Nỗi lòng người mẹ

11/09/2013 17:05

Tôi đã từng gặp những người phụ nữ từ hai bàn tay trắng vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động. Cũng đã từng gặp những người phụ nữ vượt qua nhiều gian khó để nuôi con học hành thành đạt. Họ đều là tấm gương về nghị lực đáng khâm phục. Nhưng chưa có ai để lại cho tôi nhiều ám ảnh như người phụ nữ ấy - người đã 40 năm một mình vật lộn nuôi chồng đau yếu và 3 người con gái thiểu năng.

(Baonghean) - Tôi đã từng gặp những người phụ nữ từ hai bàn tay trắng vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động. Cũng đã từng gặp những người phụ nữ vượt qua nhiều gian khó để nuôi con học hành thành đạt. Họ đều là tấm gương về nghị lực đáng khâm phục. Nhưng chưa có ai để lại cho tôi nhiều ám ảnh như người phụ nữ ấy - người đã 40 năm một mình vật lộn nuôi chồng đau yếu và 3 người con gái thiểu năng.

Về xóm 8, xã Diễn Hải (Diễn Châu), vào một buổi chiều cuối tháng 9. qua những ngõ hẹp ngoằn nghèo, lổn nhổn đất đá, mới đến được nhà ông Lê Thường và bà Bùi Thị Liệu – gia đình có 3 cô con gái thiểu năng do bị nhiễm chất độc da cam. Ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè, liêu xiêu dưới ánh nắng nhợt nhạt, bên cạnh một mảnh vườn dường như đã bỏ hoang từ lâu. Ở khoảng sân hẹp trước nhà, một người đàn ông dáng cao, gầy đang ngồi thu lu như một cái bóng trên chiếc chõng tre, thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía góc sân, nơi có 3 cô con gái, người đứng, người ngồi, chân tay co quắp, quờ quạng, thỉnh thoảng lại kêu lên những tiếng ú ớ. Bất chợt có một tiếng hét man dại từ 1 trong 3 người con, người phụ nữ quần áo xộc xệch đang lúi húi trong bếp phải chạy ra vỗ về. Nhìn thấy tôi, không chút ngượng ngùng, bà giãi bày: “Đó là chuyện thường ngày ở nhà này đó chú à, hàng xóm ở đây ai cũng quen cả rồi”.

Di chứng chiến tranh

Trong câu chuyện câu được, câu mất với ông Thường, bà Liệu và những giấy tờ ông bà còn giữ, tôi được biết rằng: Tháng 4/1968, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, cũng như những thanh niên địa phương hồi đó, ông Thường xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Sau những trận đánh ở chiến trường Bình Trị Thiên, năm 1971, ông được bổ sung vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 3 – Sư đoàn 271 sang chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Trong những năm ở chiến trường, ông đã nhiều lần bị thương, nặng nhất là bị sức ép của bom ở Quảng Trị làm lún cột sống, mất sức hơn 50%. Năm 1973, do sức khỏe yếu, ông được xuất ngũ, về sinh sống với gia đình tại xóm 8, xã Diễn Hải.

Trước khi đi bộ đội 3 tháng, ông Thường đã cưới bà Liệu – người con gái đảm đang cùng làng, thua ông 2 tuổi. Bà Liệu là con cả trong một gia đình nông dân nghèo đông con nên chỉ học hết “vỡ lòng” rồi nghỉ để lao động, giúp gia đình kiếm cái ăn. Những năm ông Thường đi bộ đội, bà Liệu ở nhà cũng hăng hái tham gia vào các phong trào lao động sản xuất, sửa chữa đường sá, cầu cống bị bom phá hoại, truy kích giặc lái… và được nhận giấy khen. Năm 1971, ông bà có với nhau đứa con đầu tiên sau môt lần ông được về phép. Đến cuối năm 1973, sau khi ông xuất ngũ, đứa con thứ hai là Lê Thị Hiền ra đời. Nhưng lần này, bé gái sinh ra đã có những dấu hiệu không bình thường: chân tay co quắp, thường xuyên bị co giật.

Chưa nghĩ nhiều đến hậu quả chiến tranh, đến những trận mưa chất độc hoá học khiến những cánh rừng trụi lá và những con suối nước đỏ quạch hồi ông Thường còn ở chiến trường Lào. Năm 1975 và 1977, hai con gái là Lê Thị Lành và Lê Thị Quý lần lượt ra đời và cũng có những dấu hiệu bẩm sinh y hệt như người chị. Lớn lên, cả 3 người đều gặp khó khăn trong vận động và nhận thức, mù lòa, thường xuyên bị động kinh, hay đập phá đồ đạc và bỏ đi lang thang khắp xóm. Hồi 3 người con còn nhỏ, mỗi khi khách đến, vì xấu hổ, ông bà đều giấu các con mình vào bồ thóc hay sạp lúa. Sau này, đưa 3 con gái đi giám định, ông bà mới biết rằng họ bị di chứng chất độc da cam mà ông nhiễm phải từ chiến trường Lào, mất sức lao động hơn 81%.



Bà Liệu và 3 người con bị nhiễm chất độc da cam.

