Ký ức người lính già...

07/05/2013 16:02

Đến Bảo tàng Quân khu IV, tôi được Thiếu tá Ngô Thị Nga cho xem những kỷ vật chiến tranh vừa mới được đưa về. Đó là một chiếc áo trấn thủ, 1 áo đại cán, 1 bi đông và 1 Huân chương Chiến sĩ hạng Ba của ông Trần Văn Trọng (SN 1933, khối 3, phường Đội Cung, TP. Vinh). Để rồi, đằng sau vải áo sờn màu, chiếc bi đông móp méo đang nằm im kia, tôi cảm nhận một cuộc đời người lính, vừa gian khổ lại hào hùng chiến công…

(Baonghean) - Đến Bảo tàng Quân khu IV, tôi được Thiếu tá Ngô Thị Nga cho xem những kỷ vật chiến tranh vừa mới được đưa về. Đó là một chiếc áo trấn thủ, 1 áo đại cán, 1 bi đông và 1 Huân chương Chiến sĩ hạng Ba của ông Trần Văn Trọng (SN 1933, khối 3, phường Đội Cung, TP. Vinh). Để rồi, đằng sau vải áo sờn màu, chiếc bi đông móp méo đang nằm im kia, tôi cảm nhận một cuộc đời người lính, vừa gian khổ lại hào hùng chiến công…

Dọc đường hành quân


Chủ nhân những kỷ vật vừa được đưa về Bảo tàng Quân khu IV, ấy là một con người đã tóc bạc, da mồi, nhưng vẫn còn minh mẫn, và khỏe mạnh. Tiếp chúng tôi, ông Trần Văn Trọng kể câu chuyện tham gia kháng chiến chống Pháp bắt đầu từ “ngày ở Huế” làm liên lạc cho Vệ quốc quân. Ông Trọng quê ở Hương Phong, Hương Hòa, Thừa Thiên Huế. Từ ngày còn rất nhỏ đã phải đi ở cho địa chủ, một mình chăn đàn trâu gần 30 con, từ lúc tờ mờ sáng cho tới khi tối mịt. Một ngày, chú bé nghèo ấy gặp được anh vệ quốc quân, được anh kể chuyện chiến đấu và “nhờ” làm liên lạc, chú đã dũng cảm bỏ luôn cả một đàn trâu trong rừng rồi cứ thế đi theo các anh làm cách mạng. Đó là năm 1948, Trần Văn Trọng chưa đầy 15 tuổi.

“Hồi đó cứ rứa là đi. Mình chưa đủ tuổi, nên chưa được làm quân nhân. Đi từ năm 1948, nhưng mãi đến 10/10/1949 mới được công nhận là quân nhân, được phát quân trang, quân dụng. Còn trong một năm trời đó, toàn ăn cơm ké bộ đội, đi làm liên lạc, theo các anh đi bộ đội thôi” – Ông Trọng nói.



Ông Trần Văn Trọng

Thời kỳ đó, trên Bình – Trị - Thiên có 3 trung đoàn, Trung đoàn 101 ở Thừa Thiên Huế, trung đoàn 95 ở Quảng Trị, Trung đoàn 18 ở Quảng Bình, sau này hợp thành Sư đoàn 325 thuộc Quân khu 4. Trần Văn Trọng chiến đấu ở Trung đoàn 101. Tham gia đánh giặc vào những năm tháng cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào thời kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất, chiến sĩ trẻ Trần Văn Trọng đã trải qua hàng chục trận đánh: trận Thanh Lâm Bồ, Thanh Thương, Dương Hòa, An Gia, Bố Trạch… “Trận Thanh Lâm Bồ chúng tôi bắt được 1 thằng quan hai, tức là trung úy Pháp. Sau chiến công đó tôi được thưởng huân chương luôn, cái huân chương mà tôi mới mang tặng bảo tàng vừa rồi đấy”.

