Thời tiết diễn biến bất thường: Khó chủ động phòng tránh

29/05/2013 09:45

Mới đầu mùa hè, Nghệ An đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng hiếm thấy và cả những trận mưa đá, lốc xoáy bất thường. Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu, mà trong đó có nguyên nhân rừng ngày càng bị chặt phá nhiều, dòng chảy của hệ thống sông ngòi không còn tự nhiên như trước...

(Baonghean) - Mới đầu mùa hè, Nghệ An đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng hiếm thấy và cả những trận mưa đá, lốc xoáy bất thường. Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu, mà trong đó có nguyên nhân rừng ngày càng bị chặt phá nhiều, dòng chảy của hệ thống sông ngòi không còn tự nhiên như trước...

Tại tỉnh ta, nắng nóng xảy ra vào khoảng từ ngày 12/5, khả năng kéo dài đến hết tháng 5. Dự báo trong năm nay có khả năng xảy ra 12 - 13 đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ có thể lên tới 39 độC - 41 độC. Các đợt nắng nóng đầu mùa nhiệt độ nhiều vùng đã lên tới mức kỷ lục, ở một số huyện như Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Thành phố Vinh… có những ngày nhiệt độ đã lên tới 39 - 410C. Nắng nóng trên diện rộng kéo dài khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Thị trường điện máy, điện lạnh, áo chống nắng được dịp lên giá, bán chạy hàng. Ở Thành phố Vinh, hầu như nhà nào cũng phải sử dụng máy điều hoà. Nhu cầu điện năng tăng đột biến, quá tải...

Nắng nóng cũng khiến nhiều diện tích sản xuất ở các huyện miền núi khô hạn, thiếu nước tưới, cây cối, hoa màu kém năng suất, nguy cơ mất mùa. Mưa đá, lốc xoáy xảy ra ở một số địa phương cũng gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Tăng Văn An - Trưởng Phòng Dự báo khí tượng thuỷ văn Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung bộ, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở Nghệ An năm nay tương đối nhiều, như mưa đá tại Thị trấn Hoà Bình, (Tương Dương) ngày 30/3; lốc xoáy xảy ra ở xã Môn Sơn - (Con Cuông) ngày 20/4… Trong tháng 3, tháng 4 và đến ngày 20/5/2013, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 13 đợt tố lốc ở các huyện: Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Yên Thành và Tân Kỳ. Tố lốc đã làm: 2 người chết, 71 nhà ở bị sập đổ, hư hỏng nặng; 1.600 nhà bị tốc mái…; thiệt hại về nông lâm nghiệp, trên 4.110 ha lúa bị đổ; gần 1.098 ha ngô và rau màu các loại bị đổ gãy; 201,5 ha diện tích rừng trồng dưới 6 năm tuổi bị đổ gãy…



Khô hạn trên đồng ruộng Nghi Lộc.

Diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, không theo quy luật đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khó chủ động né tránh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tăng Văn An cho rằng: “Để dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan, chúng ta chưa đủ công nghệ thiết bị. Mặc dù đã đáp ứng được một phần yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, nhưng việc cảnh báo, dự báo hiện còn một số hạn chế, chưa có hệ thống cảnh báo, dự báo tự động. Riêng dự báo, cảnh báo về lũ quét thì chưa làm được. Để dự báo, cảnh báo được các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan như mưa đá, dông, lũ quét cần có hệ thống quan trắc đủ dày, hiện đại, thông tin liên lạc hiện đại và đảm bảo thông suốt trong mọi điều kiện. Đặc biệt phải có công nghệ dự báo, cảnh báo với đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao”.

Từ thực tiễn ngày càng cho thấy rõ biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã và đang có nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam nói chung và khu vực Bắc Trung bộ nói riêng. Ngoài nắng nóng gay gắt và dông, lốc xoáy bất thường trong mùa hè, các tháng mùa mưa lũ, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ kép, lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, trong các tháng mùa hè, xen kẽ các đợt nắng nóng là những trận mưa dông mạnh cục bộ, có thể có tố, lốc và mưa đá.


Quỳnh Lan