Trần lãi suất tiết kiệm giảm về 7%

27/06/2013 20:10


Ngân hàng Nhà nước đồng thời giảm lãi suất huy động cao nhất với USD từ 2% xuống 1,25% một năm và sẽ dỡ bỏ trần đối với tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng.

Ngoài giảm 0,5% trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng thay vì mức 7,5% hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động trên 6 tháng. Bên cạnh đó, nhà điều hành sẽ giảm trần lãi suất huy động USD với cá nhân từ 2% xuống 1,2% một năm. Lãi suất huy động cao nhất đối với tổ chức cũng giảm từ 0,5% xuống 0,25%.


Trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng trở xuống giảm về 7%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ dỡ trần lãi suất với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Thông tin này được ông Tiến công bố tại Hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm của Chính phủ với các địa phương đang diễn ra. Theo ông Tiến, lý do cho lần điều chỉnh này là khả năng kiểm soát lạm phát và dư địa sử dụng công cụ lãi suất.

"Thống đốc đang chủ trì cuộc họp với cơ quan chức năng và trong thời gian tới, hoặc ngay ngày mai, lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm từ 10% xuống 9% một năm. Còn lãi suất huy động có thể sẽ có điều chỉnh nhất định, dưới một năm là 7,5% có thể giảm về 7% và có thể không quy định trần với tiền gửi trên 6 tháng", ông nói thêm.

Song song với phát biểu nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chính thức ban hành các Thông tư khẳng định việc giảm lãi suất huy động VND, USD và dỡ bỏ trần huy động đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Trước đó, tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng hôm 17/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết dự kiến sẽ giảm thêm lãi suất huy động USD để củng cố niềm tin của người dân vào VND.


"Nhưng gần như đây là giới hạn điều chỉnh cuối cùng, vì lạm phát khoảng 7% trong khi lãi suất đã giảm về 7%. Có giảm nữa hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát lạm phát", Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói tại Hội nghị Chính phủ.

Theo ông, giảm mạnh lãi suất cho vay khiến thu nhập của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều đơn vị không còn lãi. Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu chưa thực hiện dự phòng chỉ còn 3%, trong khi đã thực hiện dự phòng chỉ 1,93%, theo Phó thống đốc.

Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động thứ 7 của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm 2012, từ mốc 14% một năm. Mặt bằng lãi suất cho vay kể từ đó tới nay cũng giảm đáng kể. Lãi suất đến nay vẫn được xem là một trong những công cụ chính được Ngân hàng Nhà nước sử dụng để kỳ vọng khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Đến 20/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 3,31%.

Cũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đúng hạn 30/6, các ngân hàng phải tất toán tài khoản và không gia hạn cho bất kỳ ngân hàng nào. Trước yêu cầu này, Phó Thống đốc cho biết đang theo dõi hàng ngày để thực hiện đúng lộ trình.


Theo VnExpress - TH