Ông Trọng kể tiếp, năm 1953, đơn vị đi chiến dịch Trung – Hạ Lào để phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Làm muối rang ăn dọc đường, thịt trong ống nứa, trên vai là súng đạn, mỗi người 4 – 5kg hành quân. “Nhớ nhất là lần đi qua Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), qua đường 12, có cái đèo gọi là đèo Phu Ác, tôi nhớ đến tận bây giờ. Cái đèo này, đi từ trên đỉnh đèo lúc 12 giờ trưa, thì đến 12 giờ đêm mới xuống được tới chân đèo. Vừa mới xuống đến nơi đã nhận được ở trên điện xuống tin có 2 tiểu đoàn lính lê dương Triều Tiên về đóng cách chúng tôi 4 – 5km. Vậy là không kịp nghỉ ngơi, anh em chiến sĩ hành quân 4 km đánh giặc luôn, không chuẩn bị, không có công sự gì hết, gọi là bôn tập đấy. Đánh trận chiến thắng, chúng tôi lấy được 4 khẩu đại bác 75 ly, và bắt được hàng trăm tù binh. Sau này, tháo rời 2 khẩu đại bác chuyển sang chiến trường Điện Biên Phủ”.

Đánh độ 5 ngày thì có lệnh trung đoàn lên giải phóng xã Tà Khẹt thuộc Khăm Muộn (Lào). Vừa đi vừa chạy, cả đêm. Thời tiết khắc nghiệt lắm, ngày nắng, đêm lạnh, vào được đến Tà Khẹt thì địch đã rút lui. Bộ Tổng tư lệnh có lệnh cho Trung đoàn 101 tiếp tục hành quân về phía Trung – Hạ Lào. Cứ liên tục như thế, khi tham gia trực tiếp chiến đấu, khi phân tán từng tiểu đội nhỏ đi xây dựng cơ sở, đi bầu chính quyền cho nước bạn.

Tháng 4 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ vào thời điểm ác liệt, Trung đoàn 101 có lệnh rút quân về, kèm theo nhiệm vụ dẫn 2 tiểu đoàn giải phóng của Lào về Phong Xa Lỳ và Sầm Nưa đi theo. Đến Hương Khê, Hà Tĩnh giao cho chính quyền nước bạn Lào. Lúc ấy, Điện Biên Phủ đã thắng lớn, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đơn vị của ông được lệnh về đóng quân ở Đồng Hới. Đơn vị đông người, không thể ở mãi trong nhà dân, nên các chiến sĩ vào rừng đốn gỗ về làm nhà. Lúc ấy, anh em bảo nhau, chỉ có 2 năm nên chặt gỗ nhỏ thôi, đừng chặt cây to quá. Vì sau 2 năm hiệp thương tổng tuyển cử nước nhà, bỏ đi thì phí lắm. Không ai ngờ được cuộc kháng chiến của dân tộc còn trường kỳ và kéo dài thêm 20 năm sau nữa.

Về phần mình, anh lính trẻ Trần Văn Trọng được cử đi học văn hóa, rồi sau này được cử sang Trung Quốc đi học phi công, trở thành một chiến sĩ kiên cường, anh dũng của Không quân Việt Nam thời bấy giờ.



Những kỷ vật chiến trường tặng Bảo tàng Quân Khu IV

3 lần được gặp Bác Hồ

Những kỷ niệm đáng quý nhất đối với cựu binh Trần Văn Trọng là 3 lần được gặp Bác Hồ. Dù mỗi lần chỉ là những phút giây ngắn ngủi, chỉ đủ nghe Bác dặn đôi ba câu, để nhìn ngắm vị Cha già dân tộc bằng xương bằng thịt trước mắt mình, thì đó cũng là điều “mà không phải ai cũng may mắn có được”. Lần đầu tiên được gặp Bác là vào năm 1955, ông Trọng được cử đi học văn hóa ở Hà Nội. Học 3 tháng thì có đợt tổng duyệt để đón Trung ương Đảng và Bác Hồ từ Việt Bắc trở về thủ đô. Hôm đó, anh em đang tập duyệt ở Sân bay Bạch Mai. Mặc quần áo xong xuôi thì có lệnh tất cả dừng lại để gặp cấp trên về thăm. “Chúng tôi chỉ biết là cấp trên, chứ không biết đó là ai. Đúng 4 giờ chiều, thì bỗng nghe ầm ầm từ phía sau, rồi ai nấy đều hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm”! Lúc đó, chẳng còn đội hình chi nữa, mọi người chạy ùa ra đón Bác. Bác mới nói, các cháu tập hợp về đội hình như cũ đi. Ngày mai, duyệt binh, là ngày hết sức quan trọng, các cháu phải thể hiện mình là quân đội chiến thắng, sẽ có rất nhiều đồng bào, nhiều quan khách quốc tế người ta xem. Bây giờ, cháu nào đi bên phải thì bước lên trước, ngày mai, khi qua lễ đài, các cháu sẽ nhìn thẳng, nên không được nhìn thấy Bác đâu, vì thế hôm nay các cháu bước lên trước để nhìn Bác cho rõ. Gặp Bác chỉ được 10 phút thôi, Bác bắt nhịp bài hát kết đoàn cho tất cả chiến sĩ rồi lại vội vàng đi. Ngắn ngủi thế thôi mà hình ảnh Bác, sự quan tâm của Bác đến từng điều nhỏ như thế, làm tôi nhớ suốt cuộc đời không thể nào quên được” – Ông Trọng kể.

