Chung tay hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ
Cùng với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO và Dự án Alive & Thrive, từ ngày mùng 1-7/8, Bộ Y tế sẽ tích cực khuyến khích, động viên các tỉnh, thành trên cả nước cùng nâng cao nhận thức về chủ đề: “Chung tay hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ”.
Nuôi con bằng sữa mẹ. (Ảnh: gdtd.vn)
Lễ kỉ niệm Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2013 sẽ tập trung vào tầm quan trọng của việc cung cấp những hỗ trợ thích hợp cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Một tiến bộ to lớn mà Việt Nam đã làm được là cho ra đời hai Bộ Luật để bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ: Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 01 tháng 5 năm 2013 và Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Theo đó, Điều 157 trong Bộ Luật lao động sửa đổi quy định lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; tại mục 4 điều 7 trong Luật Quảng cáo quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữ̃a thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình vú và vú ngậm nhân tạo.
Thành tựu này đã khiến Việt Nam trở thành một tấm gương sáng trong số các quốc gia thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để họ noi theo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ chỉ đạt 17% trong khi số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi lại chiếm tới 1/3.
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Việc thông qua Kế hoạch Hành động về Nuôi dưỡng Trẻ nhỏ cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng tỷ lệ thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu trên khắp cả nước. Hiện tại Chính phủ Việt Nam và các đối tác phi chính phủ ở các cấp cần phải thông qua và thực hiện những khuyến nghị này để đảm bảo rằng các bà mẹ và gia đình đều được hưởng lợi ích đầy đủ”.
Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ông Jesper Moller cho rằng: “Nuôi con bằng sữa mẹ cần sự chung tay của tất cả mọi người - các chuyên gia y tế, các thành viên trong gia đình, các nhà tuyển dụng/người sử dụng lao động, các nhà lập pháp, các tổ chức phát triển và mạng lưới xã hội - khuyến khích hỗ trợ các bà mẹ đảm bảo việc nuôi con hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 24 tháng. Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ là một thời điểm phù hợp để kỉ niệm những thành công mà Việt Nam đã được trong việc cung cấp dinh dưỡng và sức khỏe tối ưu cho trẻ - chúng ta cần đảm bảo mọi bà mẹ đều nhận được hỗ trợ xã hội cần thiết, cũng như đảm bảo tiếp tục tìm kiếm những cải tiến xa hơn nữa trong chế độ dinh dưỡng ban đầu”.
Trong tháng 6, tạp chí y khoa The Lancet đã xuất bản tập san thứ 2 có tên Dinh Dưỡng Mẹ và Bé – tiếp theo tập san mốc năm 2008 - đã xác định khoảng thời gian 1.000 ngày trong giai đoạn từ lúc bà mẹ mang thai đến khi con họ được 2 tuổi là khoảng thời gian quan trọng để cải thiện dinh dưỡng và cứu mạng sống cho trẻ.
Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc dự án Alive & Thrive Country cho biết “Những phát hiện năm 2013 đã khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của khoảng thời gian “cửa sổ” 1.000 ngày, cho thấy rõ ràng rằng suy dinh dưỡng trong thời gian cửa sổ 1.000 ngày này là yếu tố quyết định quan trọng của cả suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì ở trẻ và những bệnh không truyền nhiễm khi trẻ trưởng thành. Khuyến khích thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu là một trong các can thiệp được các tạp chí này nhấn mạnh”.
Đầu năm nay, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia cho chương trình Nuôi dưỡng Trẻ nhỏ giai đoạn 2012 - 2015. Kế hoạch tập trung vào việc chăm sóc trẻ trong “1.000 ngày đầu” để đảm bảo phát triển tối đa tiềm năng của trẻ; kế hoạch cũng nhấn mạnh cách tiếp cận đa ngành liên quan tới các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà hoạch định chính sách, những người sẽ tập trung vào 6 giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu và mục đích đã đề ra. Những mục tiêu này bao gồm tăng tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ sớm ngay sau đẻ, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và tỷ lệ tiếp tục cho trẻ bú tới khi trẻ được 24 tháng tuổi nhằm đạt được mục đích là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Phó Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TS. Cristobal Tunon, phát biểu “Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng dinh dưỡng tối ưu là một điều quan trọng để đảm bảo khi lớn lên trẻ sẽ học tập được nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn và đạt được chiều cao tối đa khi trẻ trưởng thành. Khi trẻ được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, nghĩa là cộng đồng và cả đất nước cũng thoát khỏi đói nghèo”.
Lãnh đạo các cấp cần thực hiện 6 giải pháp quan trọng được nhấn mạnh trong Kế hoạch Hành động về Nuôi dưỡng Trẻ nhỏ (NDTN) để đảm bảo các thực hành NDTN tối ưu cho các bà mẹ và gia đình như sau:
Xây dựng các chính sách tốt về nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Phát triển các gói chương trình can thiệp ưu tiên vấn đề NDTN phù hợp với bối cảnh địa lý của từng vùng (các tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao) và phù hợp với các nhóm trẻ dễ bị tổn thương (trẻ mồ côi, trẻ dễ bị tổn thương, trẻ nhiễm HIV, dân di cư, và các bà mẹ trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai).
Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và dinh dưỡng cho bà mẹ bao gồm tài liệu và hỗ trợ cho các nhân viên y tế và dinh dưỡng cũng như các nhóm hỗ trợ cộng đồng.
Tăng cường năng lực cho các nhân viên y tế và hệ thống dịch vụ y tế.
Phát triển cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các bộ ngành để tối đa hóa nguồn nhân lực, sẻ chia thông tin và tạo môi trường thuận lợi cho NDTN.
Huy động kinh phí cho các hoạt động NDTN từ ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh và các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến kết luận, “Tuần này và sau đó chúng ta phải kêu gọi các nhà lãnh đạo của tất cả các ngành, từ Chính phủ, xã hội, y tế, đến các thành viên trong gia đình và những người sử dụng lao động để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ sớm, hoàn toàn và liên tục”.
Theo (dangcongsan.vn) - HL