Chấn chỉnh quản lý khai thác khoáng sản góp phần giảm biến đổi khí hậu

13/08/2013 10:00

Nghệ An giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng nguồn tài nguyên đang bị khai thác tràn lan và bừa bãi. Tài nguyên “ra đi” để lại những  hậu quả xấu tác động đến cảnh quan và  môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất,  không khí… Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.

(Baonghean) - Nghệ An giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng nguồn tài nguyên đang bị khai thác tràn lan và bừa bãi. Tài nguyên “ra đi” để lại những hậu quả xấu tác động đến cảnh quan và môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí… Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.

Quỳ Hợp giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất ở Nghệ An, với các mỏ đá, quặng thiếc, vàng, quặng sắt… Nhờ từ khai thác chế biến khoáng sản đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề môi trường cùng với hậu quả từ việc khai thác chế biến khoáng sản không theo quy trình, đặt lợi nhuận lên hàng đầu của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đi dọc và các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường… những dãy núi đồi bị người ta đào xới nham nhở để lấy đá trắng và quặng thiếc. Đối với quặng thiếc tại Thung Chuối - Châu Hồng, Lần Toong xã Châu Thành, Châu Hồng, tại khu vực Suối Bắc người ta đào “hang chuột” từ trên đỉnh xuống chân núi, “hang chồng lên hang”. Lòng núi khổng lồ bị khoét rỗng ruột, chằng chịt như địa đạo. Mùa mưa lũ đang đến, nhiều quả núi bị khoét rỗng ruột có thể xảy ra sập hầm bất cứ lúc nào. Tại các khu vực khai thác quặng thiếc lộ thiên, quá trình đào xới, vận chuyển quặng, địa hình khai trường bị hạ, chất thải rắn lại tăng cao. Sự tích tụ chất thải rắn trong quá trình tuyển, rửa quặng khiến nguồn nước đầu nguồn biến đổi sang màu đỏ quạch, làm suy giảm công năng các công trình thủy lợi trên dòng Nậm Tôn. Nhiều bản làng ở Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Cường… quanh năm phải sử dụng nguồn nước từ ô nhiễm quặng thiếc. Chưa kể là một số diện tích quanh khu bãi thải đã từng bị bồi lấp do sạt lở, xói mòn. Khi mùa mưa lũ đến thường gây ra các dòng “bùn đỏ” chảy xuống vùng thấp gây tổn hại đến môi trường, kinh tế… Thực tế “lũ bùn đỏ” đã xâm lấn nhiều diện tích lúa của xã Châu Quang.



Điểm khai thác quặng thiếc trái phép ở Châu Tiến - Quỳ Hợp.

Mấy năm nay cũng nóng lên nạn khai thác vàng ở các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông… Tại xã Cắm Muộn khu vực Khe Háng Nhỏ và đồi Khe Tám, khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ nhiều năm liền nhưng chính quyền địa phương hầu như buông lỏng. Chỉ đến khi UBND tỉnh cho thành lập đoàn liên ngành lên đẩy đuổi mới tạm yên ổn. Tại khu vực này cả cánh rừng bị đục khoét chi chít hang sâu. Người ta băm vằm cả quả núi từ khe suối lên đỉnh đồi. Người khai thác vàng trái phép còn sử dụng cả xianua và các hóa chất độc hại để lọc vàng, xả trực tiếp ra sông, suối. Làm cho nguồn thủy sản bị tận diệt, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở núi.

Chưa kể là để đưa các thiết bị máy móc vào các vùng khai thác vàng, người ta còn đốn hạ cả rừng phòng hộ. Tại địa bàn huyện Tương Dương, trên các dòng sông, khe suối ở Yên Na, Yên Hòa, Tam Hợp, Xá Lượng… đều bị khai thác vàng sa khoáng đào xới làm biến dạng khe suối, sạt lở diện tích đất lúa… Tại xã Yên Tĩnh, khu vực đồi Phu Phen do Công ty Thủ Đô (Hà Nội) được cấp phép thăm dò, nhưng đơn vị này đã vào khai thác luôn nhiều năm qua, hàng trăm miệng hầm hố đan chồng lên nhau, đất thải được đổ ra bừa bãi cả cánh rừng. Nhiều bà con ở xã Yên Hòa phản ánh, nguồn nước bị ô nhiễm nặng do khai thác vàng ở đầu nguồn Phu Phen.

