Những “ông chủ” ở Sường Lẻ

01/08/2013 16:25

(Baonghean) - Sau mấy ngày mưa liên tiếp, chúng tôi đứng trên thân đập Đồn Húng, một trong hai con đập có trữ lượng nước lớn nhất huyện Yên Thành, phóng tầm mắt về hướng thượng lưu, cơ man là dứa, sắn và keo, tràm.

Anh Trần Văn Giang - bạn học cấp 3 với tôi, cũng là đồng đội cùng đơn vị hồi trong quân đội, bây giờ là Chủ tịch UBND xã Lăng Thành đi cùng, khoe: Toàn bộ khu vực phía trên đập Đồn Húng là vùng Sường Lẻ, thuộc địa phận của xã mình quản lý. Bây giờ, cả vùng đất ấy đã có 3 ông chủ, mỗi ông chủ là một mô hình làm kinh tế giỏi. Mùa này đang chính vụ thu hoạch dứa, ngày nào thương lái cũng đánh ô tô về thu mua dứa đi tiêu thụ.

Trên đoạn đường đất nhão nhoẹt dẫn vào mấy trang trại ấy, chúng tôi đi qua điệp trùng vườn dứa. Những quả dứa to, gập sát mặt đất. Trên các lối mòn, những người nông dân ướt đẫm mồ hôi, vác từng bao tải dứa ra bãi tập kết, chuẩn bị xếp lên xe bò chở ra đường lớn nhập cho thương lái. Vị thơm sắc ngọt của dứa vừa chín tới, pha lẫn vị ngọt chua của những quả dứa quá độ chín, lan tỏa cả một vùng đồi.

Người chúng tôi gặp đầu tiên là ông Vương Mai Toan, một trong những ông chủ có tiếng là “vua dứa” ở vùng đất này từ nhiều năm nay. Ông Toan có tạng người hao hao gầy, nước da đen sạm, khuôn mặt thường trực nụ cười. Rối rít mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ, vừa đủ kê cái giường đôi, bộ bàn ghế ọp ẹp, còn dành một góc làm cái bếp củi. Căn nhà được xây dựng trên một mỏm đồi thấp, chỉ cách mép nước độ 15 mét.

Phóng tầm mắt về phía trước là mênh mông mặt nước của con đập. Còn nếu nhìn qua cửa sổ đầu hồi, những thảm dứa trải rộng qua mấy triền đồi. Rót xong chén rượu gạo mời khách, ông Toan chậm rãi kể cho tôi nghe về một phần đời của mình.

Sinh năm 1954, đi bộ đội 9 năm, đến năm 1981 xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường, ông Toan tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ ông xóm trưởng, đến phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tây Phú (hiện là xóm 11, của xã Lăng Thành). Suốt 21 năm “vác tù và hàng tổng”, ngay sau khi về nghỉ ngơi, người đảng viên trên 35 tuổi đảng này quyết định ngược vùng đồi để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2002, ông Toan mạnh dạn bỏ 4 triệu đồng để mua 5 ha đất đồi thuộc vùng Sường Lẻ của một người anh em. Lúc đó, vùng đất này chủ yếu là rừng tự nhiên cạn kiệt, rất khó hồi phục.

Đang ý định đầu tư trồng rừng, thì Nhà nước có chủ trương trồng dứa cay-en, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến dứa cô đặc Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu). Được Nhà nước hỗ trợ 100 đồng/chồi dứa và tạo điều kiện cho vay tiền ngân hàng để mua giống, làm đất, hết 60 triệu đồng, trồng được 2 ha dứa cay-en. Sau 2 năm chăm sóc, 100% gốc dứa ra quả, toàn bộ dứa sau thu hoạch, chở đi nhập cho nhà máy, thông qua cán bộ nông vụ và cán bộ xã.

Thế nhưng niềm vui ấy không được trọn vẹn, bởi cách thanh toán của nhà máy không phù hợp với người trồng dứa, nhiều người phải chấp nhận thua lỗ, trong đó có ông Toan. Từ đó, nhiều người trồng dứa trên đất Yên Thành không mặn mà với cây dứa, thay vào đó là các loại cây trồng khác.

Riêng ông Toan và những hộ ở vùng Sường Lẻ này vẫn bám trụ với cây dứa cho đến bây giờ. 2 ha dứa, 1 ha sắn cao sản, còn lại là rừng keo, phần lớn công việc ở đây ông đều thuê nhân công. “Vùng nông thôn, số lao động không có việc làm rất nhiều, mình trả tiền công sòng phẳng, nấu cơm cho người ta ăn, là cần bao nhiêu lao động cũng có” ông tâm sự. Từng ấy diện tích dứa, mỗi năm thu hoạch gần 30 tấn quả, giá bán tại chỗ cho thương lái, thời điểm đầu vụ 4 – 5 nghìn đồng/kg, đến khi chính vụ chỉ còn 2 – 3 nghìn đồng/kg. Tính ra, trung bình mỗi năm, cũng thu hoạch được trên 60 triệu đồng. Ngoài ra còn sắn, cộng với thu hoạch từ chăn nuôi gà, trâu, bò… chưa lớn lắm, nhưng đã có của ăn của để, ổn định cuộc sống.



Vợ chồng ông Vương Mai Toan thu hoạch dứa.

