Rêu đá và cổ tích về một đặc sản

31/05/2013 11:07

Gần đây, người ta ngợi ca món rêu đá của người Thái vùng cao có thể giúp sống lâu. Điều này chưa hề rõ thực hư, chỉ biết loài thực vật này chỉ ưa nguồn sông suối trong lành, nước trong và chảy xiết, môi trường thanh sạch. Khi Thu về, thường là tháng 9 âm lịch, khí trời mát, cái lạnh đã về trên mặt sông. Lúa trên nương đang dần chắc hạt. Đó là lúc rêu bắt đầu mọc lên xanh rì trên lớp đá, dưới lòng sông suối.

(Baonghean) - Gần đây, người ta ngợi ca món rêu đá của người Thái vùng cao có thể giúp sống lâu. Điều này chưa hề rõ thực hư, chỉ biết loài thực vật này chỉ ưa nguồn sông suối trong lành, nước trong và chảy xiết, môi trường thanh sạch. Khi Thu về, thường là tháng 9 âm lịch, khí trời mát, cái lạnh đã về trên mặt sông. Lúa trên nương đang dần chắc hạt. Đó là lúc rêu bắt đầu mọc lên xanh rì trên lớp đá, dưới lòng sông suối.

Dân bản Thái sống dọc sông suối không ai lạ gì món rêu đá, hầu hết đều ưa thích. Cứ vào mùa rêu, các bà, các mẹ lại rủ nhau mang gùi ra sông vớt về chế biến thành món ăn. Ai cũng muốn tranh thủ vớt những ngọn rêu đầu mùa còn xanh ngon mắt. Vào mùa Thu, nước sông trong nhất trong năm, còn rêu thì xanh và sạch không có sạn. Rêu được dùng như một thứ rau, người ta mang về rửa sạch và hấp chín bằng chiếc hông đồ xôi.



* Người Thái ở thượng nguồn sông Giăng vớt rêu đá.
* Chế biến rêu đá (ảnh tư liệu).

Người Thái gọi rêu đá là món "cáy nặm", một cách ví von chơi chữ món ăn rau cỏ này cũng ngon như thịt gà. Món rêu đá thân thuộc đến nỗi có một câu chuyện cổ tích được truyền tụng trong các cộng đồng làng bản... Trong một cuộc họp các tù trưởng, khi ngồi chung mâm cơm, một vị nói với người bạn lâu năm không gặp rằng nhà mình có cô con gái đẹp nhất bản muốn gả về làm dâu nhà ông bạn thân. Vừa may, vị tù trưởng kia cũng có chàng con trai vừa đến tuổi kén vợ. Hai bên giao ước kết mối thông gia. Người tù trưởng trở về nhà cho con trai băng rừng vượt suối sang bản bên ở rể, bởi người Thái thường ở rể 3 năm mới được đón vợ về nhà.

Chàng trai về ở rể đã qua năm thứ năm, vẫn không nhìn thấy con gái chủ nhà đâu, nản lòng bèn xin về. "Bố vợ" ngăn cản, dụ dỗ thế nào cũng không xong, liền cho một chiếc hộp bằng tre bỏ vào gùi cho mang về và không quên dặn: "Dù cái gùi có nặng nề thế nào cũng cố về cho tới nhà, vào trong buồng mới được mở hộp nhé. Sẽ có bất ngờ cho con rể."

Chàng mang gùi trên lưng và cảm nhận thấy cái hộp gỗ trong gùi ngày càng trở nên nặng nề. Bụng bảo dạ: "Chắc tại ta mệt nên thấy nặng mà." Nhưng khi mặt trời đứng bóng, chàng nhận thấy trong chiếc gùi không còn là chiếc tráp mà dường như có một trái bí đao. Nhớ lời bố vợ dặn, chàng vẫn không dừng bước. Mặt trời gác núi, chàng đã nhìn thấy bản làng thân thuộc của mình ở ngọn núi phía bên kia. Lúc này chàng cảm tưởng như mình đang gùi theo một người trên lưng, liền dừng chân nghỉ. Chàng lấy làm lạ không hiểu vì sao chiếc hộp tre trở nên nặng nề đến như vậy, liền mở nắp? Thế là từ trong chiếc hộp tre, một cô gái bước ra, vụt lớn như người thường. Vẻ đẹp của cô gái khiến chàng mê mẩn. Khi đã định thần, chàng chặt cây sui tước vỏ đan võng cho vợ ngồi chờ còn mình thì trở về gọi người nhà sửa soạn đánh chiêng, trống đi rước dâu.

Trong khu rừng, có con đười ươi chuyên ăn thịt người ra suối uống nước. Nhìn thấy bóng nàng con gái in dưới làn suối, đười ươi liền lặn xuống mò tìm cả buổi vẫn không tìm được. Cô gái thì cười nắc nẻ. Nghe tiếng cười, đười ươi liền trèo lên cây nuốt chửng cô gái vào bụng, đoạn biến thành một người con gái khác ngồi vào võng.

