Sớm xác định rõ địa giới hành chính và trách nhiệm các bên liên quan

27/06/2013 14:49

Người dân xã Tào Sơn (Anh Sơn) phản ánh, tại khu vực rừng đầu nguồn hồ khe Chung, giáp ranh giữa xã Tào Sơn và xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) lâu nay diễn ra tình trạng người dân xã Giang Sơn Tây ngang nhiên xẻ phát, đốt phá rừng, làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như phá hoại môi trường sinh thái, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài…

(Baonghean) - Người dân xã Tào Sơn (Anh Sơn) phản ánh, tại khu vực rừng đầu nguồn hồ khe Chung, giáp ranh giữa xã Tào Sơn và xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) lâu nay diễn ra tình trạng người dân xã Giang Sơn Tây ngang nhiên xẻ phát, đốt phá rừng, làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như phá hoại môi trường sinh thái, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài…

Không chỉ phá rừng…

Tìm về khu vực rừng đầu nguồn hồ Khe Chung, nằm giáp ranh với rừng của xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, chúng tôi tận mắt chứng kiến cả một khoảng rừng rộng chừng trên 3 ha tại khu vực hồ Khe Chung chỉ còn lại tro tàn. Tìm hiểu được biết, đây là hậu quả của vụ đốt rừng do ông Phạm Đình Hường, trú tại xóm Bắc Giang, xã Giang Sơn Tây gây ra vào ngày 21/5/2013.

Mở rộng tìm hiểu chúng tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên tại khu vực này xảy ra hiện tượng đốt phá rừng. Mà trước đó, vào tháng 2/2007 một số công dân xã Giang Sơn, Đô Lương (thời điểm chưa tách thành 2 xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây) đã xẻ phát, đốt rừng đầu nguồn hồ Khe Chung (ở khu vực khe Hóc Chòi) để trồng tràm, sắn trên diện tích 8,5 ha. Đến năm 2010, một số công dân xã Giang Sơn Tây tiếp tục phát, đốt ở khu vực khe Hóc Chòi và Khe Rang. Trong đó, ông Phạm Đình Hường xẻ phát ở khe Hóc Chòi khoảng 1,5 ha trên các thửa 295, 269, 256 tờ bản đồ số 1 (theo hồ sơ 163) rừng đã được giao cho các hộ dân xóm 1 (nay là thôn 2) xã Tào Sơn khoanh nuôi bảo vệ.

Tháng 12/2010 ông Trần Văn Nguyên, công dân xã Giang Sơn Tây xẻ phát tại hồ Khe Rang khoảng 1 ha trên các thửa 15, 18 tờ bản đồ số 1 (theo hồ sơ 163), rừng đã được giao cho các hộ dân xóm 4 (nay là thôn 7) xã Tào Sơn khoanh nuôi bảo vệ. Đến ngày 4/4/2011, ông Phạm Đình Hường tiếp tục xẻ phát thêm 1 ha nữa… Theo Báo cáo số 61/BC-UBND của UBND huyện Anh Sơn ngày 18/6/2013 về quá trình xảy ra sự việc xẻ phát, đốt phá rừng đầu nguồn hồ Khe Chung, xã Tào Sơn, tổng diện tích rừng bị xẻ phát, đốt phá từ trước đến nay khoảng trên 20 ha.



Diện tích rừng 3,3 ha tại hồ Khe Chung mới bị ông Phạm Đình Hường
(xã Giang Sơn Tây, Đô Lương) đốt vào ngày 21/5/2013.

Không chỉ đốt phá rừng, ông Phạm Đình Hường còn giăng bẫy bắt trâu, bò để buộc người dân xã Tào Sơn phải nộp phạt. Theo phản ánh của người dân thôn 6 và thôn 9, xã Tào Sơn thì, từ năm 2010 đến nay, ông Phạm Đình Hường đã dùng dây cáp lụa làm bẫy giăng các lối mòn xung quanh rừng tự nhiên tiếp giáp với diện tích rừng mà ông đã xẻ phát, nên khi trâu, bò đến các lối mòn này thì bị mắc bẫy và ông Hường bắt về, sau đó các chủ hộ có trâu, bò đến xin thì ông Hường “xử phạt” một cách vô tội vạ, mức thấp nhất là 700.000 đồng/con, mức cao nhất 3 triệu đồng/con.

Theo ông Hoàng Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Tào Sơn: Tính từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Hường đã thu tiền phạt của trên 20 hộ với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Chính quyền xã Tào Sơn đã nhiều lần kiểm tra, thu vật chứng, sau đó có văn bản đề nghị chính quyền xã Giang Sơn Tây, cũng như chính quyền, cơ quan các cấp vào cuộc. Thế nhưng, tình trạng này vẫn tái diễn trong thời gian dài.

Ông Hoàng Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Tào Sơn (Anh Sơn) cho biết thêm: Trước sự việc công dân xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) xẻ phát, đốt rừng đầu nguồn hồ Khe Chung, UBND xã Tào Sơn đã có các văn bản gửi các cấp có thẩm quyền và UBND xã Giang Sơn Tây để đề nghị giải quyết. Sau đó, các cấp, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo 2 huyện Anh Sơn và Đô Lương phối hợp giải quyết.

