Rú Kiến - con mắt nhìn biển Đông

03/09/2013 14:47

Tôi về biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu vào một buổi chiều biển lặng. Nắng chiếu xiên gương mặt những đứa trẻ đang mò ngao, bắt ốc hoặc túm vào tranh nhau trái bóng nhựa. Phía trước, là núi Kiến (rú Kiến) nhoai ra biển, dường như để hứng những cơn gió bão đầu tiên, những tai ương bất ngờ, và cả bao nhiêu đạn bom từng dội vào làng quê ven biển bé nhỏ này, để bảo vệ, chở che… Đã bao nhiêu năm trôi qua, người dân Quỳnh Long vẫn nhìn về rú Kiến như một chứng nhân lịch sử thiêng liêng của làng.

(Baonghean) -Tôi về biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu vào một buổi chiều biển lặng. Nắng chiếu xiên gương mặt những đứa trẻ đang mò ngao, bắt ốc hoặc túm vào tranh nhau trái bóng nhựa. Phía trước, là núi Kiến (rú Kiến) nhoai ra biển, dường như để hứng những cơn gió bão đầu tiên, những tai ương bất ngờ, và cả bao nhiêu đạn bom từng dội vào làng quê ven biển bé nhỏ này, để bảo vệ, chở che… Đã bao nhiêu năm trôi qua, người dân Quỳnh Long vẫn nhìn về rú Kiến như một chứng nhân lịch sử thiêng liêng của làng.

Những năm chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Quỳnh Long là một trong những tuyến lửa ác liệt của Quỳnh Lưu. Đây là nơi có vị trí chiến lược về quân sự, là vùng ven biển hai đầu là hai cửa lạch, các điểm đặt pháo nằm ở giữa xã, có đơn vị pháo binh của Quân khu IV về đóng quân chiến đấu. Bờ biển tương đối dài, có vị trí xung yếu tiền tiêu, thuận lợi cho việc đột nhập của bọn biệt kích, người nhái của địch. Vì những lẽ đó mà Quỳnh Long trở thành vị trí “nhắm bắn” của đế quốc Mỹ. Suốt từ năm 1965 đến 1972, hiếm có ngày nào vắng tiếng bom đạn dội xuống mảnh đất chưa đầy 4 km2 này.

Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Long còn ghi rõ những dấu mốc: ngày 12/8/1965, trận ném bom đầu tiên của đế quốc Mỹ vào làng Phú Liên làm chết 8 người; tháng 9/1965 máy bay Mỹ liên tục đánh mạnh vào địa bàn Quỳnh Long, đặc biệt ngày 16/9/1965, giặc ném bom chùm vào ban đêm do máy bay A6 thực hiện, làm chết 19 người (trong đó có 11 cháu nhỏ); lần thứ 3, địch rải thảm hàng chục quả bom xuống khu vực HTX Đại Tân làm hàng chục người chết và bị thương, nhà cửa, tài sản của nhân dân bị phá hủy hoàn toàn… Nguy hiểm nhất, chúng dùng các hải đoàn tàu biệt kích bắn thuyền vận tải của quân ta đi qua Quỳnh Long, bắt người, dùng chiến tranh tâm lý, tặng quà, cho đồ dùng, uy hiếp các thuyền sản xuất...

Nhưng cũng chính vì nắm vị trí “tọa độ lửa” như thế nên Quỳnh Long là nơi có lực lượng dân quân du kích lớn mạnh, chiến đấu hết sức quyết liệt, anh dũng. Lực lượng dân quân du kích xã Quỳnh Long thời bấy giờ có 90 người, có một trung đội pháo 105mm chống trả tàu chiến Mỹ; một trung đội 12,7mm gồm 25 người; một hải đội thuyền đánh tàu biệt kích gồm 47 người và một đội vận tải gồm 80 thuyền. Riêng đơn vị pháo 105mm, 12,7mm được đặt ở đỉnh rú Kiến.



Làng biển Quỳnh Long bây giờ.

Rú Kiến là nơi cao nhất của xã Quỳnh Long, là điểm có thể dễ dàng quan sát được tàu chiến và thủy phi cơ Mỹ từ ngoài khơi vào ở tầm xa. Vì thế, rú Kiến được ví như “con mắt” nhìn ra biển Đông. “Con mắt” mà giặc thường xuyên bắn vào đầu tiên và cũng là nơi dân quân du kích hết sức bảo vệ, lấy làm địa điểm để tổ chức những đợt bắn trả. Trên đỉnh rú Kiến còn được treo 1 cái kẻng và luôn luôn có người trực để báo động cho bà con biết mỗi khi giặc đánh vào làng. Có một cái lỗ thông hơi, thông xuống tận dưới các hang trong rú Kiến. Mỗi lần nhìn thấy dấu hiệu khả nghi, người được giao nhiệm vụ trực lập tức đánh kẻng, tiếng kẻng không to lắm, nhưng vang xuống trong lòng đất, qua hang động bên trong vọng vào làng nghe rất rõ. Người dân nghe tiếng kẻng tổ chức sơ tán kịp thời đến nơi an toàn, còn các lực lượng dân quân du kích sẽ tiến hành chuẩn bị đối phó với địch.