Tôi đang hơi ngạc nhiên về những điều của chính ông Toan vừa thổ lộ, thì ông quả quyết: Chú đi theo tôi vào đây, sẽ thấy thêm về những con người làm chủ ở vùng Sường Lẻ này. Chúng tôi bước chân men theo con đường nhầy nhụa bùn đất, vào sâu chưa đầy 500 mét là trại dứa của anh Hà Văn Hải. Hơn nửa buổi sáng, những tia nắng mới xuất hiện sau những ngày thâm u mưa, lúc này, trên mấy lô dứa kéo dài lên đến đỉnh núi, nhấp nhô nón trắng của những người phụ nữ đi thu hoạch dứa. Ngồi trong ngôi nhà xây tạm là 2 người đàn ông tuổi ngoài 45. Và 1 trong 2 người đó có anh Hà Văn Hải. Câu chuyện làm trang trại anh Hải đang kể cho chúng tôi nghe, thỉnh thoảng bị cắt ngang, bởi chuông điện thoại di động liên tục reo. Chủ yếu là điện thoại của thương lái đặt mua dứa.

Anh Hải thổ lộ: Mấy ngày mưa tầm tã, mình không thể thu hoạch được dứa, trời vừa ngớt, đám thương lái gọi điện đặt hàng liên tục. Những thương lái ở Quỳnh Lưu, hay Thành phố Vinh, họ đánh ô tô loại 1,5 – 2 tấn về mua, còn thương lái trong huyện, dùng xe gắn máy chở 2 sọt đầy cũng được trên 2 tạ dứa. Lâu nay chúng tôi trồng chủ yếu bán lẻ ra thị trường, thông qua thương lái. Đã nhận lời với người ta là phải có hàng, vợ chồng, con cái làm không xuể thì thuê nhân công. Dứa bẻ về được lựa ra thành 2 loại, loại chín và loại xanh. Thường thì thương lái ở xa họ mua dứa xanh, thương lái gần họ mua dứa chín để bán ngay ở các chợ trong huyện. Trại của gia đình anh Hải có 9 ha, trong đó anh quy hoạch trồng 4 ha dứa, 3 ha keo, còn lại là sắn cao sản. Tận dụng đất đồi rộng, gia đình còn chăn nuôi gà thả đồi. Nuôi gà cũng là thế mạnh ở vùng đất này.

Trên đồi dứa, anh chia thành nhiều lô cho dễ bề chăm sóc. Trong khoảng đất trống giữa các lô, anh còn trồng xen cây sả, mỗi năm thu hoạch 2 lứa, ít cũng được chục triệu đồng. Hỏi về thu nhập từ trồng dứa, anh Hải thổ lộ: Đúng ra, trồng dứa mỗi năm thu hoạch 1 vụ, nhưng với chúng tôi, có thể sử dụng một vài phương pháp điều chỉnh thu hoạch quanh năm. Sau khi thu hoạch xong vụ này, anh sẽ bỏ đất đèn vào đọt dứa để kích thích ra quả ngay. Và vụ thu hoạch tới, sẽ trúng vào dịp Tết Nguyên đán, tiêu thụ rất dễ, giá cả lại cao. Vì thế, trồng dứa cho thu hoạch gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

“Ông chủ” thứ 3 ở vùng Sường Lẻ lại là người đầu tiên đến vùng đất này làm trang trại, ông Võ Văn Lợi. Sau một hồi tiếp xúc, ông Lợi hồ hởi: Năm 1993, cả gia đình vào đây khoanh cả một vùng đồi để chăn nuôi bò, dê. Sau này, nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông đăng ký trồng keo nguyên liệu trên phần lớn diện tích. Khi 3 đứa con lớn lên, nhân lực dồi dào, ông quy hoạch thành nhiều vùng để trồng thêm dứa, sắn, kết hợp chăn nuôi gà, trâu, bò. Vùng đất này cách biệt với khu dân cư, phía dưới là đập nước, bên trên là đồi núi mênh mông, mình không tận dụng để nuôi gà là lãng phí. Giống gà cỏ, nuôi thả vườn, nên dễ tiêu thụ. Chỉ tính từ tháng Giêng đến nay, ông đã thu về được hơn 10 triệu đồng từ tiền bán gà thịt. Chính vì thế, thời gian này ông Lợi chú trọng đầu tư nuôi gà.

Chúng tôi tạm biệt những ông chủ ở Sường Lẻ trong không khí tất bật, nhộn nhịp nơi đây. Từng đống dứa vàng tươi vừa mới bẻ xong đã chờ sẵn bên mép đồi. Từ phía con đường lớn, đã nghe tiếng còi ô tô, xe máy vọng vào, báo hiệu thương lái đã đến. Những người đàn ông làm chủ ở đất Sường Lẻ này chuẩn bị xe bò để chở dứa ra đường lớn, nhập cho thương lái kịp phiên chợ chiều.

Bởi đoạn đường từ trại ra đến đường lớn chưa tới 1 km, nhưng do trời mưa kéo dài, lầy lội, ô tô, xe máy nặng hàng không thể ra vào được. Lâu nay, họ đã đầu tư mở đường đi lại, nhưng lũ lụt hàng năm làm xói lở nhiều nơi, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đây chính là niềm mong ước của họ, giá như địa phương quan tâm hỗ trợ để cùng với họ làm được con đường tử tế thì việc tiêu thụ nông sản sẽ thuận lợi hơn. Và còn nữa, giá như họ được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia từ hệ thống đường điện sinh hoạt của xã mình thì đỡ rắc rối bao nhiêu.

Từ trước đến nay, họ phải dùng điện sinh hoạt qua đường dây của xã khác, với giá điện cao hơn mức giá chung. Giá như được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp để đầu tư vào chăn nuôi… Tất cả những cái “giá như” đó, đều rất sát thực đối với họ, bởi từ trước đến nay những gì họ đã làm được, hoàn toàn tự lo liệu. Họ là những người thực sự góp phần làm giàu đẹp cho quê hương Lăng Thành.


Xuân Hoàng