Đặc biệt, ngày 21/6/2011 UBND tỉnh có Công văn số 3443/UBND-NN gửi các sở: Nội vụ, NN&PTNT, TN&MT, UBND huyện Đô Lương, UBND huyện Anh Sơn chỉ đạo 2 xã Giang Sơn Tây, Tào Sơn giữ nguyên hiện trạng, dừng ngay các hoạt động vi phạm pháp luật để không làm phức tạp thêm tình hình, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Phạm Đình Hường, khẩn trương xác định địa giới hành chính, tổ chức đóng mốc ranh giới... Nhưng sự việc vẫn không được giải quyết, công dân xã Giang Sơn Tây (những người đã xẻ phát, đốt rừng trước đó) không những không giữ nguyên hiện trạng mà đã trồng keo, tràm, trồng sắn và tiếp tục xẻ phát, đốt rừng mở rộng diện tích tại khu vực đầu nguồn hồ Khe Chung, xã Tào Sơn. Gần đây nhất là việc ông Phạm Đình Hường tiếp tục đốt rừng vào ngày 21/5/2013.

Không ai chịu trách nhiệm?!

Sự việc trên đã quá rõ, nhưng vì sao lại kéo dài trong 6 năm đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Một trong những nguyên nhân chính là các cơ quan chưa thực sự vào cuộc, chính quyền địa phương còn đỗ lỗi cho nhau. Khi chúng tôi hỏi về sự việc trên, thì ông Đặng Đình Lục - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Anh Sơn thanh minh: Vì địa bàn xa, là đất rừng sản xuất nhưng xã Tào Sơn lại không giao cho người dân sản xuất mà chỉ giao khoanh nuôi bảo vệ. Do chỉ khoanh nuôi nên người dân cũng ít vào rừng, vì vậy khi bị xẻ phát đã không kịp thời phát hiện để ngăn chặn. Hơn nữa, đây là khu vực giáp ranh chưa cắm mốc cụ thể trên thực địa nên chính quyền địa phương cũng thiếu cơ sở để quản lý.

Còn ông Đặng Đình Luận, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn lại cho rằng: Mặc dù là địa giới hành chính của 2 xã nhưng cũng là giáp ranh của 2 huyện vì vậy cấp huyện không thể giải quyết được. Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo, giao cơ quan có thẩm quyền xác định ranh giới, cắm mốc.

Về phía huyện Đô Lương, ông Nguyễn Cảnh Quang, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây thừa nhận việc người dân xã Giang Sơn Tây xẻ phát, đốt phá rừng, việc ông Phạm Đình Hường đánh bẫy trâu, bò là có và xã đã lập biên bản, tuyên truyền ký cam kết… Ông Quang cũng đổ cho rằng: Vì hiện tại chưa xác định được địa giới hành chính nên khó khăn trong công tác quản lý. Trách nhiệm quản lý chỉ xác định khi cắm mốc địa giới hành chính.

Ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Địa giới hành chính tại khu vực này chưa rõ ràng, chưa kết luận được đất của ai. Đô Lương thì bảo vệ cho Đô Lương, Anh Sơn thì bảo vệ cho Anh Sơn đúng. Vì vậy sắp tới đoàn công tác của tỉnh sẽ phối hợp 2 huyện để cắm mốc xác định ranh giới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Công Dần - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật TN&MT (Sở TN&MT) cho biết: Chưa cắm được mốc là vì chưa thống nhất được đường địa giới hành chính. Và không chỉ riêng Tào Sơn với Giang Sơn Tây, mà các xã Lam Sơn, Ngọc Sơn của Đô Lương giáp với Tào Sơn cũng vậy. Do đó từ khi triển khai đến hoàn thành thì ít nhất cũng phải mất hơn 1 tháng mới xong.

Để chấm dứt tình trạng tranh chấp đất đai, đốt phá rừng đầu nguồn hồ Khe Chung trái phép, các cấp, ngành liên quan cần vào cuộc, làm hết trách nhiệm của mình, để giải quyết dứt điểm, nhất là sớm xác định ranh giới hành chính tại địa điểm đang tranh chấp giữa 2 xã và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, các cá nhân liên quan đến đốt phá rừng, bắt trâu, bò trái pháp luật diễn ra trong một thời gian dài tại khu vực giáp ranh này.

Theo Công văn số 721/SNV-XDCQ ngày 18/6/2013 của Sở Nội vụ về việc giải quyết các điểm tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính gửi Sở TN&MT, UBND huyện Đô Lương, UBND huyện Anh Sơn thì, Sở TN&MT sẽ giao Trung tâm Kỹ thuật TN&MT phối hợp với UBND huyện Anh Sơn, Đô Lương và các xã liên quan khảo sát lập phương án thiết kế, kỹ thuật xác định rõ tuyến địa giới hành chính giữa các xã liên quan thuộc 2 huyện; xác định rõ các điểm đặc trưng và vị trí cắm mốc địa giới hành chính tăng dày, đồng thời lập dự toán kinh phí để thực hiện. Thời gian hoàn thành trước ngày 25/6/2013.


Trao đổi với chúng tôi vào sáng 25/6/2013, ông Nguyễn Đức Thịnh-Trưởng phòng Quy hoạch - địa chính thuộc Trung tâm Kỹ thuật TN&MT (Sở TN&MT), cơ quan chuyên môn được giao thực hiện khảo sát lập phương án thiết kế - kỹ thuật xác định rõ tuyến địa giới hành chính giữa các xã liên quan thuộc 2 huyện Đô Lương và Anh Sơn, cho biết: “Hiện nay Trung tâm chỉ mới tìm hiểu tại địa bàn xã Tào Sơn và được biết đường địa giới hành chính tại đây chưa được thống nhất để báo cáo cho Sở Nội vụ. Tiếp đến sẽ đi tìm hiểu tại địa bàn Giang Sơn Tây. Ông Thịnh cũng cho rằng: Để sớm hoàn thành, UBND các cấp phải thống nhất về tuyến địa giới hành chính giữa các xã, trên cơ sở đó trung tâm mới lập phương án kỹ thuật dự toán được”.


Bài, ảnh: Đặng Nguyễn