Trang trại chăn nuôi ở Hưng Nguyên - Nhìn "điểm" và "diện"

25/08/2013 16:07

(Baonghean) - Các mô hình trang trại ở Hưng Nguyên đang đứng trước một lựa chọn mới, là phải tăng cường tính liên kết với nhau để tạo bước chuyển biến về chất, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương trong bối cảnh khó khăn về vốn, thiếu chủ động trong sản xuất hàng hóa và nhất là bế tắc đầu ra... 70/400 trang trại tham gia chi hội trang trại huyện đều thể hiện khát vọng đổi mới trong làm ăn; và nổi lên là các trang trại chăn nuôi...

(Baonghean) - Các mô hình trang trại ở Hưng Nguyên đang đứng trước một lựa chọn mới, là phải tăng cường tính liên kết với nhau để tạo bước chuyển biến về chất, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương trong bối cảnh khó khăn về vốn, thiếu chủ động trong sản xuất hàng hóa và nhất là bế tắc đầu ra... 70/400 trang trại tham gia chi hội trang trại huyện đều thể hiện khát vọng đổi mới trong làm ăn; và nổi lên là các trang trại chăn nuôi...

Dần có những kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh và sự lên xuống của giá cả thị trường, các trang trại chăn nuôi ở Hưng Nguyên đang thể hiện sức phát triển ổn định và triển vọng. Tuy nhiên, hiện trang trại chuyên chăn nuôi vẫn chưa vượt qua con số 15, chiếm gần 4% tổng số trang trại của huyện, chủ yếu là chăn nuôi lợn, vịt, gà. Tổng vốn lưu động đầu tư cho sản xuất của trang trại chăn nuôi hàng năm bình quân là 220 - 260 triệu đồng/trang trại/năm. Thu nhập bình quân đạt 312 triệu đồng/trang trại/năm; lợi nhuận bình quân đạt khoảng 80 triệu đồng/năm/trang trại.

Chi hội trang trại huyện Hưng Nguyên (trực thuộc Hiệp hội trang trại Nghệ An) đang được cho phép tiến hành quy trình để đại hội thí điểm thành lập hiệp hội trang trại cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Hưng Nguyên vốn không phải là địa phương có tiềm năng phát triển trang trại cao, sự quan tâm cho các mô hình này cũng chỉ dừng lại ở các cơ chế chính sách chung của nhà nước; nên với việc được lựa chọn thí điểm thành lập hiệp hội trang trại ở đây trước hết căn cứ hiệu quả kinh tế các trang trại từ tâm huyết, năng lực và nhận thức thế mạnh của chính người dân – chủ trang trại.

Ông chủ trang trại có thu nhập cao bậc nhất huyện và là đương kim chi hội trưởng Chi hội trang trại Hưng Nguyên là một người hiền khô, vóc dáng nhỏ bé. Xứ Đồng Chăm là nơi có phong trào nuôi cá vụ ba hiệu quả nhất của xã Hưng Đạo, dăm năm lại nay cứ lặng lẽ một trang trại chăn nuôi lợn doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nói thế thôi, chứ bắt đầu từ năm 2006, khi ông chủ Trần Quốc Trung (sinh năm 1960), từ Thị trấn Thái Lão vô ngắm nghía, thuê 2 hécta đất của hợp tác xã ở đây, thì công cuộc cải tạo kiến thiết cơ bản là vô cùng “to công” và náo nhiệt. Kìn kìn hàng nghìn chuyến xe tải chở đất đá, cát gạch, ì ầm nhiều ngày đêm máy xúc, máy ủi hoạt động... mới có được một khu trang trại “nổi” lên giữa cánh đồng như bây giờ.

Cái lợi thế đầu tiên của ông Trung để quyết định làm trang trại là ông vốn được đào tạo trình độ trung cấp thú y, nhà lại kinh doanh dịch vụ tổng hợp ngoài thị trấn, trong đó có thức ăn gia súc; nhưng đâu chỉ có thế đã đủ? Cứ theo câu chuyện của ông, vẫn đồng ấy đất ấy và cả cái đồng vốn ban đầu ấy, người này thành tỉ phú, người kia khéo thành con nợ suốt đời, mấu chốt là ngoài cái hiểu sâu còn phải biết rộng. Vốn có thể vay; khâu kỹ thuật nuôi, chăm sóc có thể thuê; nhưng nắm bắt quy luật cung – cầu, tính toán thiệt hơn là người chủ trang trại phải đào sâu suy nghĩ.

