Ủy ban Kinh tế QH thẩm tra dự án luật Đầu tư công

29/08/2013 18:06

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đầu tư công.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (tháng Chín năm nay).

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 Chương, 74 Điều. Dự án Luật quy định thống nhất việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từ khâu xác định chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án; các nguyên tắc bố trí vốn; điều kiện các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch; quy trình; lập kế hoạch đầu tư; tổ chức triển khai kế hoạch; theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành.

Đồng thời, dự án luật cũng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công; chế tài xử lý vi phạm...

Các đại biểu đánh giá dự án luật Đầu tư công được soạn thảo một cách công phu, trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, xem xét mối quan hệ của dự án luật với các luật khác để "bao phủ toàn bộ" hệ thống đầu tư công, khắc phục các yếu kém, chống thất thoát, lãng phí, sử dụng đúng mục tiêu, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, các đại biểu cơ bản tán thành như Tờ trình của Chính phủ quy định toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách Nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước dự kiến sẽ quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh do Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo.

Quan tâm đến các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, các ý kiến đều cho rằng dự án luật chưa quy định rõ chế tài xử lý vi phạm. Đại biểu Lò Văn Muôn nêu một hiện trạng là hiện nay có nhiều công trình đầu tư đã xong nhưng chưa quyết toán trong khi hàng năm vẫn phê duyệt quyết toán mới. Vấn đề này cần suy nghĩ để giải quyết. Việc xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành, cá nhân được quy định như thế nào? Luật cần có quy định để thúc đẩy, kết nối các luật khác trong việc quyết toán ngân sách.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tập thể, cá nhân trong việc lập kế hoạch, phê duyệt dự án, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi gây thất thoát trong đầu tư công ngay trong luật. Đây là một trong những hạn chế của quản lý đầu tư công trong thời gian qua. Giải quyết được vấn đề này sẽ là điểm cốt yếu để thực thi luật có hiệu quả. Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị dự thảo luật cần có nội dung quy định quyền hạn, nhiệm vụ và xử lý trách nhiệm nếu xảy ra sai sót của cá nhân ngay từ khâu phê duyệt dự án mới có hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi, tránh thất thoát, lãng phí.

Liên quan đến chương trình dự án đầu tư công, đại biểu Trần Xuân Hòa nêu ý kiến: Chương trình dự án đầu tư công về mặt nội dung phải là một bộ phận của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển vùng. Về mặt hình thức là một khâu trong quy trình kế hoạch của nền kinh tế, vùng lãnh thổ được xác lập trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển vùng.

Ông Trần Xuân Hòa cho rằng để thực hiện mục tiêu của Chiến lược quy hoạch phát triển, trong phạm vi kế hoạch hóa đầu tư công nói chung, chương trình đầu tư công là bước đầu tiên cần phải lập. Trên cơ sở chương trình đầu tư công đã được phê duyệt, căn cứ vào danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện chương trình đầu tư, bước tiếp theo là lập dự án đầu tư công.

Dự án đầu tư là một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, trong đó tiến độ thực hiện dự án là một nội dung quan trọng. Vì để được phê duyệt, dự án phải đảm bảo có đủ các nguồn vốn cho việc thực hiện. Do vậy, tiến độ thực hiện dự án chỉ còn phụ thuộc vào yêu cầu về thời hạn đưa dự án vào hoạt động và khả năng thi công. Một tiến độ dự án đã được phê duyệt có nghĩa là đã tính đến mọi khía cạnh yêu cầu về thời hạn đưa dự án vào hoạt động, khả năng thi công, bảo đảm nguồn vốn và hiệu quả kinh tế-xã hội...

Buổi chiều, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ thẩm tra sơ bộ dự án Luật phá sản (sửa đổi)./.


Theo TTXVN - L.T