Chàng trai đi đón vợ và biết rõ mọi chuyện, vẫn lặng thinh đón đười ươi về nhà mổ lợn, mổ trâu ăn mừng như bình thường và nghĩ kế cứu vợ. Sau 7 ngày ở miết trong nhà theo tục lệ kiêng cữ của người Thái, "cô vợ" cắp chậu xuống suối giặt áo quần. Chàng trai liền cầm theo chiếc gươm và gậy thần cho vào ống nước vo gạo đi theo xuống suối, rồi chém chết con đười ươi. Sau đó, dùng gậy thần hóa phép cho vợ sống lại. Hai vợ chồng gặp lại nhau, khôn xiết vui mừng. Chàng trai thương tình liền cầu thần linh cho đầu và xương đười ươi biến thành đá cuội dưới lòng suối, thịt biến thành nấm rừng, máu chảy xuống thành cá suối, còn tóc của đưới ươi biến thành loài rêu đá. Sau này, người vợ chết đi, chàng trai ra bờ suối than khóc, khi chết hóa thành đá suối. Thần linh thương tình liền biến tóc của đôi vợ chồng chung thủy thành loài rêu đá...

Người Thái ở bản Mon (Thạch Giám - Tương Dương), một trong những làng bản đầu nguồn sông Lam tin rằng, cặp vợ chồng biết thương yêu nhau ấy đã từ giã cõi đời vào một ngày đầu Thu để làm nên mùa rêu đá. Người bản sống gần sông suối sẽ biết mùa rêu đá trước tiên. Sáng ra, trước lúc lên nương, những phụ nữ trong bản mang gùi ra khúc sông nước xiết vớt rêu mang về rửa kỹ càng cho sạch cát, sau đó đem phơi nắng rồi mới lên nương. Trước khi đi nương đi rãy, các mẹ, các chị không quên ngâm nửa bát gạo để chiều về giã nhuyễn trộn với rêu.

Tan buổi làm rãy trở về nhà, đặt chiếc gùi xuống, những phụ nữ chuẩn bị bắt tay vào chế biến món rêu đá. Để có được món ăn với món rêu, cần sự cầu kỳ và tốn khá nhiều thì giờ. Rêu phơi từ sáng ngày chiều đã ráo nước, được cất xuống cho vào những chiếc ráo đem rửa lại lần nữa, rồi cho vào cối giã hoặc băm mịn. Gạo ngâm đã giã nhuyễn, đem trộn đều với rêu. Tiếp đến là chuẩn bị gia vị và lá dong hoặc lá chuối. Gia vị gồm mắm, muối, ớt, tỏi, sả, bột ngọt, mỡ lợn hoặc dầu ăn... Trong các gia vị, nhất thiết không thể thiếu hạt "mác khén". Theo bà con bản Mon, nếu thiếu "mác khén" thì không thành món rêu.

Gia vị được trộn đều với rêu đã giã nhỏ, sau đó gói bằng lá dong, hoặc lá chuối. Lúc này mới đến công đoạn nấu rêu. Những gói rêu đặt trong chiếc hông gỗ bắc lên chiếc chõ. Lúc này, chỉ việc đun cho đều lửa, đến khi có hơi khói màu trắng bốc lên từ chiếc hông gỗ và hương thơm rêu chín lan tỏa trong không gian là đã có món rêu đá. chiếc hông bắc xuống, những gói rêu đá đã đồ chín, được bày ra mâm, hoặc chiếc rổ. Nếu món rêu được chuẩn bị kỹ và đúng quy trình, khi mở rêu sẽ có màu xanh rất đẹp mắt.

Thường thì một gia đình 4 - 6 nhân khẩu sẽ không ăn hết được một hông đầy gói rêu. Họ đem chia cho những nhà lân cận cùng hưởng. Đó cũng là dịp tỏ bày mối thâm giao hòa hảo trong cộng đồng. Trong bữa cơm gia đình có món rêu đá thường vui nhộn hơn ngày thường. Kí ức ấu thơ của người kể chuyện này vẫn còn lưu giữ rõ nét những bữa tối có món rêu đá. Cha dường như đỡ mệt hơn sau những chuyến lên rừng trở về. Trong mắt mẹ vẫn lấp lánh niềm vui, mặc dầu đều có được bữa rêu đá, mẹ phải mất nhiều giờ đồng hồ từ khi ở rãy trở về đến khi rêu chín. Món rêu đá ăn cùng với nếp nương là một thứ ẩm thực tuổi ấu thơ với nhiều người vùng cao, giờ chỉ còn trong nỗi nhớ.

Ngày trước, khi đầu nguồn sông Lam chưa bị ngăn dòng làm thủy điện, chưa có tiếng nổ phình phịch của chiếc máy tìm vàng đào bới lòng sông thì việc hái rêu đá vẫn còn dễ dàng. Sông giờ ít nước hẳn đi, nhiều quãng người ta có thể dễ dàng lội từ bên này sang bên kia. Nước sông bẩn, lại không còn chảy xiết như xưa, nên rêu đá không sống nổi nữa. Và dần dà, người ta cũng sẽ quên mất món rêu.

Vào một buổi chiều tà nửa năm về trước, người kể chuyện bắt gặp trong thùng hàng của chị bán cá suối có cái gói túi bóng màu xanh. Cầm lên thì nhận ra đó là rêu đá. Chị cho biết, chồng chị đã vào tận sông Giăng cách nhà gần 40km để mò rêu về. Chị thử đem bán lại cho bà con trong bản và thấy người ta rất ưa thích. Vậy là món rêu đá giờ đã thành hàng hóa. Điều quan trọng là thứ phong vị ấu thơ ấy vẫn chưa mất đi. Ít nhất là nơi đầu nguồn sông Giăng (xã Môn Sơn - Con Cuông) vẫn còn rêu đá. Du khách phương xa, những ai còn lạ lẫm với món ăn này, có thể tìm về thưởng thức lúc sang Thu...


Bài, ảnh: Hữu Vi