Viêm phổi hít phải ở người già

25/04/2013 18:37

Người bị rối loạn nuốt cũng nên chú ý: nghỉ ngơi trước ăn 30 phút; ngồi khi ăn; ăn miếng nhỏ, thức ăn mềm thích hợp; không nói chuyện, xem tivi, đọc báo…

Viêm phổi do rối loạn nuốt là tình trạng phổi bị viêm nhiễm do hít phải các chất "ngoại lai" từ hầu họng xuống hoặc từ dạ dày - thực quản trào ngược vào phổi. Các chất "ngoại lai" này có thể là nước bọt, đờm dãi, các dịch tiết hầu họng, thức ăn, nước uống và dịch vị (nếu bệnh nhân bị hội chứng trào ngược).

Viêm phổi dorối loạn nuốtđược chia làm hai nhóm chính: viêm phổi với các tổn thương chủ yếu do dịch vị trào ngược hay còn được gọi là hội chứng Mendelson và viêm phổi do sặc thức ăn, dịch tiết hầu họng... thường có nhiễm khuẩn kèm theo (loại viêm phổi này hay gặp ở người già).



Sặc khi ăn uống ở người già dễ gây viêm phổi do hít phải

Nguyên nhân do đâu?

Viêm phổido rối loạn nuốt có nguyên nhân chủ yếu là do những "dị vật" nước bọt, mẩu thức ăn, đờm dãi, dịch vị trào ngược... rơi vào trong phổi. Các loại "dị vật" này sẽ gây nên các phản ứng viêm cũng như tạo tiền đề cho vi khuẩn xâm nhập phổi. Nhiễm khuẩn khi bị sặc thức ăn, nước bọt, dịch tiết hầu họng... gần như là chắc chắn do trong nước bọt, dịch hầu họng đã có một số lượng đáng kể vi khuẩn sinh sống và thức ăn, nước uống cũng không phải hoàn toàn "vô khuẩn". Thêm nữa, khi lọt vào phổi, các loại "dị vật" này sẽ làm phổi tổn thương thông qua các phản ứng viêm nhiễm và đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Cảnh giác với các triệu chứng ho, sặc

Ai dễ bị viêm phổi do rối loạn nuốt?

Người dễ bị viêm phổi do rối loạn nuốt là người đang có các nguyên nhân gây... rối loạn nuốt. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nuốt ở người già như các thương tổn thần kinh - cơ do nhồi máu não, xuất huyết não, bệnh Parkinson, xơ cứng cột bên teo cơ, đa u tủy xương, nhược cơ, sa sút trí tuệ. Sau đó là một số các nguyên nhân khác như tuyến giáp to, phì đại đốt sống cổ, túi thừa Zenker, ung thư... Các rối loạn tâm lý, bệnh mô liên kết (viêm đa cơ, loạn dưỡng cơ...), các di chứng do phẫu thuật vùng hầu - họng, xạ trị, thuốc... cũng có thể gây rối loạn nuốt ở người già. Những bệnh nhân đang được nuôi dưỡng bằng ống thông dạ dày, ống thông hỗng tràng qua đường mũi hoặc miệng, bệnh nhân đã hoặc đang có ống nội khí quản, ống mở khí quản không được chăm sóc tốt... cũng có thể dễ dàng bị viêm phổi do sặc do rối loạn nuốt và trào ngược dạ dày - thực quản.

Biểu hiện của viêm phổi do rối loạn nuốt bao gồm các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như ho nhiều. Ho, sặc xuất hiện sau khi nuốt nước bọt, trong khi đang ăn uống. Nhiều trường hợp rối loạn nuốt nặng nên bệnh nhân bị ho sặc dữ dội với các biểu hiện của suy hô hấp: tím tái, thở rít, co thắt thanh môn và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau khi một lượng các chất tiết đường hô hấp, thức ăn... vào phổi, các triệu chứng viêm sẽ xuất hiện như ho khạc đờm vàng, sốt cao, đau ngực, khó thở, làm xét nghiệm máu thấy có bạch cầu, CRP, procalcitonin tăng cao chứng tỏ có nhiễm khuẩn.

Chụp Xquang hoặc cắt lớp lồng ngực sẽ thấy hình ảnh phổi tổn thương viêm. Bên phổi hay bị viêm do rối loạn nuốt là bên phổi phải bởi phế quản gốc phổi phải to hơn, thẳng và dốc hơn bên trái nên dị vật dễ vào hơn. Các triệu chứng của viêm phổi do rối loạn nuốt cũng có thể mờ nhạt do đáp ứng miễn dịch kém ở người già hoặc cũng có thể hết sức nặng nề như viêm phổi áp-xe hóa, viêm phổi có sốc nhiễm khuẩn hoặc gây suy hô hấp nặng do tổn thương lan rộng sang hai bên phổi.

Điều trị và dự phòng

Điều trị viêm phổi do rối loạn nuốt trước hết là điều trị các viêm nhiễm ở phổi như dùng kháng sinh (nên kết hợp một kháng sinh nhóm beta lactam với một kháng sinh nhóm aminoside hoặc quinolon), cho các thuốc long đờm, chống viêm, bồi phụ đầy đủ nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt.

Tiếp theo là khắc phục tình trạng sặc do rối loạn nuốt như tìm dạng thức ăn thích hợp, ví dụ bệnh nhân khó nuốt thức ăn cứng thì chuyển chế độ thức ăn mềm hơn, bệnh nhân hay sặc chất lỏng thì chuyển chế độ ăn đặc...

Điều trị phục hồi chức năng nuốt bằng "liệu pháp nuốt" gồm ba phương pháp: hỗ trợ bù khi nuốt, luyện tập tăng cường chức năng các cơ nhai - nuốt và luyện tập khi đang trong quá trình nuốt. Liệu pháp này nhằm làm giảm khả năng sặc thức ăn vào phổi và tránh ứ đọng thức ăn trong miệng.

Phẫu thuật cắt cơ nhẫn - hầu để làm thông thoáng đường thức ăn xuống thực quản cũng có thể được áp dụng. Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, mở thông dạ dày - hỗng tràng qua nội soi được chỉ định cho một số trường hợp nặng.

Người bị rối loạn nuốt cũng nên chú ý: nghỉ ngơi trước ăn 30 phút; ngồi khi ăn; ăn miếng nhỏ, thức ăn mềm thích hợp; không nói chuyện, xem tivi, đọc báo… làm mất tập trung khi đang ăn. Tránh dùng thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định. Làm rỗng dạ dày bằng các thuốc như erythromycin, motilium... Làm vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh viêm phổi hít phải và hết sức chú ý nếu bệnh nhân đang ăn bị sặc phải biết cách cấp cứu như một hội chứng dị vật thâm nhập đường thở.


Theo Sức khỏe & Đời sống -NT