Nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và câu chuyện học ngoại ngữ

03/02/2013 17:23

(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (1973 - 2013), tôi cùng các đồng nghiệp tới thăm, phỏng vấn nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Mạnh Cầm tại nhà riêng ở Hà Nội. Trong khi các đồng nghiệp hỏi nhiều về câu chuyện đàm phán và việc ký kết Hiệp định, tôi không hiểu sao lại rất chú ý vào một câu chuyện được ông tình cờ nói ra. Ấy là chuyện ông đã học ngoại ngữ như thế nào?

(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (1973 - 2013), tôi cùng các đồng nghiệp tới thăm, phỏng vấn nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Mạnh Cầm tại nhà riêng ở Hà Nội. Trong khi các đồng nghiệp hỏi nhiều về câu chuyện đàm phán và việc ký kết Hiệp định, tôi không hiểu sao lại rất chú ý vào một câu chuyện được ông tình cờ nói ra. Ấy là chuyện ông đã học ngoại ngữ như thế nào?



Ông Nguyễn Mạnh Cầm trò chuyện với tác giả bài viết tại nhà riêng ở Hà Nội.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều người biết Nguyễn Mạnh Cầm là đại sứ Việt Nam cuối cùng tại Liên Xô (1991) và đều tin rằng, ông dĩ nhiên phải được đào tạo bài bản và rất giỏi và chỉ giỏi mỗi tiếng Nga. Thậm chí, có một nhà ngoại giao có tiếng của nước ta cũng nghĩ như vậy nên lần được nghe ông Cầm nói tiếng Pháp, đã ngạc nhiên thú vị mà thốt lên rằng " Thế ra ông cũng biết tiếng Pháp à?".

Nói đúng ra, ông Cầm thành thạo ít nhất 3 ngoại ngữ là tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga. Với tiếng Pháp, đơn giản là ông được học từ nhỏ ở trường Pháp duy nhất ở Vinh lúc bấy giờ là Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Thầy giáo dạy bằng tiếng Pháp nên học trò không biết tiếng chỉ có nước bỏ học. Ông đùa với chúng tôi rằng, hồi ở khu Tư tự do ấy, có thầy giáo giỏi của ta vẫn nói tiếng Pháp theo giọng... Thanh Chương đấy, còn ông thì không thể biết ông nói giọng nào, vì ông học chính thống, nói thông, viết thạo và tất nhiên không thể biết ông là... người Nghệ chính gốc.

Đến năm 1952, ông được cử đi học ở Trung Quốc học tiếng Nga hơn một năm và bước vào ngành Ngoại giao. Ông kể, ban đầu sang Liên Xô, nghe bạn nói, ông chỉ nghe được một, hai từ trong một câu mà thôi. Và ông phải tự học, tự rèn theo cách không giống ai cả. Ấy là hàng ngày, ông dậy từ 5 giờ sáng, mở đài Liên Xô để nghe và cái chính là để học. Tiếng các phát thanh viên chính là tiếng chuẩn nhất - không học ở đó thì học ở đâu, phải không nào? Cứ thế, ông nghe và học mỗi ngày từ 5 - 8 giờ sáng, tức là đến tận giờ làm việc của mọi người, ông mới dừng việc học của riêng mình.

Ông học rất nhanh, rất thấm nên chỉ một thời gian sau "có thể nghe và hiểu được cả câu nói của các phát thanh viên, nghĩa là cơ bản mọi việc bắt đầu ổn". Ngoài ra, ông còn tự mình tìm hiểu, mua vé đi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi Liên Xô, vì giá vé dành cho trẻ em luôn rất rẻ, phù hợp với túi tiền của một người như ông lúc bấy giờ. Hơn nữa, đến đó ông có thể học được cách phát âm, biểu cảm của người Nga, bắt đầu từ những đứa trẻ.

Bằng cách đó, ông bắt đầu đảm đương tốt nhiệm vụ của người phiên dịch viên tiếng Nga thời Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô là ông Nguyễn Lương Bằng.

Ông thừa nhận, khi biết một ngoại ngữ rồi thì việc học tiếp các ngoại ngữ khác là khá thuận lợi. Không xem nhẹ câu chuyện năng khiếu ngoại ngữ của từng người, nhưng ông khẳng định, chỉ có lao động, lao động cần cù, sáng tạo mới mong đạt được kết quả mong muốn. Học ngoại ngữ, không nằm ngoài quy luật đơn giản đó!

Câu chuyện của chúng tôi với ông còn dài và thú vị. Tôi thấm thía những điều ông nói, những lời, những tiếng chậm rãi được đúc kết từ chính cuộc đời hoạt động sôi nổi của một nhà ngoại giao lão thành. Đáng lưu ý hơn, đây là câu chuyện của người đang được giao một trọng trách lớn đối với nền Giáo dục - đào tạo nước nhà: ông đang là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam!


Nam Sơn (Hà Nội)