Khắp nơi ra quân sản xuất đầu năm

18/02/2013 14:49

(Baonghean) - Thời tiết đã có nắng ấm, là điều kiện thuận lợi cho cây lúa xuân bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh. Ngay sau Tết Quý Tỵ - 2013, nông dân các huyện đã tập trung xuống đồng chăm sóc lúa.

Tại xã vùng sâu Long Thành (Yên Thành), từ ngày mồng 4 Tết, trên khắp cánh đồng đã tấp nập khí thế lao động sản xuất, bà con nông dân xuống đồng tập trung làm cỏ, chăm bón cho lúa vụ xuân kịp thời vụ. Vụ xuân năm nay, xã Long Thành đã gieo cấy gần 600 ha lúa, trong đó cơ cấu chủ lực bằng các loại giống lúa thuần, lúa lai có năng suất chất lượng cao như: BC15, AC5,BTE1, Khải phong 1 chiếm trên 80% diện tích. Mặc dù đầu vụ gặp khó khăn về thời tiết do rét đậm rét hại, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của ngành Nông nghiệp huyện và xã, nên các trà mạ đều được che chắn chăm sóc chu đáo và phát triển tốt, đảm bảo cho cây lúa sau khi cấy gặp thời tiết thuận lợi đều bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh khỏe. Theo hướng dẫn của ban nông nghiệp xã, từ nay đến 20/2, bà con phải hoàn thành làm cỏ và bón thúc đợt 1 cho mỗi sào từ 5-6 kg đạm urê, 3 kg kali kết hợp làm cỏ sục bùn, phát hiện sớm các loại sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.



Nhân dân xóm 2, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đang chăm sóc lúa xuân.

Bà Vương Thị Nhi – xóm Giáp Bổn, xã Long Thành cho hay: Vụ sản xuất này, gia đình làm 1 mẫu ruộng, hoàn thành gieo cấy ngay từ trước Tết Nguyên đán. Do thời tiết ấm nên cỏ dại nhiều hơn mọi năm, vì vậy sau Tết đã phải xuống đồng tập trung làm cỏ, bón thêm đạm u rê để lúa đẻ nhánh khỏe.

Ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng trạm BVTV huyện Yên Thành cho biết: Qua kiểm tra trên đồng ruộng, một số nơi đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy đuôi đen tuy mới từ 2 đến 5 con/m2, nhưng Trạm đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp các xã thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh để phòng trừ bằng các loại thuốc BVTV hữu hiệu, không để lây lan thành ổ dịch. Bên cạnh đó, ở các xã vùng sâu nhiều diện tích lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên lá, mật độ từ 3-5%. Những ngày qua, Trạm đã kịp thời cung ứng 2 loại thuốc Filia và Alita, hướng dẫn cho bà con phun đúng liều lượng và kỹ thuật, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Là huyện nông nghiệp có tổng sản lượng lương thực chiếm 1/6 tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh, vì vậy vụ xuân được coi là vụ ăn chắc, cùng với áp dụng các biện pháp KHKT vào thâm canh thì các yếu tố đảm bảo nguồn nước, vật tư phân bón và nguồn giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất. Trên tất cả các cánh đồng, từ vùng hồ đập đến vùng nông giang tự chảy, hệ thống kênh mương tưới tiêu đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng, quy hoạch theo chuẩn nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp nước, đảm bảo ổn định sản xuất. Ông Nguyễn Công Kiên – Giám đốc xí nghiệp Thủy lợi huyện Yên Thành, cho biết: Sản xuất vụ xuân 2013, xí nghiệp đã hợp đồng tưới cho trên 9 ngàn ha lúa, với địa hình phức tạp nên một số xã vùng cuối kênh, vùng bơm điện như: Mỹ Thành, Viên Thành, Vĩnh Thành, Văn Thành, Đức Thành, Mã Thành thường bị thiếu nước. Chính vì vậy, trong dịp Tết vừa qua, xí nghiệp đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 7 cụm trạm thường xuyên có cán bộ túc trực bảo vệ công trình, cùng với các đội thủy nông cơ sở thay phiên nhau dồn ép nguồn nước tưới cho lúa, đồng thời đôn đốc bà con đắp bờ giữ nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, nhưng không để lúa mới cấy bị thiếu nước.



Bà con xã Thuận Lập (Quỳ Châu) thi cấy tại Lễ hội xuống đồng.
Ảnh: Nguyễn Phê - Trần Ngọc Lan.

Tại huyện Diễn Châu, năm nay, sau khi vui xuân, ăn tết xong, cả huyện nô nức ra đồng sản xuất đầu xuân, phấn đấu khép kín màu xanh 13.500 ha lúa, màu, nuôi thả 2000 ha cá, trồng mới 120 ha rừng, lập công mừng Đảng, mừng xuân mới. Chủ tịch UBND xã Diễn yên, ông Dương Đăng Hồi cho biết: Vừa tổ chức cho nhân dân ăn Tết, đón xuân, các cấp ủy đảng vừa tập trung chỉ đạo làm tốt công tác sản xuất đầu xuân, nhất là gieo trồng hết diện tích 750 ha lúa, màu, nuôi thả 235 ha cá ao, cá ruộng. Cả 8000 lao động ở 17 xóm ngay từ mồng 4, mồng 6 Tết đã ra đồng điều tiết nước, bón phân, cấy hết diện tích lúa còn lại, phấn đấu khép kín màu xanh sau tết 8 ngày. Đến vụ xuân này, xóm thôn nào cũng xây dựng từ hai đến ba mô hình cánh đồng cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/ha/năm!