Thực ra, khi ông “ném” vào đây hơn 2 tỷ đồng năm 2006, là ông đã gần như chi ly ra được cái mức thu lãi ròng khủng trên dưới 300 triệu đồng/năm như bây giờ. Tôi đã đi khá nhiều các trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Nguyên, Nam Đàn và Yên Thành, thấy ít ai có tư duy về quy trình chăn nuôi kín kẽ như ông Trung. Nghĩa là, ngoài rất nghiêm ngặt trong khâu chọn giống lợn hậu bị, cho sinh sản và vỗ lợn thịt hàng hóa theo quy trình khép kín, tuân thủ cao nhất các yêu cầu về phòng dịch bệnh, khẩu phần ăn...; thì theo như ông Trung cho rằng, để đạt lợi nhuận cao, cần phải giảm tối đa các chi phí trung gian đầu vào cũng như đầu ra.

Ông lấy ví dụ, một đầu con lợn hàng hóa nuôi nhỏ lẻ, phải nuôi tới năm, sáu con người: người cung cấp giống; người sản xuất và người dịch vụ thức ăn; nhà sản xuất thưốc thú y và người bán thuốc; người thu mua lợn... Nhưng ông, với quy mô mỗi năm hàng nghìn con lợn được cho sinh sản tại trang trại, xuất bán từng lứa vài, ba trăm con, thì có thể “hái tận gốc, bán tận ngọn”. Thức ăn ông mua tận nhà sản xuất, tiết kiệm được được mỗi đầu con lợn so với người mua nhỏ lẻ tới 2-3 trăm nghìn đồng; thuốc thú y mỗi đợt ông mua hàng mấy chục triệu, bằng cả một đại lý lớn, nên tiết kiệm thêm được khoản đáng kể nữa. 3 nhân công thường xuyên ở trang trại được trang bị kiến thức, tay nghề toàn diện như những chuyên gia chăn nuôi, ngoài kỹ thuật cho ăn, tiêm thú y, cho phối giống, có thể mổ đẻ khi lợn nái đẻ khó, phẫu thuật sa ruột ở lợn vỗ thịt...

Khi bán, ông Trung cũng xuất bán tận các lò mổ với số lượng lớn nên được giá; vì người mua số lượng lớn, cứ chục con lợn họ chỉ cần lãi mỗi con 50 nghìn đồng là họ đã có tổng lãi 500 nghìn đồng rồi; người nuôi nhỏ lẻ bán vài con lợn cho hàng seo, thì người hàng seo phải có lãi ít nhất 200-300 nghìn đồng/con họ mới mua; vậy là người nuôi phải chịu khấu cái giá đó, thành ra thiệt đơn thiệt kép. Tính toán ra, người nuôi lợn nhỏ lẻ, hay kể cả trang trại nuôi quy mô nhỏ, thì lãi chỉ khoảng 300 - 500 nghìn đồng con lợn, trong khi ông Trung lãi từ 700 nghìn đến cả triệu đồng một con. Tính ra, mỗi năm trang trại ông Trung thời điểm hiện giờ với 100 lợn nái và 1000 lợn thịt nuôi gối từng lứa, bán năm 3 lứa doanh thu 2 tỷ đồng, trừ hết chi phí nhân công, chi tiêu và tái đầu tư, còn lãi ròng bỏ két hơn 300 triệu đồng.

Vậy nếu như cả huyện Hưng Nguyên 15 trang trại chăn nuôi đều nuôi lợn, cho ra thị trường mỗi năm 1 vạn rưỡi con lợn thịt thì sao? Ấy là nói đến đầu ra? Ông Trung cười: 15 thì là không thể, nhưng dăm trang trại như thế thì có thể! Và cũng vì thế, cần phải sớm “cho ra” cái hiệp hội để tổ chức sản xuất hợp lý giữa các trang trại chăn nuôi với nhau và giữa các trang trại chăn nuôi với các loại hình trang trại khác, đồng thời với việc tìm giải pháp đầu ra. Hiện ông Trung đang dự kiến xây dựng một lò mổ có quy mô phù hợp tại trang trại của mình, để từ đó mở các quầy bán thịt trực tiếp ở các chợ lớn trên địa bàn, phấn đấu ngày tiêu thụ cỡ 10 con, một tháng 300 con, góp phần giải quyết đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận cho các trang trại chăn nuôi lợn trong chi hội...

Trang trại chăn nuôi có hiệu quả ở Hưng Nguyên ngoài lợn là gà, vịt như trang trại chăn nuôi gà của ông Tiến ở xã Hưng Tiến, chăn nuôi vịt của ông Dương ở xã Hưng Đạo, quy mô mỗi trang trại một vạn con, mỗi năm cho doanh thu 700 triệu - 1 tỷ đồng. Trang trại chăn nuôi vịt của ông Phan Đình Dương có diện tích 4,5 ha trên diện tích quy hoạch cánh đồng mẫu 50 triệu đồng/ha của xã Hưng Đạo. Lập trang trại từ năm 2001, ông Dương cũng đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để cải tạo vùng năn lác, hố lấy đất đóng gạch của xí nghiệp gạch ngói Hưng Nguyên trước đây, có thời điểm phải sử dụng hơn 150 nhân công làm ngày làm đêm để cải tạo gần 4 ha mặt nước nuôi vịt, cá. Thời điểm hiện tại, trang trại ông Dương bán vịt giống và trứng vịt lộn thu mỗi ngày 21 - 22 triệu đồng; cá mỗi năm ông thu hoạch 22 – 25 tấn, bán thu 400 - 500 triệu đồng, tùy giá thị trường. Sau khi trừ chi phí, lãi ròng của ông Dương cũng có khoảng 200 triệu đồng/năm.