Tấm lòng người mẹ

3 đứa con tàn tật lần lượt ra đời khiến ông Thường thực sự xuống dốc về tinh thần. Với sức vóc khỏe khoắn, hào sảng của người đàn ông miền biển và sự kiên cường của người lính năm xưa dần biến mất, thay vào đó là khuôn mặt u uất, hốc hác với cặp mắt đỏ ngầu, trũng sâu, tấm lưng còng gập xuống. Khi đứa con thứ 7 ra đời vào năm 1983 thì ông Thường hầu như không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng gia đình đều dồn hết lên vai bà Liệu. Người con trai đầu sau khi học hết cấp 3 đã có thể tự kiếm sống. Một mình bà vẫn phải xoay sở với 6 người con và một người chồng đau yếu quanh năm, trong đó có 3 người không có khả năng tự phục vụ. Để nuôi sống 6 con người ấy, bà như thân cò thân vạc, ngày quăng quật mình trên mấy sào ruộng và những công việc được thuê; chiều tối lại lặn lội ra bờ biển để cào con ngao, con sò, sáng hôm sau ra chợ bán đắp đổi qua ngày.

Bà Liệu kể lại: “Cơ cực nhất là khi thằng con trai út vừa ra đời được vài ngày, tui đã phải bò khỏi giường để đi làm, bởi cả nhà chẳng còn gì ăn. Có những thời gian nguyên 1 năm ròng 2 vợ chồng tui phải ăn chuối, ăn khoai để sống. Nhiều khi ốm nhưng vẫn phải gượng dậy đi làm, bởi chồng tui yếu lắm nên cả nhà chỉ sống dựa vào 3 sào đất trồng lúa và những đồng tiền đi làm thuê. Có hôm đi làm làm về, thấy cả 6 đứa con và chồng đều ốm nằm 1 chỗ, nhìn mà ngao ngán…”. Cũng may trời phú cho người phụ nữ miền biển này sức khỏe, tình yêu thương và nghị lực phi thường để bà không gục ngã khi hơn 40 năm gánh trên vai cả một gia đình bất hạnh.

Nhìn 3 người con gái bệnh tật, dù đã ba bốn chục tuổi vẫn như những đứa trẻ ngây ngây, dại dại, bà Liệu lúc nào cũng chồng chất lo âu. Bà tâm sự, cuộc sống khó khăn vất vả đến mấy cũng không thấy khổ vì đã quen rồi, nhưng khi nhìn 3 đứa con gái thiểu năng trí tuệ không tự chủ được bản thân, bà thấy đau như đứt từng khúc ruột. Mấy chục năm này, ngày nào cũng vậy, bà phải tự tay tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho các con. Đến bữa ăn, bà lại phải tự tay đút cơm cho từng người một, có khi đút được cho người này thì người khác đã trốn đâu đó trong xó nhà hay chạy ra ngoài ngõ, bà lại phải tất tả đi tìm.

Cách đây 8 năm, một chuyện buồn xẩy ra: Cô chị cả Lê Thị Hiền, sau những lần đi lang thang thì cái bụng lớn dần mà không biết “tác giả” là ai. Thế rồi Hiền sinh ra một đứa con trai (đặt tên theo họ mẹ là Lê Thông), tuy không thiểu năng như mẹ nhưng cũng yếu ớt và chậm phát triển so với những đứa trẻ cùng lứa. Thế là bà Liệu lại thêm cái việc đưa cháu đi học, rồi đem những kiến thức ít ỏi từ hồi còn học vỡ lòng để dạy cho cháu nhưng Thông không tiếp thu được là bao, 3 năm vẫn chưa học hết một lớp. Những năm gần đây, dù chưa đến 70 tuổi nhưng ông Lê Thường đã lẫn nặng, nói trước quên sau và thỉnh thoảng không thể tự chủ việc vệ sinh cá nhân. Nhìn người chồng và 3 đứa con gái vật vờ như những cái bóng trước sân nhà, bà Liệu cười chua chát: “Hơn bốn chục năm qua đến giờ, lúc nào tôi cũng phải phục vụ ít nhất 5 đứa trẻ con…”.

Cuộc sống mưu sinh một mình nuôi chồng đau yếu, 3 người con gái dị tật và một đứa cháu ngoại với nỗi lo trăm bề hằn sâu trên gương mặt đen sạm, khắc khổ của bà. Những ngày dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng, những đêm vật lộn với những cơn gió lạnh thốc lên từ biển khiến bà Liệu mắc phải chứng viêm khớp, đi lại rất khó khăn. Nhìn ra mảnh vườn để hoang đầy cỏ dại, bà ngậm ngùi: “Cũng may nhờ Nhà nước quan tâm nên mấy năm qua chế độ cho ông nhà tui và con Hiền, con Lành, con Quý đã khá hơn, nhưng vẫn cực lắm chú à. Giờ tôi cũng hơn 65 tuổi rồi, sức khỏe cũng giảm sút nên không biết còn cố được tới lúc nào. Rồi không biết ông Thường và 3 đứa chúng nó sẽ ra sao, sống thế nào nếu không có tui…”. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm, hằn vết chân chim. Bà khóc, không phải vì tủi phận mà khóc vì nỗi lo sợ khi một mai lỡ bà nằm xuống, ai sẽ là người chăm sóc cho chồng, cho con?

Ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải cho biết: “Toàn xã hiện có 63 trường hợp là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 13 trường hợp bị nhiễm trực tiếp trong chiến tranh, 50 trường hợp là con cháu bị di chứng. Gần 70% gia đình các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó gia đình ông Thường – bà Liệu thuộc diện khó khăn nhất, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành cũng như những nhà hảo tâm”. Còn tôi, sau khi rời Diễn Hải, vẫn nhớ mãi hình ảnh chị Hiền, chị Lành, chị Quý và những tấm giấy chứng nhận gia đình văn hóa hàng năm dán trên tường ngôi nhà ấy. Rồi trộm nghĩ, có bằng khen giấy chứng nhận nào cho người mẹ tảo tần, đầy nghị lực.


Minh Quân