này cũng đã sắp sinh rồi...”.

Ông kể tiếp khả năng huấn luyện bò nghe theo khẩu lệnh. Chợt ông cất cao giọng “Ê bò! Ê bò!”, đang mải mê gặm cỏ, con bò nhỏ lập tức chạy lại bên cạnh chủ húc nhẹ cái đầu vào cánh tay. Ông Công liền đưa tay ôm lấy cổ bò và vỗ về thân thiết. Rồi ông giải thích: “Vừa mù, vừa điếc đi chăn bò rất vất vả, vì không nhìn thấy, không nghe tiếng động nên có lúc bò đi lung tung hoặc vào ăn hoa màu của người khác. Vì thế, tôi quyết tâm huấn luyện để nó nghe theo lời mình. Lúc đầu nó cũng lỳ lợm lắm, kiên trì tập luyện rồi nó cũng nghe lời”.



Làm chổi đót, nghề đem lại thu nhập chính của ông Công.

Ngồi ngay ở bờ ruộng, ông Công kể chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ông sinh năm 1959, trong một gia đình đông anh em. Từ khi bắt đầu ý thức được về bản thân, ông nhận thấy đôi mắt và đôi tai của mình không được như mọi người chung quanh. Vào ban ngày, chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ những sự vật ở gần, còn ban đêm chỉ toàn một màu đen bao phủ. Mọi tiếng động, âm thanh ở chung quanh ông chỉ nghe được loáng thoáng, muốn hiểu được phần nào phải căng cả đôi tai. Bù lại, ông có một sức vóc khỏe mạnh, có thể mang vác những vật nặng.

Nghĩ rằng con mình bị dị tật bẩm sinh, mắt gần như không nhìn thấy, tai nghe câu được câu mất nên bố mẹ không muốn cho ông đến trường. Nhưng hàng ngày, ông vẫn theo bạn bè vào lớp, ngồi nghe cô giáo giảng bài và hướng dẫn cách viết từng chữ cái một. Thấy con ham học, bố mẹ ông liền thay đổi ý định và đến xin nhà trường tạo điều kiện cho con trai mình theo học. Xúc động và thương tình trước hoàn cảnh bất hạnh của cậu bé tật nguyền, lại cảm phục trước nghị lực của cậu nên các thầy cô vui vẻ nhận lời. Ông luôn được sắp xếp ngồi ở vị trí bàn đầu, gần sát với bục giảng để có thể lĩnh hội được phần nào kiến thức.

Biết mình bị khiếm khuyết, ông luôn căn dặn bản thân phải nỗ lực hết sức mình để không phụ lòng thầy cô và bố mẹ. Cứ thế, năm này qua năm khác, cậu bé Công hàng ngày miệt mài đến lớp, hầu như không bỏ sót một buổi học nào. Nhưng do bị hạn chế, nên ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập. Vì thế, một lớp học ông phải theo từ 2-3 năm. Nhưng không vì thế mà ông nản chí, ngược lại ông vẫn kiên trì theo đuổi việc học đến hết chương trình cấp 2.

Không đủ khả năng theo học lên cấp 3, Nguyễn Đình Công quyết định ở nhà đỡ đần bố mẹ công việc gia đình. Dù mắt chỉ thấy được lờ mờ nhưng với bản tính hay lam hay làm, lại có sức khỏe nên ông có thể làm được khá nhiều việc, từ đốn củi, lợp nhà, đắp đường đến đan lát các vật dụng trong gia đình. Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Công còn tích cực và hăng hái tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, gần như không bỏ sót buổi giao lưu và hoạt động nào do Chi đoàn tổ chức, phát động. Việc tích cực tham gia tổ chức Đoàn đã giúp người thanh niên tật nguyền ấy vơi bớt phần nào nỗi tủi thân và cô đơn, có thêm nhiều người bạn để chia sẻ và thêm vững tin trước cuộc đời.

Từ những buổi sinh hoạt chi đoàn, mối quan hệ giữa Nguyễn Đình Công và cô gái hàng xóm Dương Thị Vân trở nên gắn bó hơn. Cô gái tên Vân ấy là người lành lặn, kém ông 3 tuổi, hai gia đình chỉ cách nhau mấy bước chân. Khi biết con mình đem lòng yêu thương người con trai tật nguyền, mẹ của cô gái không những không phản đối mà còn nhiệt tình vun đắp, ủng hộ. Bởi lẽ, theo cách nghĩ của người mẹ ấy, Công tuy thị lực và thính lực kém nhưng vẫn khỏe mạnh, lại chăm chỉ làm ăn nên có thể yên tâm để con gái mình chọn làm chỗ dựa suốt cả cuộc đời. Trước lúc cưới, ông đã dành mấy ngày miệt mài với cưa, đục và bào để tự tay hoàn chỉnh chiếc giường cưới trước sự khâm phục của tất cả mọi người. Chiếc giường rẻ quạt đơn sơ, vững chãi đã đồng hành cùng niềm hạnh phúc của vợ chồng ông suốt gần 30 năm nay. Vào một ngày trong năm 1984, một đám cưới đặc biệt đã làm xôn xao vùng quê trung du yên bình này. Trong niềm vui chung của gia đình, họ hàng, bè bạn và xóm làng, người thanh niên mù ấy tự tin nắm tay người vợ trẻ tiến vào hôn trường.

