Nghêu biển

01/09/2013 14:47

(Baonghean) - Con nghêu (ngao) là loại vỏ trắng, ruột mềm, sống ở ven cửa sông, cửa biển. Đây là món ăn vừa bổ, vừa mát, được nhiều người rất thích...

Chuyện xưa kể lại, khi trời đất mới sinh ra thì bờ biển đã trải dài mút mắt, tận chân trời. Những người con của Lạc Long Quân tìm một bãi biển đẹp, phẳng sinh sống với nghề cuốc đất, trồng dưa, giống dưa được vớt lên từ những quả có màu xanh, hàng năm trôi vào bãi bờ.

Một hôm, có một nàng tiên từ hoang đảo dạo chơi trượt chân rơi xuống vực thẳm. Nàng được Cá ông đưa vào bờ, rồi bị sóng biển đánh tấp lên rẫy dưa nên được con của Lạc Long Quân cứu sống. Cảm mến nhau, nàng và chàng đã kết nghĩa tơ hồng, chung sống với nhau hạnh phúc. Ngày ngày, chàng đi trước cuốc luống, nàng đi theo sau bỏ hạt. Cuộc sống đầm ấm kéo dài không lâu thì nàng lại nhớ cuộc sống lãng du, nhớ mẹ hiền nên nài nỉ chồng cùng mình về thăm quê mẹ. Chiều ý vợ, chàng vào rừng tìm cây cổ thụ đẽo thành thuyền vượt biển. Khi thuyền đã làm xong, không tài nào đem ra biển được, chàng quyết chí đào một con rạch để đẩy thuyền ra.

Đi được chẳng bao lâu, cả hai bị cơn bão đánh, sóng biển cuốn trôi mỗi người mỗi ngả. Chàng vẫn cố bơi tìm nàng cho đến khi kiệt sức hơi tàn. Còn nàng thì cố vẫy vùng để mong được sự che chở của chàng. Cuối cùng họ bị sóng biển nhấn chìm, đưa xác vào một bãi cát trắng. Trời thương tình, hoá kiếp cho đôi uyên nương ấy thành vọp, thành nghêu cùng nhau chung sống bên bờ biển Đông. Con cháu của nàng Nghêu, chàng Vọp cứ mãi nảy nở sinh sôi bên bờ biển...

Nghêu nằm sâu trong lòng cát, đòi hỏi người đi cào nghêu phải dùng liềm, cuốc, ngâm mình dưới làn nước biển. Lúc người cào nghêu đứng thì nước ngập ngang đầu gối, lúc ngồi mò nghêu thì nước ngập ngang cổ. Tay họ mò mẫm dưới làn nước biển để bắt nghêu, lúc nào người cũng ướt sũng. Một chiếc cào, chiếc nón lá để đội trên đầu. Tiếng sóng biển rì rào, tiếng sột soạt của nghêu và cả tiếng bước chân lội sóng của người cào nghêu, thật sinh động. Ấy là mò nghêu dưới nước. Khi con nước rút, bờ cát phẳng lặng họ lại cào nghêu trên mặt cát, ai nấy cứ thế mà đi thụt lùi dần về phía sau, hết cồn này đến bãi cát khác. Đến lúc quần áo họ đã khô lúc nào cũng không hay. Không biết từ bao giờ, nghề cào nghêu đã trở thành một nghề của ngư dân quê tôi. Chỉ cần một cái sào dài gần 2 mét, tuỳ thuộc vào sức người, nếu người nhỏ, thấp thì sào ngắn hơn (khoảng hơn một mét), trên đầu sào gắn lưỡi sắt, sau lưng là chiếc xô hoặc bao bì để đựng nghêu. Nghề cào cũng gian truân, vất vả, phơi mình dưới gió, nắng và cả đêm hôm khuya khoắt. Sáng sớm, dọc bãi biển, có tới hàng trăm người lom khom, ngụp lặn theo sóng, ngập mình trên những bãi cát để tìm nghêu. Dẫu trưa hè nắng như đổ lửa, những gương mặt khắc khổ vẫn miệt mài "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" tìm nghêu, với mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.



Cào nghêu ở bãi biển Quỳnh Lưu.

