Đỏ thắm lá cờ nơi bản Trường Sơn

06/05/2013 09:54

(Baonghean) - Tháng Tư, đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn bước vào mùa làm rẫy. Mùa rẫy mới vừa bắt đầu nhưng kho chứa...

(Baonghean) - Tháng Tư, đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn bước vào mùa làm rẫy. Mùa rẫy mới vừa bắt đầu nhưng kho chứa lúa của gia đình ông Lầu Chồng Chớ trên vùng đất Thăm Măn vẫn còn đầy lắm. Nhà ông Chớ neo người, cả hai vợ chồng ông đều không nói được từ nhỏ… Tôi khen ông Chớ làm được nhiều lúa. Ông Chớ nở nụ cười thật tươi rồi chỉ tay về phía bản Trường Sơn, nơi có lá cờ đỏ sao vàng nổi bật giữa núi rừng biên giới. Nhìn về phía hướng ông Chớ vừa chỉ, anh Lầu Bá Chay, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn “phiên dịch”: Bố Chớ bảo tất cả là nhờ sự giúp đỡ của các con là dân quân thường trực.

Tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Cắn thành lập vào năm 2002. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nậm Cắn, Lầu Bá Tòng tâm sự: Hiện nay, mỗi ngày một chiến sĩ dân quân thường trực được hưởng 25.000 đồng tiền ăn cùng với 600.000 đồng tiền phụ cấp mỗi tháng, số tiền đó không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, trong khi đó phần lớn anh em là lao động chính của gia đình. Vì vậy để “thường trực” “trụ vững” chúng tôi đã truyền cho nhau tinh thần vượt khó. Anh em trong tiểu đội luôn tâm niệm một điều “Mỗi ngày qua đi là thêm một lần vượt khó thành công”.



Tiểu đội dân quân Nậm Cắn (Kỳ Sơn) luyện tập chiến thuật đánh địch.

Cùng nhau vượt khó, mỗi chiến sĩ dân quân thường trực đều làm việc không ngơi tay. Ngoài việc tăng gia quanh bếp, quanh vườn, họ còn xin với xã khai hoang 10 ha đất rẫy trồng ngô, trồng lúa… Từ diện tích đất rẫy này, tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Cắn không chỉ tự túc đủ lương thực mà còn có thêm thu nhập khi đem bán, duy trì một khoản quỹ vốn nhằm giúp anh em trong tiểu đội khi lấy vợ, làm nhà, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.

Mùa làm rẫy của đồng bào Mông thường kéo dài từ tháng Tư đến tháng Sáu. Ban ngày, Tiểu đội dân quân thường trực dành thời gian để giúp đỡ các gia đình khó khăn làm rẫy. Ban đêm, họ dùng đèn pin, đuốc, đến phát, dọn rẫy cho gia đình chiến sĩ dân quân ít người. Gia đình chiến sĩ dân quân thường trực Lầu Bá Bá ở bản Trường Sơn, vợ sinh nên không có người làm rẫy. 5 đêm liên tục cả tiểu đội xúm tay vào giúp gia đình Lầu Bá Bá phát, dọn xong diện tích rẫy rộng gần 2 ha.

Ông Lầu Bá Chìa ở bản Trường Sơn kể cho tôi nhiều chuyện tốt về Tiểu đội dân quân thường trực Nậm Cắn. Rằng, ở bản Trường Sơn có Mẹ Việt Nam anh hùng Xia Xua, khi mẹ còn sống, ngày ngày, cứ đều đặn sáng, trưa, chiều, tối những chiến sĩ dân quân thường trực không quản lên xuống con dốc cao, thay phiên nhau lấy củi, lấy nước, quét dọn nhà cửa, nấu ăn, mua thuốc giúp mẹ. Rằng, đường từ trung tâm xã Nậm Cắn vào bản Hội Phốc trước đây chỉ có xuyên rừng đi bộ. Thương dân bản Hội Phốc vất vả, những chiến sĩ dân quân thường trực đã bám núi, bám rừng, làm việc cả ngày lẫn đêm để mở cho dân bản con đường mà xe máy đi lại được.

Trong câu chuyện kể của ông Chìa, tôi còn được biết, có thời điểm đồng bào Mông ở Nậm Cắn lo đến mất ăn, mất ngủ vì tình trạng con trai bản thích con gái bản rồi tìm cách cho mượn điện thoại để ràng buộc và sau đó tổ chức cướp vợ. Hay, từ nét đẹp văn hoá truyền thống “chọc lỗ” khi người con trai đi tìm hiểu bạn đời mà nhiều kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản… Tất cả những điều đó, cấp uỷ, chính quyền xã Nậm Cắn tin tưởng giao nhiệm vụ cho những chiến sĩ dân quân thường trực tìm cách xử lý. Nhận nhiệm vụ, tiểu đội đã không quản đường xa, đêm tối đến tận từng bản nắm tình hình. Họ đã cùng với lực lượng dân quân tại chỗ tạo nên mối liên kết khăng khít để tuyên truyền cho dân bản hiểu và phối hợp cùng nhau xử lý tình hình.

Bản làng bình yên, sắc cờ đỏ sao vàng nơi vùng đất bản Trường Sơn càng thêm đỏ thắm. Màu đỏ được thắp lên bởi những trái tim yêu thương từng tấc đất núi rừng quê hương của những chiến sĩ dân quân thường trực.


Bài, ảnh: Hồ Lĩnh (HT: 5NK - 129, Vinh)