Chung tay thắp sáng ước mơ

09/09/2013 21:40

(Baonghean) - Chăm lo cho công tác giáo dục- đào tạo được huyện Tương Dương xác định là một trong những giải pháp để thoát nghèo bền vững. Từ nhận thức đó, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho các em yên tâm đến lớp.

Đầu năm học mới 2013 - 2014, chúng tôi đến Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tương Dương (DTNT). Đây là một trong những trường nội trú khang trang nhất các huyện miền núi vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm học 2012 - 2013. Trên khuôn viên 4 hécta, trường có 12 lớp học, 36 phòng nội trú, khu hiệu bộ, phòng học chức năng và nhà ăn tập thể đáp ứng cho 500 người. Toàn bộ các hạng mục đầu tư có tổng mức kinh phí hơn 40 tỷ đồng.

Để có được ngôi trường khang trang với nguồn kinh phí lớn như vậy, huyện Tương Dương đã kết hợp nguồn vốn đầu tư của Nhà nước theo Chương trình 30a hỗ trợ huyện nghèo và vận động các doanh nghiệp đóng góp. Riêng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tài trợ 17 tỷ đồng. Năm học mới này, trường có 333 học sinh ở khắp 18 xã của huyện theo học. Các em từ vùng sâu, vùng xa của các xã, cách trường cả ngày đường như Mai Sơn, Nhôn Mai, Luân Mai, Hữu Dương… cảm thấy thực sự ấm lòng khi nhận lớp học, phòng ở nội trú còn thơm mùi sơn mới. Đến trường, các em có chỗ ở ổn định, yên tâm học tập với ngày 3 bữa ăn được nấu tại nhà ăn tập thể.



Phòng ký túc xá học sinh Trường DTNT THCS Tương Dương.

Từ bản Piềng Mựu, xã Mai Sơn, em Xồng Y Định, lớp 8C, đến nhập trường cách thời điểm khai giảng 2 tuần. Với em, đến trường là niềm vui sướng khi được tiếp thu thêm kiến thức từ thầy cô, được sum vầy với các bạn ở khu ký túc xá. “Do trường xa nhà nên cả học kỳ em cũng như rất nhiều bạn khác chỉ về nhà một lần. Mặc dù có những lúc nhớ gia đình nhưng em đã vững tâm hơn với cuộc sống tập thể, có đủ các điều kiện thuận lợi cho học tập, sinh hoạt…” - Xồng Y Định chia sẻ.

Huyện Tương Dương là 1 trong 65 huyện nghèo của cả nước, ngân sách khó khăn, mỗi năm, nguồn huy động từ sự đóng góp của cán bộ và nhân dân cho giáo dục chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng, chưa bằng 1/6 mức đầu tư để xây dựng một ngôi trường. Trước tình hình đó, cùng với ngân sách từ Chương trình 30a, 135, chương trình Kiên cố hoá trường lớp học và các chương trình dự án xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục, huyện tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng trường học.

Trong 3 năm qua, huyện đã huy động được trên 200 tỷ đồng, xây dựng hàng trăm phòng học kiên cố, trong đó, bước vào năm học 2013 - 2014, có thêm 189 phòng học và 114 phòng công vụ giáo viên mới đưa vào sử dụng. Các đơn vị giúp đỡ tận tình đối với sự nghiệp giáo dục của Tương Dường như: Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam 17 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - (Vietcombank) 4,7 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Vicem Việt Nam gần 20 tỷ đồng... Bên cạnh đó, huyện còn nhận được sự hỗ trợ của UBND Thành phố Vinh 2 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An 4 tỷ đồng. Trên cơ sở vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các địa phương, các tổ chức xã hội, huyện Tương Dương đã lồng ghép có hiệu quả với các nguồn đầu tư của Chính phủ xây dựng kiên cố được 670/873 phòng học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Để tạo niềm tin và uy tín với các nhà đầu tư, huyện đã quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn tài trợ. Quá trình xây dựng, chúng tôi lựa chọn nhà thầu có uy tín, giám sát chặt chẽ, hoàn thành công trình đúng tiến độ, bảo đảm tính thẩm mỹ và chất lượng công trình. Khi giám sát, các đơn vị hỗ trợ rất hài lòng, họ cảm thấy nguồn đầu tư thực sự phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho học sinh là con em các đồng bào dân tộc. Vì vậy, có nhiều nhà tài trợ đồng ý tiếp tục ủng hộ huyện trong xây dựng cơ sở vật chất trường lớp...”.

Có cơ sở vật chất đảm bảo đã thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các trường học. Thống kê của ngành Giáo dục huyện cho thấy, trong 3 năm gần đây, số học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Điển hình như xã Xá Lượng, những năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 7 - 8%, nhưng sau khi Trường DTNT THCS được xây dựng kiên cố, các chế độ hỗ trợ cho học sinh được giải quyết kịp thời, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 0,5%. Hay như xã Tam Hợp, sau khi 12 phòng học và 8 phòng ở nội trú kiên cố được xây dựng, các em học sinh ở các bản gần biên giới như Pà Lõm, Huồi Sơn, bản Phồng không còn bỏ học.

Thậm chí, các bậc phụ huynh còn “tiếp tế” thêm lương thực, thực phẩm, khuyến khích con em ở lại trường vào cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật để các thầy cô kèm học. Bí thư Chi bộ bản Pà Lõm, ông Xồng Bá Nỏ cho hay: “Trước đây, mỗi khi bước vào năm học mới, cha mẹ học sinh phải cùng nhau làm lán trại bằng tre, nứa gần trường cho con theo học. Có nhiều lúc, sinh hoạt khó khăn, các em bỏ về nhà, nghỉ học nhiều. Nhưng từ năm ngoái, khi trường xây dựng được các phòng ở cho học sinh thì không còn tình trạng đó nữa. Dân bản ta cũng yên tâm hơn, động viên con em học tập tốt...”.

Bằng việc huy động nguồn vốn và tổ chức thi công, giám sát kịp thời, chặt chẽ, các ngôi trường ở các trung tâm xã của huyện từng bước được xây dựng kiên cố. Cách làm của huyện Tương Dương là quá trình khảo sát địa điểm xây dựng trường phải kỹ lưỡng, vừa tạo thuận lợi cho thầy, cô giáo và học sinh, vừa tránh những nơi có thể xảy ra sạt lở, tạo nên tính bền vững của công trình. Đến nay, ở trung tâm 18 xã, thị trấn của huyện Tương Dương đã có trường học cấp THCS kiên cố. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 27% phòng học ở các điểm bản (phân hiệu các trường ở các bản xa trung tâm xã) trong tình trạng xuống cấp, tạm bợ hoặc phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng. Khó khăn lớn nhất là việc đầu tư xây dựng ở các bản vùng sâu, vùng xa, vừa tốn kém về chi phí nguyên vật liệu, vừa khó trong vận chuyển, xây dựng. Mỗi phòng học ở các bản xa, địa hình hiểm trở, nếu xây dựng kiên cố sẽ tốn gấp 4 đến 5 lần so với các nơi khác trên địa bàn huyện.

Điều này thể hiện rõ nhất là trong năm 2012, khi huyện thí điểm đầu tư xây dựng 2 phòng học kiên cố ở điểm lẻ bản Na Ngân, xã Nga My. Để hoàn thiện 2 phòng học này, nguồn đầu tư lên tới 4,7 tỷ đồng, trong lúc đó, ở những địa bàn khác, mức chi phí khoảng 300 triệu đồng/phòng học. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, huyện chuyển hướng xây dựng phòng học ở các điểm lẻ bằng gỗ hoặc các vật liệu sẵn có trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra trong năm 2014, huyện sẽ xây dựng thêm được 50 phòng học, đáp ứng yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học.

Một năm học mới lại đến trên các bản làng vùng cao với những lo toan của các cấp, ngành để có “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh tới trường. Bên cạnh đó, huyện Tương Dương cũng như các huyện miền núi khác đang phải nỗ lực, tiếp tục vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để lo thêm “2 đủ” nữa cho học sinh vùng sâu, vùng xa, đó là đủ phòng học và đủ phòng trọ.


Nguyên Sơn