“Một ngày cào nghêu được nhiều không hả chị?”. Tôi hỏi. Người phụ nữ có tên là Hoa vừa cào nghêu, vừa đáp: "Cũng tuỳ bữa cô ạ. Hôm nào may được dăm, bảy ký. Bán tại cồn cũng được vài trăm ngàn. Nghề ni vất vả lắm, trên thì nắng, dưới thì sóng, nhiều lúc sóng bắn vào mắt cay xè. Cào trên cát còn nhọc hơn, nhiều khi, cả luống dài chỉ thấy cát, chẳng được chú nghêu nào".
Nghề cào nghêu cho những đứa con làng biển sự khoẻ mạnh. Hôm nghêu luộc, canh nghêu, cháo nghêu..., trẻ em làng biển quê tôi đứa nào đứa nấy khoẻ, chắc nịch.

Nhớ lúc còn nhỏ, theo thím Tư đi cào nghêu. Tôi thức dậy sớm nhất nhà, vậy mà lác đác trên biển đã vài nhóm người khom lưng đang lọ mọ tìm nghêu, bóng liêu xiêu đổ trên cát. Nhìn thím Tư cào, tôi mới thấu hiểu được, vì sao từ bao đời nay, người dân làng biển luôn truyền câu nói cửa miệng "nghề cào nghêu là nghề đi thụt lùi". Bàn chân in dấu trên mặt cát, ra sức cào nghêu, mặc cho nắng, gió quần quật trên đầu. Cứ thế miệt mài đi hết bãi cát này đến cồn cát khác, cho đến lúc thuỷ triều lên mới rời biển trở về nhà.

Hồi đó, thím Tư một ngày cào được dăm bảy chục ký, gánh không hết, thím đem bỏ nghêu lên xe bò kéo đưa đi bán khắp các chợ: Giát, chợ Si .. mua được cả chục ký gạo. Nghêu đã góp phần cho nhiều trẻ em làng biển được cắp sách đến trường, những bữa cơm no... Tôi nhớ câu nói của thím Tư hồi đó: "Nghề này chỉ bỏ công sức, không phải mất vốn đầu tư, chịu khó chịu khổ nhưng có đồng tiền, con ạ". Thím vốn gốc Bắc theo chú tôi về làm dâu nơi miền cát sóng.

Bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề cào nghêu đã đem đến cho chúng ta những món ăn ngon từ nghêu biển. Không chỉ trong bữa cơm gia đình mà các quán ăn lớn, nhỏ, nhà hàng sang trọng. Đặc biệt, du khách về Nghệ An, về với biển Cửa Lò, không thể quên món cháo nghêu.

Bạn thử nghĩ xem, chỉ mất vài ba chục nghìn mua nghêu là đã có một nồi canh nghêu ngon. Các món ăn từ nghêu rất phong phú như: nghêu hấp lá sả, nghêu luộc, nghêu nấu canh khế chua, nghêu xào, cháo nghêu... Nghêu hấp là món ăn thông dụng vào những ngày trời mưa hay trở lạnh. Bát nước chấm có vị chua, cay, mặn, ngọt mà chấm thịt nghêu thì không thể tả hết!

Món nghêu hấp, cách chế biến khá đơn giản. Nghêu sau khi mua về, ngâm rửa sạch cho nhả hết cát. Sả, gừng đập dập thái lát cho vào nồi hấp chung với nghêu. Khi có mùi thơm của nghêu, gừng, sả toả ra là lúc nghêu vừa chín tới, lấy đũa đảo qua, nêm gia vị vừa miệng, rồi đến lúc ăn chấm với nước chấm đã pha sẵn, đã có một món nghêu hấp tuyệt ngon.

Còn cháo nghêu là món bổ dưỡng, khâu chế biến càng dễ hơn. Tách nghêu, rạch bỏ chất bẩn, rồi đem ướp với gia vị, đập hành tăm, xào nhanh trên chảo. Chọn gạo dẻo, được vo sạch, để ráo và đun sôi với nước, lửa không quá to, lúc gạo nở hết, cho nghêu vào, khuấy đều, nêm gia vị vừa ăn. Múc cháo vào bát, rắc thêm chút hạt tiêu, mùi, hành là được... Trong các bữa cơm gia đình, chỉ cần một bát canh nghêu nấu với rau vặt hay canh nghêu nấu khế là đủ. Quê tôi nhà nào cũng trồng một cây khế để nấu canh nghêu, bát canh có vị ngọt của nghêu, vị chua của khế, và cả vị cà chua đỏ, mùi thơm nhẹ của thì là, tất cả hội lại, thật hấp dẫn!


Thu Hương