Nhu cầu vàng Việt Nam tăng cao trong quý II

15/08/2013 18:49

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) ước tính nhu tại Việt Nam quý II ước đạt 23,2 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn lượng vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra trong cùng thời gian.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) hôm nay công bố báo cáo đánh giá nhu cầu vàng toàn cầu quý II. Đây là một phần trong khảo sát thường kỳ của WGC, số liệu đưa ra là dự tính trên nhu cầu mua bán trên thị trường, không căn cứ vào lượng vàng nhập khẩu thực tế của mỗi nước.

Tại Việt Nam, WGC ước tính nhu cầu vàng trong quý II đạt 23,2 tấn, tương đương hơn 1 tỷ USD, tăng 24% về lượng và 9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cả vàng trang sức và đầu tư đều tăng, trái ngược hẳn với quý I, khi sức mua giảm tới 17% do các quy định kiểm soát vàng của Chính phủ và lạm phát hạ nhiệt.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực châu Á được WGC thống kê (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc), mức tăng của Việt Nam chỉ cao hơn Thái Lan. Và số liệu ước tính nhu cầu của WGC thấp xa so với lượng vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra. Trong quý II, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng gần 49 tấn cho các ngân hàng và doanh nghiệp thông qua đấu thầu.

Tính chung trong một năm qua, nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 77,4 tấn (3,9 tỷ USD), giảm 26% so với cùng kỳ. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu để đầu tư chiếm tới gần 86%.

Trên toàn cầu, nhu cầu vàng quý II đã giảm 12% xuống còn 856,3 tấn, tương đương mức giảm 23% về giá trị, xuống còn 39 tỷ USD, thấp kỷ lục trong ba năm qua. Nguyên nhân chính là các quỹ tín thác vàng bán ra ồ ạt, dù việc này đã được giảm thiểu bằng nhu cầu mua bắt đáy (chủ yếu là vàng thỏi và xu) vào tháng 4 và tháng 6. Trong thời gian này, giá vàng đã giảm hơn 400 USD mỗi ounce.

Tiếp nối xu hướng của quý trước, nhu cầu vàng trang sức cũng tăng mạnh lên 575,5 tấn, cao nhất 5 năm. Trong khi đó, nguồn cung vàng lại giảm 6%, chủ yếu do việc tái chế giảm sút.

Lạm phát thấp và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp quy mô gói kích thích, khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên là nguyên nhân các quỹ và nhiều nhà đầu tư tìm cách thoát khỏi vàng trong những tháng gần đây. Quỹ đầu tư của tỷ phú John Paulson đã giảm 53% cổ phần tại Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust trong quý II. Trong khi đó, tỷ phú George Soros lại bán hết cổ phần tại đây.

Nhu cầu vàng trang sức bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, như tăng trưởng kinh tế, cảm nhận của người tiêu dùng và thu nhập. Tuy nhiên, WGC nhận định giá vàng giảm mới là nguyên nhân tạo nên cơn sốt mua vàng trang sức trong quý, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này chiếm tới 60% nhu cầu vàng trang sức toàn cầu và 50% nhu cầu vàng đầu tư trong quý II.

Lượng mua của các ngân hàng trung ương giảm đáng kể. Dù vẫn mua ròng trong quý II, các cơ quan này lại chỉ đưa về 71 tấn trong quý, giảm mạnh so với 109 tấn quý trước và 164,5 tấn cùng kỳ năm ngoái. Lượng mua tập trung tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), lớn nhất trong nhóm nước này là Nga với 15 tấn.

Theo WGC, sự biến động của giá cả, đồng tiền các nước mới nổi yếu đi và dự trữ ngoại hối giảm tại nhiều ngân hàng trung ương là nguyên nhân cho sự sụt giảm nhu cầu này. Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng trong thời gian tới.


Theo VnExpress - TH