Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
(Baonghean.vn) - Sáng 10/5, tại Thành phố Vinh, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Đồng chí Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp chủ trì. Cùng tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học khu vực miền Trung và Hà Nội. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Thái Văn Hằng –Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện HĐND tỉnh, một số sở, ban, ngành.
Đồng chí Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, mục tiêu sửa đổi Hiến pháp 1992 là nhằm thể chế đầy đủ và kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi bước vào giai đoạn chiến lược mới, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và hội nhập quốc tế; đồng thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc lớn trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992 và đổi mới kỹ thuật lập hiến để bảo đảm Hiến pháp đúng nghĩa là một đạo luật gốc, có tính ổn định cao và lâu dài.
Quang cảnh hội nghị.
Trên tinh thần trên, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, trong đó tập trung vào 5 vấn đề chính, đó là nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, chính phủ, chính quyền địa phương, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về cơ chế bảo hiến. Một số ý kiến cho rằng không nên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ bó hẹp trong 08 nhóm như Dự thảo; một số quy định tại các Điều 99, 100, 104 của Dự thảo cần chỉnh sửa một cách gọn gàng, hợp lý và logic hơn.
Về chính quyền địa phương, nhiều ý kiến cho rằng một số điều, khoản quy định trong Dự thảo chưa có sự đột biến nào về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương; việc quy định thành lập Hội đồng bảo hiến tại Điều 120 của Dự thảo là không thật sự cần thiết vì thực chất có sự trùng lặp với nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tư pháp…
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được tổng hợp đầy đủ và là nguồn tư liệu quý báu để phục vụ cho Bộ Tư pháp trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Mỹ Hà