Quỳ Châu: Bảo tồn văn hóa truyền thống

08/03/2013 16:08

Những năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ở Quỳ Châu được triển khai và thu được nhiều thành quả. Với người dân Quỳ Châu hiện nay, việc gìn giữ nếp văn hóa xưa luôn gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

(Baonghean) - Những năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ở Quỳ Châu được triển khai và thu được nhiều thành quả. Với người dân Quỳ Châu hiện nay, việc gìn giữ nếp văn hóa xưa luôn gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hội Hang Bua đã qua rồi, nhưng những ngày này ở bản Hoa Tiến 2 (xã Châu Tiến) không khí tươi mới, rộn ràng tiếng hát, tiếng chiêng vẫn còn vang vọng. Những ngày lễ, mùa vui như vừa bắt đầu, sáng sáng người dân “lên đường” làm công việc đồng áng, tối đến 12 cụm liên gia vẫn họp bàn chuyện là làm đường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập văn nghệ, giữ gìn truyền thống văn hóa Thái... Cũng giống như 162 ngôi nhà sàn trong bản, nhà ông Sẩm Văn Duẩn, Trưởng bản mà chúng tôi tìm đến là một ngôi nhà sàn cổ, kiên cố và rất rộng, có cột nhà to, chắc và chôn sâu xuống đất. Vui vẻ mời nước, ông Duẩn cho biết: Những ngôi nhà như thế này là nét đặc trưng của Hoa Tiến mà không phải bản người Thái nào cũng lưu giữ trọn vẹn được. Và không phải ngẫu nhiên mà Hoa Tiến được công nhận là làng văn hóa từ những thập niên 90 thế kỷ trước…

Bản lên đèn khi cơm tối vừa xong, nhà ông Duẩn trở thành nơi tập luyện của đội văn nghệ bản. Gái, trai, già, trẻ đến tham gia rất đông, đội văn nghệ tập bài múa “Hội ngày mùa”, còn nghệ nhân Sầm Thị Xuân thì ôn lại bài hát nhuôn “Hắp Lai Hún Chướng” – anh hùng ca mà dự kiến sẽ biểu diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Chưa khoác lên mình bộ váy, áo truyền thống nhưng đội hình múa những cô gái của bản Tàu, bản Chạng, bản San xưa đã đồng đều, nhịp nhàng và đẹp lắm rồi.



Đội văn nghệ bản Hoa Tiến 1 tham gia Hội diễn làng, bản, khối văn hóa 2012

Theo ông Sầm Văn Duẩn, không chỉ là lời ca, điệu múa mà tất cả những nét văn hóa mang tính bản sắc đều được bà con nhân dân Hoa Tiến giữ gìn, từ ngôn ngữ cho đến nghề thổ cẩm… Bảo tồn các giá trị văn hóa còn có sự tham gia tích cực của các đoàn thể như mặt trận, chi hội người cao tuổi, chi hội phụ nữ. Để dạy chữ Thái cho lớp người sau, các cụ ở Hoa Tiến 2 đã tổ chức những lớp riêng biệt. Cứ 40 người 1 lớp, khi đã đọc thông, viết thạo lại tổ chức dạy cho lớp khác. Đối với trẻ em thì tổ chức vào dịp hè. Bản yêu cầu mỗi gia đình, mỗi người dân phát huy tinh thần người già bày cho người trung tuổi, người trung tuổi dạy cho các con. Đến nay, ở Hoa Tiến 2, chữ Thái, nghề thổ cẩm ai cũng biết, cũng hay.

Do hội trường – trung tâm sinh hoạt cộng đồng của bản Hoa Tiến 2 đang cho trường mầm non mượn, tối nay nhà ông Duẩn trở thành địa điểm họp của cán bộ bản, họp bàn về: Phát huy danh hiệu làng văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, việc vệ sinh sạch sẽ phong quang đường làng, ngõ xóm. Năm nay bản quyết tâm hoàn thành mở rộng 1.780m đường bê tông lên 2,5m, vận động dân bản cho nắn đường theo quy hoạch…

Tương tự như bản Hoa Tiến 2, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở bản Hoa Tiến 1 cũng được thực hiện tốt. Trước đây, Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2 vốn là một bản, chỉ khi số hộ số khẩu tăng thêm mới tách làm hai. Nhắc đến nét văn hóa Hoa Tiến 1, người Quỳ Châu vẫn thường nói đến ông Sầm Văn Dần – kho tàng âm nhạc sống của người Thái, bà Sầm Thị Bích – Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm. Ở Hoa Tiến 1, phong trào văn hóa, văn nghệ vẫn thường diễn ra rất sôi nổi, sinh hoạt các câu lạc bộ xuối, nhuôn duy trì đều đặn. Anh Sầm Văn Năm, Trưởng bản cho biết: 7 cụm dân cư gồm 178 hộ của bản vẫn thường thi văn nghệ, thể thao với nhau; mỗi cụm đều có một đội riêng, chính từ những câu hát giao duyên và trận thi đấu thể thao đã cố kết tình làng, nghĩa xóm, động viên tinh thần nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng đời sống mới.

Anh Năm cho rằng: Trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay, vai trò của già làng trưởng bản là rất lớn; chính họ đã động viên thuyết phục cháu con, mọi người tự nguyện hiến đất nhường đường, bỏ công, cát sỏi vật liệu để xây dựng đường nội bản. Mỗi gia đình xung phong đảm nhận 10m, năm 2012 bản đã bê tông hóa 2 km, năm 2013 này sẽ thi công phần đường còn lại. Đời sống nhân dân vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng nay nhờ phát triển làng nghề, thổ cẩm và có đầu ra nên bản không còn hộ đói và xuất hiện nhiều hộ khá…

Ông Vi Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho hay: Ở Quỳ Châu, không riêng gì các bản ở Châu Tiến mà còn có rất nhiều bản khác vẫn lưu giữ nguyên vẹn đầy đủ các nét văn hóa truyền thống. Với chúng tôi, việc bảo tồn các giá trị văn hóa cần gắn liền với việc xây dựng làng, bản, khối văn hóa cũng như gắn liền với các tiêu chí văn hóa của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn huyện đã xây dựng được 94/145 làng, bản, khối văn hóa. Hàng năm, căn cứ trên tình hình thực tế, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể tương ứng, thường xuyên theo sát kiểm tra, kịp thời uốn nắn, ngăn chặn các biểu hiện xuống cấp, danh hiệu kém chất lượng hay các tệ nạn xã hội phát sinh; chỉ đạo các xã, bản, làng rà soát tiêu chí cụ thể để xây dựng lộ trình thực hiện, yếu khâu nào khắc phục khâu đó.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện ở 2 xã Châu Tiến và Châu Thuận nhằm tạo điểm sáng có tác động lan tỏa. Đó là triển khai xây dựng sân vận động, thiết chế văn hóa đồng bộ, mở lớp chữ Thái Lai Tay, duy trì các đội văn nghệ, nâng cao chất lượng phong trào bằng cách đưa các tiêu chí văn hóa vào bình xét thi đua. Huyện cũng thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi làng, bản, khối văn hóa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


Bài, ảnh: Thành Chung