Với một người đàn ông bình thường, lấy vợ là một việc đại sự. Một người mắt không nhìn thấy rõ, tai chỉ nghe được loáng thoáng thì đó thực sự là cả một núi lo toan. Ý thức được điều này, Nguyễn Đình Công nghĩ rằng trời vẫn còn thương đến mình, cho mình sức khỏe nên càng phải chăm chỉ làm việc, tìm kế sinh nhai để xây dựng mái ấm gia đình vững chắc, nhất là khi những đứa con chào đời. Đã nghĩ là quyết, ông đề nghị bạn bè giúp đỡ bằng cách cho theo học nghề cưa xẻ, nghề mộc và đốt lò vôi. Công việc nào ông cũng chuyên tâm học hỏi và chẳng mấy lâu đã trở nên thành thạo, giúp ông có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.

Khi 3 đứa con nhỏ lần lượt chào đời, nỗi lo toan cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai. Ngoài việc cưa xẻ, đốt lò vôi, mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi, Nguyễn Đình Công lại chẻ tre, nứa đan các loại vật dụng như thúng, mủng, rổ, rá, bu nhốt gà để vợ đem ra chợ bán. Những sản phẩm ông đan vừa bền, vừa đẹp nên bán khá “chạy” hàng, giúp gia đình ông có thêm đồng ra đồng vào. Thời điểm ấy, cuộc sống không ít những bề bộn, vất vả nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ và nghị lực sống đã giúp vợ chồng ông đi qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Và niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng ông là những đứa con khỏe mạnh và đang lớn từng ngày.

Đến nay, 3 con trai của ông bà đều đã trưởng thành, có gia đình riêng, ông bà đã có cháu nội. Riêng vợ chồng cậu con trai út đang sinh sống cùng bố mẹ. Đã bước sang tuổi 54, thị lực của ông đã tiến gần tới con số “0”, sức khỏe đã giảm sút ít nhiều, ông vẫn miệt mài với công việc. Không bện chổi đót thì ông đan lát, không đan lát ông lại dắt bò đi ăn, cuối buổi lại lần mò đến trường mẫu giáo đón cháu. Công việc gần như không khi nào ngơi tay. Cách đây ít lâu, ông Công được một người thân tặng cho chiếc máy trợ thính, việc giao tiếp với mọi người đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Chúng tôi theo ông Công về nhà, vừa buộc xong bò vào ràn, ông lại tiếp tục với mấy chiếc chổi đang bện dở. Lúc này, bà Vân đi làm vẫn chưa về. Những năm gần đây, nghề bện chổi đót đã trở thành nguồn thu nhập chính của ông. Qủa thật, trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Bởi lẽ, đôi mắt gần như không nhìn thấy, đôi tai nghe không rõ nhưng ông Công lại có được đôi tay khéo léo. Vừa bện chổi vừa trò chuyện nhưng những chiếc chổi ông làm ra chắc chắn, đẹp. Với người bình thường, làm được điều ấy đã khó. Nghề làm chổi này ông học được từ một người cùng cảnh ngộ, và không bao lâu sau ông có thể hướng dẫn những người có cùng hoàn cảnh.

Không chỉ dạy nghề cho người mù trong huyện, mà Hội Người mù nhiều huyện khác cũng mời ông về dạy nghề cho hội viên. Nghe tiếng ông Công bện chổi đót vừa bền vừa đẹp, người trong xã đều tìm đến mua. Rồi người khắp nơi cũng tìm đến để đặt hàng. Nhưng điều không may xẩy đến. Năm ngoái toàn bộ số tiền vốn ông cất trong kho hàng bị mất, thiếu vốn buộc ông phải chuyển sang làm với số lượng ít hơn. Ông chia sẻ: “Bây giờ, tôi mong được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để củng cố và mở rộng việc sản xuất chổi đót. Mong ước lớn nhất là xây dựng được một cơ sở làm chổi đót để hướng dẫn, tập hợp những người cùng cảnh ngộ, giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống”. Ông Công còn cho biết: thường xuyên theo dõi bằng tai chương trình “Vượt lên chính mình” trên đài truyền hình nên muốn có được một cơ hội thử sức để có thể trang trải nợ nần, sửa sang lại căn nhà đã bị bong nứt, mưa dột.

Gần tối, bà Vân tất tả về nhà để lo cơm nước cho cả gia đình. Trước lúc nói lời chào tạm biệt, chúng tôi hỏi ông vì sao không thu nhận được trọn vẹn nguồn sáng và âm thanh cuộc đời nhưng vẫn đủ sức mạnh để vươn lên làm chủ cuộc sống? Không một chút đắn đo, suy nghĩ, ông Nguyễn Đình Công trả lời: “Đơn giản lắm, nghị lực và niềm tin đã cho tôi nguồn sức mạnh để đứng vững trước cuộc đời. Nói thật, tôi chưa lúc nào nghĩ rằng mình sẽ thỏa hiệp hay đầu hàng số phận. Tôi luôn nghĩ cách vượt lên số phận, hoàn cảnh để khẳng định bản thân mình”. Điều ấy, theo ông là “đơn giản lắm” tuy không dễ với tất cả mọi người!


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN