Bệnh viện Nội tiết Nghệ An - Một lần tôi đến

27/02/2013 14:17

Cuối năm 2012, tôi đưa vợ đến khám ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Bệnh viện trông đơn sơ, đang cần đầu tư nhiều. Thế nhưng, đối lập với cơ sở vật chất chật chội, khó khăn, thái độ phục vụ của y, bác sỹ nơi đây đã làm vợ chồng tôi và nhiều người bệnh rất hài lòng.

(Baonghean) - Cuối năm 2012, tôi đưa vợ đến khám ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Bệnh viện trông đơn sơ, đang cần đầu tư nhiều. Thế nhưng, đối lập với cơ sở vật chất chật chội, khó khăn, thái độ phục vụ của y, bác sỹ nơi đây đã làm vợ chồng tôi và nhiều người bệnh rất hài lòng.

Đón tiếp chúng tôi ở điểm đăng ký khám bệnh, một y tá nhỏ nhẹ bảo: “Anh cầm số phiếu này chờ đến lượt bảng điện tử hiển thị thì vào làm thủ tục”. Tôi ngước nhìn lên, bảng Led trước cửa hiển thị 3 dãy số tương ứng với 3 người được đăng ký khám bệnh. Mới 8 giờ mà số thứ tự đã 312. Thế rồi, bảng điện tử cũng hiện tên số thứ tự của vợ tôi, kèm theo đó là một giọng “máy tính”: “Xin mời bệnh nhân số... đến phòng số 5 khám bệnh”. Chúng tôi đi vào, trước của phòng khám, lại một bảng điện tử nữa được gắn trên bức tường, sát cạnh là 2 chiếc loa tương đối lớn. Mọi người hướng mắt lên bảng điện tử và lắng nghe lời mời từ loa: “Xin mời bệnh nhân số… đến phòng khám số… nhận kết quả”. Nhưng, sau đó ít phút, hệ thống bảng điện tử có vấn đề, phải ngừng hoạt động để sửa chữa. Không còn bảng điện tử, thay vào đó, mỗi phòng khám có 1 y tá đứng đọc tên bệnh nhân. Đọc xong tên, không thấy bệnh nhân xuất hiện, cô liền nói giữa đám đông khoảng gần trăm người: “Ai có tên thì hô “có” giúp cháu với”. Tôi ngạc nhiên vì cách ứng xử có văn hóa của cô y tá. Thật khó có thể tìm gặp ở những nơi tiếp xúc với dân, nhất là bệnh viện.



Khám bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Ảnh: Thùy Vinh

Sau khi được phòng khám giới thiệu đến phòng siêu âm, chúng tôi đi theo bảng chỉ dẫn gắn bên tường lối ra vào. Trước cửa phòng siêu âm, 3 dãy ghế với 12 ghế dài đặt sát nhau, người bệnh đang ngồi đông đúc. Trong khi chờ đợi kết quả siêu âm của vợ, tôi ra ngoài hành lang ngồi cho thoáng. Cạnh tôi, bà Trương Thị Phú, ở Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) đang chăm sóc chồng ở khoa Hồi sức cấp cứu, tranh thủ lúc y tá phát thuốc cũng ra ngoài. Chúng tôi nói chuyện như người đã quen biết. Bà bảo: “Chồng bà được hưởng chế độ bảo hiểm hộ nghèo”. Tôi hỏi: “Làm thế nào bác làm được thủ tục”. Bà bảo: “Họ hướng dẫn cả. Đến nhập viện rồi mọi thủ tục họ dẫn mình đi”. Qua 5 ngày chăm sóc chồng tại khoa HSCC, bà Thường xúc động trước thái độ của nhân viên, y bác sĩ. Bà khẳng định: “Y bác sĩ ở đây rất tử tế, không như các bệnh viện khác. Họ luôn hỏi han, nói chuyện với người bệnh, khi có gì cần hỏi thì họ đều vui vẻ, nhẹ nhàng. Vì thế tôi không thấy có gì áp lực cả”.

Chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ dù làm việc cật lực, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn ứng xử với bệnh nhân với thái độ ân cần, nhẹ nhàng, tôi rất cảm kích. Cụ thể, bệnh viện hiện chưa có phòng xét nghiệm riêng, các phòng luôn được chia nhỏ để bố trí thành nhiều phòng: 10 phòng khám cùng làm việc trong 5 không gian phòng, dùng tấm kính ngăn cách; 2 phòng siêu âm và phòng điện tâm đồ cùng một không gian… Cảm kích trước tình cảm của những lương y, tôi lại thấy ái ngại cho nhiều bệnh nhân và người nhà. Rất nhiều bệnh nhân, trong khi chờ đợi đến lượt khám hoặc nhận kết quả đã hồn nhiên ăn bánh kẹo, hoa quả rồi vứt rác bừa bãi xuống nền nhà (mặc dù trước sảnh bệnh viện luôn có một thùng rác to), thậm chí có người còn dùng ghế dài làm chỗ ngủ, có người trải hành lý ngồi bệt giữa hành lang. Mặc dù các hành động thiếu văn hóa này liên tục được đội ngũ y bác sĩ nhắc nhở, song một số người dân vẫn chứng nào tật ấy. Mong rằng, những biểu hiện như thế nhanh chóng được mọi người khắc phục. Đó là sự đáp lại thiết thực, phù hợp với những ứng xử mà đội ngũ y bác sĩ nơi này đã dành cho bệnh nhân.


Nguyễn Mạnh Hà (Huyện uỷ Thạch Hà, Hà Tĩnh)