Theo tìm hiểu thì trước khi tiến hành khai thác, các đơn vị thường lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có phương án biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, khi vào hoạt động thì hạng mục giảm thiểu ô nhiễm lại bị cắt xén, hoặc làm đối phó. Các doanh nghiệp tìm mọi cách xả thải ra bên ngoài gây ảnh hưởng sức khỏe cho nhân dân. Như tại Quỳ Hợp đa số các điểm khai thác quặng thiếc hầu như không san trả hoàn thổ lại mặt bằng.

Chưa kể là xưởng chế biến đá trắng, đều có hệ thống xử lý chất thải gồm ao lóng. Nhưng thực tế nhiều xưởng ao lóng quá nhỏ, doanh nghiệp xả nước thải ra cả khe suối. Đối với nhiều mỏ đá xây dựng vẫn khai thác bừa bãi, sai thiết kế mỏ, ô nhiễm bụi đá nghiêm trọng, như các mỏ đá ở lèn Chùa - Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), mỗi năm các doanh nghiệp khoán cho xã Quỳnh Xuân trên 300 triệu đồng để tưới nước quanh khu vực mỏ, nhưng xã lại thuê người tưới theo kiểu “chuồn chuồn nhấp nước” nên bụi vẫn hoàn bụi.

Nghệ An có 113 vùng mỏ lớn, 171 điểm quặng, khoáng sản giàu về trữ lượng, đứng đầu là quặng thiếc chiếm 30% tổng trữ lượng toàn quốc. Toàn tỉnh có khoảng trên 300 Giấy phép khai thác mỏ. Công tác quản lý khoáng sản và các hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại ở các khâu đánh giá trữ lượng, cấp phép, quản lý sau cấp phép, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép.

Để chấn chỉnh quản lý khai thác chế biến khoáng sản, giảm thiểu biến đổi khí hậu, các cấp ngành cần tăng cường công tác quản lý. Trước tiên là quản lý đất đai, kiểm soát mục đích sử dụng, tránh tình trạng các đối tượng khai thác thổ phỉ mua bán, chuyển nhượng, hợp thức hóa để khai thác trái phép khoáng sản. Cần thực hiện quản lý khoáng sản từ cơ sở, bởi thực tế có một số huyện, xã buông lỏng để hoạt động khai thác trái phép khoáng sản tràn lan.

Công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm của cấp chính quyền cần nghiêm túc, trên thực tế một số vẫn còn hình thức đối phó, thiếu kiên quyết, không xử lý tận gốc, dẫn đến việc tái vi phạm, tái hoạt động trở lại sau những đợt đẩy đuổi… Công tác thẩm định, cấp phép và vật liệu nổ cần quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng một lượng thuốc nổ dư thừa được bán ra ngoài cho các tổ hợp khai thác trái phép, làm gia tăng số lượng, quy mô cho hoạt động khai thác trái phép.

Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư hiệu quả, như trong quá trình khai thác chế biến tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác. Như tại địa bàn Quỳ Hợp hiện mới có khoảng trên 5 doanh nghiệp khai thác đá sử dụng dây kim cương cắt đá. Khai thác cắt tầng từ trên xuống, cắt đá bằng dây kim cương tận dụng được nguyên khối, đá không bị rạn nứt…

Một lãnh đạo Phòng cảnh sát PCTP về môi trường cho biết thêm: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành, nhất là các địa phương đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về khai thác trái phép, tranh chấp đất đai khu vực khai thác. Tăng cường công tác quản lý sau cấp phép ở một số lĩnh vực như: Thiết kế mỏ, phương án khai thác, vật liệu nổ, bảo vệ môi trường.

Kiểm tra xử lý nghiêm về mặt trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác quản lý đất đai, khu vực mỏ chưa được cấp phép, để tình trạng khai thác trái phép, khai thác không đúng thiết kế, không thực hiện cam kết môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Kiểm tra và thu hồi mỏ đối với các doanh nghiệp không trực tiếp tổ chức khai thác chia cắt mỏ thuê khoán theo kiểu “phát canh thu tô”. Khai thác khoáng sản cần phải hoàn thổ mặt bằng, đặc biệt là khai thác quặng thiếc.

Một tín hiệu mừng là tại địa bàn Quỳ Hợp, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã đầu tư kinh phí hoàn thổ, phục hồi môi trường ở khai trường bản Cô xã Châu Thành rộng 5 ha, tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. Dự án chủ yếu san gạt, lấy đất mùn nơi khác về để hoàn thổ do Viện Thổ nhưỡng thử nghiệm để bà con trồng được cây màu và lúa. Sau khi hoàn thành, Công ty Kim loại màu tiếp tục đầu tư hoàn thổ ở bản Poòng xã Châu Hồng diện tích 5 ha, trị giá 4 tỷ đồng.


Bài, ảnh: Vương Trần