Trang trại nuôi vịt và cá doanh thu thu hơn 1 tỷ đồng một năm ở Hưng Đạo, Hưng Nguyên.

Tuy nhiên, ông Dương cho hay, do mấy đợt dịch cúm gia cầm trong những năm qua, phải tiêu hủy cả đàn, và trang trại phải liên tục đầu tư hoàn thiện nên vốn tích lũy chưa là bao, vẫn phải nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng. Nhưng cái lo nhất là nhân công, vì nghề nuôi vịt giống, ấp trứng này với quy mô lớn rất cần người. Ông Dương cho hay, thời điểm 2001 thuê nhân công tháng 700 nghìn đồng mà người tìm việc, bây giờ thuê trả lương 5 triệu đồng/tháng nuôi ăn mà khó kiếm. Vợ chồng phải gánh vác công việc rất vất vả, nhưng không thể giảm đàn vì với quy mô trang trại như thế này không thể bỏ phí khi đang ở thời kỳ ổn định về dịch bệnh và giá cả thị trường. Theo ông Dương, các trang trại như ông cũng rất kỳ vọng vào hiệu quả của hiệp hội nếu như được thành lập sắp tới, để hỗ trợ các thành viên trong vay vốn, tìm kiếm lao động cũng như thông tin và giải pháp thị trường...

Tìm hiểu về vấn đề vốn vay được biết, các hộ vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua được tiếp cận vốn qua 2 ngân hàng đóng trên địa bàn là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó mức cho vay trung bình của ngân hàng đối với trang trại là 60 triệu đồng cùng với áp dụng một số chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vay vốn để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản... theo chu kỳ sản xuất kinh doanh có thể từ ngắn hạn (dưới 12 tháng), trung hạn (12-60 tháng) và dài hạn (trên 60 tháng).

Ngân hàng Chính sách xã hội, lượng tiền các trang trại được vay chủ yếu thông qua nguồn giải quyết việc làm, thời hạn là 12- 60 tháng. Như vậy, bên cạnh nhiều trang trại chăn nuôi (chưa cấp phép) đạt hiệu quả sản xuất thấp, đang có xu hướng giảm dần quy mô và một số trang trại từng bước chuyển sang sản xuất kinh doanh tổng hợp, thì hiện các trang trại đang duy trì chuyên ngành chăn nuôi và tham gia tổ chức chi hội trang trại đang cần có một giải pháp về vốn mới bằng sự phối hợp của chính quyền địa phương và các ngân hàng trên địa bàn.

Hiện Hưng Nguyên đang phấn đấu đến năm 2015 kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đạt giá trị sản phẩm và dịch vụ kinh tế trang trại chiếm 15 - 18% tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ ngành nông nghiệp; giải quyết việc làm cho 3.000 - 3.500 lao động. Trên cơ sở quy hoạch đảm bảo quy mô và cơ cấu từng loại hình trang trại một cách hợp lý, nhằm phát huy được lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên từng vùng, từng địa phương để củng cố, xây dựng các loại hình trang trại, trong đó đều lấy chăn nuôi làm chủ lực.

Giải quyết vấn đề đầu tiên về vốn, huyện chú trọng tạo cơ chế cho các chủ trang trại vay theo dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lãi suất vay vốn ưu đãi, thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại cây trồng, vật nuôi. Các chủ trang trại được dùng tài sản hình thành từ các vốn vay để đảm bảo tiền vay, tháo gỡ khó khăn về vốn cho phát triển trang trại. Thời hạn vốn vay tối thiểu bằng thời gian mà cây con đã thu hoạch sản phẩm. Vay theo hình thức này, sẽ giúp cho các chủ trạng trại yên tâm sản xuất kinh doanh, đồng thời ràng buộc các chủ trang trại tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến trên địa bàn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Hy vọng, tiến trình đại hội thành lập Hiệp hội trang trại huyện Hưng Nguyên sớm thực hiện, để cùng với các chính hỗ trợ của nhà nước, các trang trại trên địa bàn huyện nhất là các trang trại chăn nuôi có điều kiện tập trung liên doanh, liên kết, trao đổi kinh nghiệm để tìm giải pháp mới hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, lấy đó làm hướng chủ lực trong mục tiêu sản xuất hàng hóa vùng ven đô thị Vinh.


Đình Sâm