Ông Trần Hồ Sỉnh (xóm Đại Tân, Quỳnh Long) năm nay đã 101 tuổi, là người còn lại duy nhất ở làng này từng làm nhiệm vụ đánh kẻng báo động trên rú Kiến năm xưa. Ông vẫn minh mẫn và nhớ rõ năm tháng chiến tranh tuy ác liệt nhưng đầy khí thế quyết tâm ấy: “Mỗi ngày có 4 người thay phiên nhau trực trên đồi. Cứ thấy bóng thuyền biệt kích của địch, hoặc thấy máy bay từ xa là đánh kẻng để bà con trong làng sơ tán, còn dân quân du kích chuẩn bị chiến đấu. Chúng nó bắn và thả bom nhiều lắm, khi nào cũng thấy ầm ầm, rạt rạt bên tai. Có lần nó đánh sập cả cửa K, đất đá vùi lấp chẳng thấy gì, sau khi chúng nó bỏ đi, mình lại đào bới lôi người lên và đắp lại cửa”.

Hồi đó, cùng với Đại đội 49C thuộc Tỉnh đội Nghệ An, đơn vị pháo 105mm Trần Thị Thao đóng trên rú Kiến đã phối hợp chiến đấu chống tàu biệt kích và không quân Mỹ, từng bắn hạ một chiếc thủy phi cơ của Mỹ ngày 29/10/1972. Sau đó, hải đội thuyền nan đánh tàu (gồm 4 người) do Nguyễn Bá Vanh chỉ huy chèo thuyền ra khống chế tên giặc lái Mỹ, trên bờ các chiến sĩ du kích bắn vào các thủy phi cơ của Mỹ đang cố nhào tới. Sau 3 giờ đồng hồ chiến đấu dưới bom đạn, kẻ thù bị khống chế nhưng đồng chí Nguyễn Bá Vanh (sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) cùng một đồng đội đã hy sinh anh dũng. Những năm chống Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, riêng lực lượng dân quân du kích xã Quỳnh Long đã đánh 1.410 trận lớn nhỏ, bắn cháy, làm bị thương 7 tàu chiến, bắn bị thương 2 chiếc thủy phi cơ, vận chuyển hai vạn tấn vũ khí lương thực, thực phẩm, vớt 1.000 tấn gạo trên biển…

Anh Trần Văn Mạnh (xóm Đại Tân, Quỳnh Long) nhiệt tình dẫn tôi leo lên rú Kiến, men theo đường mòn phủ đầy cỏ lau. Một bên là biển, một bên là các cửa hầm đã được bịt kín lại. Tôi đếm được có 9 cửa hầm, dấu đạn, pháo năm xưa vẫn in hằn những vết toác. Anh cười bảo: “Hồi nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường chạy lên đây chơi, có mấy cửa hầm chưa bị đóng, chúng tôi còn lẻn vào cả bên trong, lấy thuốc súng còn sót lại ra nghịch. Lớn lên nghĩ lại mới thấy dại dột và nguy hiểm, may mà chẳng đứa nào bị làm sao.

Bây giờ muốn vào bên trong còn một đường luồn qua mấy dãy đá dưới biển, nhưng tối lắm, mà cũng không có gì trong đó nữa”. Nhìn hòn rú không đến nỗi cao lắm, nhưng leo lên đến nơi cũng toát cả mồ hôi. Anh Mạnh gọi tôi lại, vạch đám cây dại mọc xung quanh và chỉ cho tôi xem dấu bê tông làm cột trụ treo kẻng báo động trong những năm chống Mỹ. Nếu không được chỉ cho xem, thì chẳng bao giờ tôi có thể biết được dấu vết nằm lẫn lộn trong sỏi đá, cỏ cây này, lại có một thời nhận nhiệm vụ quan trọng đến thế.

Nơi đây, những cây thông được trồng mọc lên xanh ngát. Đứng từ trên nhìn xuống, làng Quỳnh Long trở thành bức tranh đầy màu sắc dưới ánh hoàng hôn đỏ rực. Mái nhà mới, đường bê tông vạch ngang dọc như ô bàn cờ, và bờ biển ôm sát lấy làng. Chợt nhớ tới câu mấy đứa trẻ nghêu ngao hát “biển Quỳnh Long cong cong hình chữ S”. Chiến tranh đã qua đi rồi, “con mắt” của làng trở lại màu xanh, vẫn lặng im hướng về phía biển, vẫn sẵn sàng chở che cho ngôi làng bé nhỏ. Dưới chân rú Kiến, người dân chài neo thuyền xếp lưới vào bờ và bóng những đứa trẻ ôm rổ ngao bước ra về trong ráng chiều bình yên.


Bài, ảnh: Hồ Lài