Xót xa “muối ngọt”…
Hàng trăm diêm dân xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bỗng chốc phải bỏ nghề làm muối đã gắn bó suốt cả cuộc đời vì ruộng muối bị ngọt hóa. Không làm muối, diêm dân phải tìm mọi cách để mưu sinh, mong muốn lớn nhất của họ lúc này là cánh đồng muối được chuyển đổi mục đích sử dụng để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
(Baonghean) - Hàng trăm diêm dân xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bỗng chốc phải bỏ nghề làm muối đã gắn bó suốt cả cuộc đời vì ruộng muối bị ngọt hóa. Không làm muối, diêm dân phải tìm mọi cách để mưu sinh, mong muốn lớn nhất của họ lúc này là cánh đồng muối được chuyển đổi mục đích sử dụng để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đầu tháng 6, nắng hạ gay gắt, diêm dân nhiều địa phương bước vào mùa sản xuất cao điểm trong năm. Nhưng với diêm dân của Hợp tác xã diêm nghiệp Hải Thượng, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, đây là mùa thứ 3 họ phải xa nghề làm muối truyền thống. Chia tay nghề chính, 335 hộ diêm dân sống trên 3 xóm Trung Yên, Hồng Yên và Trường Tiến đang phải loay hoay tìm lời giải cho bài toán mưu sinh hàng ngày khi hơn 30ha ruộng muối (bình quân mỗi hộ 1.000m2 ruộng muối) của HTX phải bỏ hoang suốt 3 năm qua. Dẫn tôi đi thăm cánh đồng muối, ông Nguyễn Xuân Tỵ - Chủ nhiệm HTX không khỏi xót xa, tiếc nuối khi nhớ lại thời kì nghề muối mặn còn chưa lắm đắng cay như hôm nay. HTX được thành lập vào năm 1967; trong thời kì chiến tranh và bao cấp, toàn bộ muối do xã viên HTX làm ra đều nhập cho Nhà nước phân phối. Lúc đó, bà con diêm dân rất yên tâm, phấn khởi theo nghề bám nghiệp. Đến năm 1989, bước sang cơ chế thị trường, diêm dân trong HTX làm muối theo cơ chế tự sản, tự tiêu cho đến những năm 2010, 2011 thì nghỉ hẳn chỉ vì lý do muối bị ngọt hóa, năng suất quá thấp.
Đồng muối ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) bị bỏ hoang
Trước mắt tôi là 31 ha ruộng muối của diêm dân bị bỏ hoang. Kho chứa muối nằm trơ trọi bên cạnh những ruộng muối cỏ đã mọc um tùm, phủ màu xanh rì. Thay vì hình ảnh của những diêm dân chăm chỉ đang căng sức lao động vào vụ sản xuất trải dài từ tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch) thì giờ đây ruộng muối trở thành nơi lý tưởng cho những chú bé chăn trâu bò hồn nhiên thả diều. Hỏi nguyên nhân đồng muối bỏ hoang, ông Tỵ tặc lưỡi: Mấy năm lại đây, nước dẫn vào cánh đồng bị ngọt hóa và ô nhiễm do ảnh hưởng của sông Bùng. Do đó, năng suất muối thấp hơn trước rất nhiều, cộng thêm giá cả thị trường hết sức bấp bênh, không thể đảm bảo được cuộc sống.
Cuối năm 2011, toàn bộ xã viên phải ngừng sản xuất muối, cuộc sống diêm dân vốn khó khăn nay lại chất chồng khó khăn. Theo hướng dẫn của ông Tỵ, tôi tìm đến nhà ông Vũ Lê Thọ - xóm trưởng xóm Hồng Yên - một diêm dân kì cựu có thâm niêm làm muối từ năm 1986 cho đến khi bất khả kháng phải nghỉ hẳn từ năm 2011. Ông Thọ cho biết: “Trước đây, cả xóm Hồng Yên có gần 70 hộ theo nghề làm muối, tuy có nhọc nhằn, vất vả nhưng bà con đều yên tâm vì đã có chỗ dựa chăm lo cho cuộc sống. Khi ngừng làm muối, đa số các hộ phải xoay sở làm đủ nghề, từ tráng bánh đa, bánh mướt, thợ nề để mưu sinh”.
Kho chứa muối nằm trơ trọi bên ruộng muối để hoang.
Đối với gia đình ông Thọ, từ khi nghỉ làm muối, sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề tráng bánh đa. Thu nhập từ tráng bánh ổn định hơn làm muối, nhưng gần cả đời gắn bó với nghiệp diêm dân, “máu nghề” đã ăn sâu vào tâm thức, suy nghĩ, nên trong lúc trao đổi, tôi vẫn cảm nhận rõ tâm trạng tiếc nuối toát ra qua lời nói, cử chỉ của ông. “Làm muối từng là nghề chính của tất cả chúng tôi. Trước kia cuộc sống trông vào đó cả, nghề làm bánh chỉ là nghề phụ. Nhưng giờ, cả gia đình mưu sinh dựa vào nghề phụ này đây”, ông Thọ chép miệng rồi giúp vợ phơi mẻ bánh đa ra khoảng sân đầy nắng trước nhà. Đôi bàn tay mặn mòi vị muối, vẫn rắn chắc và nhanh nhẹn lắm!
Nỗi niềm của diêm dân Diễn Ngọc cũng là trăn trở của các cấp quản lý, chính quyền địa phương. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Tỵ kiến nghị: Mong các cấp, các ngành liên quan sớm có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích đồng muối. Để vừa không lãng phí đất, nhân dân lại có được thêm khoản kinh phí đền bù đất để chuyển đổi sang nghề nghiệp mới”. Còn ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Ngọc cho biết: “Chúng tôi đã làm tờ trình gửi lên huyện đề nghị chuyển đổi diện tích này sang các mục đích khác và đang chờ hướng chỉ đạo giải quyết. Cũng đã có những nhà máy, công ty về tìm hiểu và đề nghị đền bù tiền đất cho bà con diêm dân để lấy đất phục vụ sản xuất, kinh doanh. Địa phương rất muốn có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất sớm để bà con toàn tâm toàn ý chuyển đổi sang nghề khác ổn định hơn”.
Hy vọng, chính quyền các cấp có giải pháp giải quyết sớm và thỏa đáng nguyện vọng của HTX diêm nghiệp Hải Thượng để bà con diêm dân có điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống hậu nghề muối.
Bài, ảnh: Thành Duy