Sản xuất đầu xuân có sức lan tỏa rộng khắp không những ở Diễn Yên mà còn thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân ở cả 39 xã, thị trấn trong huyện. Cũng ngay từ sáng mồng 4 đến mồng 6 Tết, ở sáu xã vùng đồi và 9 xã ven biển đã có hàng nghìn cán bộ nhân dân và học sinh, các thầy cô giáo ra quân tu sửa ô nại, ao hồ, mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm phương tiện, ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt hải sản. Dự kiến trong vụ xuân này, các xã ven biển sẽ thả 100 ha tôm, đánh bắt 8000 tấn hải sản, sản xuất 1000 tấn muối, chế biến 3 triệu lít nước mắm. 6 xã gò đồi trồng 60 ha rừng tập trung, đào 20km đường băng cản lửa, dựng 12 chòi canh lửa rừng. 26 xã vùng lúa ngoài việc gieo cấy, chăm sóc tốt 9200 ha lúa, còn nuôi thả 2000 ha cá ao cá ruộng, 8 xã vùng màu dọc Quốc lộ 1A gieo trồng chăm sóc 3500 ha lạc xuân, nuôi thả 10 nghìn con bò hàng hóa.



Mẻ cá đầu năm ở bến Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu).

Năm 2012 vừa qua, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã ra khơi khai thác hải sản với nhiều thắng lợi, đem lại nguồn thu nhập cao. Nhờ vậy, bà con ngư dân vùng biển đã có điều kiện đón Tết Quý Tỵ sung túc, vui tươi. Vui tết, đón xuân nhưng bà con vùng biển Quỳnh Lưu vẫn không quên chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để ra khơi chuyến biển đầu năm 2013 với hy vọng một năm mới bội thu đầy ắp cá, một cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm, ngay từ trước Tết, gia đình ngư dân Hoàng Văn Lòn ở thôn Tân Tiến – xã Quỳnh Phương, đã thuê hơn 10 lao động chuẩn bị đầy đủ lưới mới, vá lại các lưới cũ cho 2 tàu của gia đình, một chiếc có công suất 250CV đi nghề lưới hồng và một chiếc có công suất 280CV đi nghề lưới lượng. Ngư dân Hoàng Văn Lòn chia sẻ: Sở dĩ phải chuẩn bị ngư lưới cụ đầy đủ từ trước tết là để anh em đi thuyền ăn tết được vui vẻ, thoải mái, xong tết là các ngư dân bốc lưới xuống thuyền sẵn sàng đi biển ngay, không phải lo lắng gì cả. Vì là chuyến đi biển đầu tiên của năm mới nên gia đình ông rất quan tâm chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm và mọi điều kiện cần thiết khác một cách tốt nhất với hy vọng chuyến biển đầu tiên sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi, tạo đà cho một năm bội thu.

Cùng với ngư dân xã Quỳnh Phương, ngư dân ở 12 xã biển của huyện Quỳnh Lưu cũng đã khẩn trương chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm cần thiết, sơn sửa, hoàn thiện tàu thuyền để ra khơi chuyến biển đầu năm. Mới mồng 4 – mồng 5 tết, nhưng các cửa hàng buôn bán nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ và các xưởng đóng tàu, cửa hàng xăng dầu, đá lạnh đã nhộn nhịp khách đến mua bán, giao dịch. Ai cũng muốn con tàu của mình thật đẹp, thật đầy đủ để ra khơi chuyến biển đầu tiên được thuận lợi, may mắn, đạt sản lượng và giá cả cao.

Khi chúng tôi có mặt ở cảng lạch Quèn – xã Tiến Thuỷ thì tàu của anh Bùi Ngọc Kiên ở xóm Thành Tiến, xã Tiến Thủy đã nổ máy chuẩn bị ra khơi. Mang theo không khí vui tươi, rộn ràng của tết, 11 thuyền viên đi trên tàu đều phấn khởi, tự tin tiến ra biển. Không chỉ tàu của anh Bùi Ngọc Kiên mà hàng trăm tàu cá ở xã Tiến Thủy cũng đang khẩn trương nổ máy tiến ra biển khơi, mang theo hy vọng năm mới bội thu, đầy ắp cá. Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Tiến Thủy, cho biết: “Năm 2012, khai thác hải sản của Tiến Thủy được mùa nên bà con rất phấn khởi. Chuyến đầu tiên của năm 2013, công tác chuẩn bị dịch vụ hậu cần nghề cá của các tàu thuyền để ra khơi cũng hết sức khẩn trương và bà con rất hăng say. Hiện nay, các tàu đã bốc thuyền, ngư lưới cụ, vật tư, hàng hóa, đá lạnh, xăng dầu đầy đủ để ra khơi”.

Cũng giống như ở vùng biển Tiến Thủy, từ sáng sớm, hàng ngàn người dân khắp nơi đã kéo về cửa biển Lạch Cờn và Lạch Thơi để chứng kiến giờ phút xuất hành của hàng trăm tàu cá.

Khi tiếng trống dóng lên, hàng trăm tàu cá lần lượt rời bến tiến ra biển khơi, mở đầu một mùa đánh bắt mới với khát khao vươn ra biển, làm giàu từ biển…Mang theo không khí rộn ràng của tết, những ngư dân rắn rỏi, dạn dày sóng gió của Quỳnh Lưu hăng hái vươn khơi vươn xa, để không chỉ khai thác được nguồn hải sản dồi dào của biển mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ vùng kinh tế biển Việt Nam…


PV và CTV