Hai năm sau, Trần Văn Trọng đã học hành chăm chỉ cả ngày lẫn đêm, được tuyển chọn là 120 học viên đi Trung Quốc học phi công. Trước ngày lên đường đi học, 120 chiến sĩ ưu tú được thông báo có cấp trên về thăm. Cũng như lần trước, chưa được biết cụ thể cấp trên nào sẽ đến thăm mình. Tập trung tại nhà số 3 đường Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, khoảng 6h kém 15 phút, đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đến và nói “các đồng chí chuẩn bị”. Sau đó, đúng 6h, mọi người ai ngay ngắn xếp hàng nhìn ra phía cổng, và thấy một dáng người cao gầy, giản dị đang tiến vào. “Chúng tôi nhận ra đó là Bác. Gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, Bác nói những lời hết sức giản dị, nhưng chân thành, sâu sắc. Bác dặn dò các cháu cố gắng học tập thật tốt. Nhiệm vụ các cháu đi học nước ngoài là vô cùng quan trọng, để phục vụ cho cuộc kháng chiến còn lâu dài. Sau này, khi người lính trẻ đã dạn dày trong chiến đấu, càng thêm một lần trân trọng những phút giây đó, càng nhắc nhớ những lời Bác dặn dò.

Lần thứ 3 gặp Bác, là khi những người lính được cử đi học năm nào đã trở về và trở thành những phi công thực thụ. Năm 1964, khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ, gây chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, thì những người lính không quân như ông Trọng, đã thực sự chiến đấu một cách anh dũng, quả cảm và quyết tử. Chiến trường nào cũng ác liệt, cũng quan trọng, chiến trường trên không cũng thế, khi những chiếc máy bay của mình không thể nào đọ với sự hiện đại của không quân Mỹ, nhưng chúng ta đã bằng lòng yêu nước, mưu trí, quyết tâm đánh giặc mà chiến đấu hết mình. Trong năm đó, khi đang trực tại Sân bay Nội Bài, Trần Văn Trọng được gặp Bác, cùng với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, là các bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu…

Năm 1985, sau khi đã trọn vẹn nghĩa vụ với Tổ quốc, Trần Văn Trọng nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá, quyết định gắn bó cuộc đời còn lại của mình ở mảnh đất xứ Nghệ. Đây là quê hương của vợ ông - bà Đặng Thị Hương Nhân (SN 1933). Hai người gặp nhau trong chiến đấu, nên duyên vợ chồng. Bà cũng là văn công phục vụ các chiến sĩ ở các chiến trường khác. Khi hòa bình, may mắn còn về được với nhau, nhưng người đồng đội - anh trai kết nghĩa của ông Trọng, cũng là chồng của chị gái bà Nhân thì đã mất. Vì cái tình, cái nghĩa ở lại chăm sóc chị của vợ, và hương khói cho anh kết nghĩa, nên ông không về Huế nữa. Gần 30 năm trôi qua, ông tích cực tham gia vào Hội Cựu chiến binh và công tác Đảng ủy, đoàn thể khác của khối, phường, sống giản dị và nuôi dạy con cái thành đạt.

Đồng đội ở đoàn Không quân năm nào 120 người đã ra đi hơn 80 người. Số người còn lại nay đều ở tuổi xưa nay hiếm . Những ký ức chiến tranh nằm lại ở những bức ảnh đen trắng, bộ quân phục, ở những huy chương chiến sĩ thi đua, chiến sĩ giải phóng, chiến sĩ vẻ vang. Ông đem tặng một số kỷ vật cho Bảo tàng Quân khu IV, còn lại ông giữ làm kỷ niệm cho riêng mình, cũng là để gói ghém những năm tháng chiến tranh đã qua mà sống cuộc sống hòa bình cho xứng đáng với đồng đội đã ngã xuống.


Bài, ảnh: Hồ Lài