Y đức ở một trạm xá anh hùng

10/06/2013 18:49

Giữa vùng bãi ngang còn khó khăn của huyện Diễn Châu, Trạm Y tế xã Diễn Vạn thực sự là điểm sáng của ngành Y tế cả nước. Lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển của Trạm ghi lại nhiều mốc son ý nghĩa,s mà tiêu biểu là danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới được Nhà nước phong tặng tháng 12/2009.

(Baonghean) - Giữa vùng bãi ngang còn khó khăn của huyện Diễn Châu, Trạm Y tế xã Diễn Vạn thực sự là điểm sáng của ngành Y tế cả nước. Lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển của Trạm ghi lại nhiều mốc son ý nghĩa,s mà tiêu biểu là danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới được Nhà nước phong tặng tháng 12/2009.

Trạm xá xã Diễn Vạn được thành lập từ năm 1958 trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn cả sơ sở vật chất lẫn con người. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trạm xá đã 3 lần phải di chuyển để tránh sự đánh phá của máy bay Mỹ. Nhưng, dù phòng khám có được đặt tạm dưới hầm hào, công sự hay nằm khép mình dưới lũy tre làng thì trạm vẫn là địa chỉ tin cậy chữa trị bệnh tật cho cả nhân dân miền biển đến thương bệnh binh lẫn cán bộ chiến sỹ. Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, trạm xá được chuyển về địa điểm hiện nay và bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển mới.

Trải qua thời gian, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất của trạm được đầu tư xây dựng bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Những ngày đầu tháng 6 này, trạm đang chuẩn bị hoàn thành các bước cuối cùng để đưa vào sử dụng khu nhà 2 tầng với 18 phòng khám và chữa bệnh. “Khu nhà được xây dựng với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng do Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ”, bác sỹ Trần Đình Thông – Trạm trưởng cho biết. Hiện nay trên tổng diện tích gần 3.000m2, Trạm xá Diễn Vạn có 16 giường bệnh nội trú và các phòng chức năng như chụp X – quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa và một vườn thuốc nam đa dạng, phong phú chủng loại trên diện tích 1.000m2. Bên cạnh đó, Diễn Vạn đã xây dựng được Quỹ vì sự nghiệp y tế với sự đóng góp của nhân dân. Do đó, hàng năm, trạm xá xã có thêm kinh phí để phục vụ công tác y tế trên địa bàn.



Bác sỹ Trần Đình Thông khám cho bệnh nhân.

Hiện nay, trạm có 1 bác sỹ, 1 y sỹ y học cổ truyền, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng, 1 dược sỹ và 2 kỹ thuật viên y học. Điều dưỡng Nguyễn Thị Diễn về công tác ở trạm xá từ năm 2001 chia sẻ: “Trạm xá đang phát triển rất nhanh về quy mô lẫn cơ sở vật chất. Hơn 10 năm về công tác ở đây, tôi thường xuyên được trạm tạo điều kiện để học nâng cao nghiệp vụ. Vì vậy, tôi rất yên tâm công tác để được phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu khám và chữa bệnh của bà con”.

Chính cơ sở vật chất và con người không ngừng được đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu nên công tác khám chữa bệnh của trạm ngày càng được tăng cường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự kì vọng của Đảng và Nhà nước đã tin tưởng dành cho Trạm. Bác sỹ Thông chia sẻ: “Hầu hết tất cả các bệnh liên quan đến các khoa nội, ngoại, sản, nhi đều được trạm xử lý tại chỗ. Chỉ có các trường hợp cấp cứu nặng, cấp cứu ngoại khoa và các bệnh chuyên khoa như: lao, phổi, tâm thần, nội tiết mới phải chuyển lên điều trị ở tuyến trên”.

Thông thường, ở một xã miền biển đất chật, người đông, diễn biến bệnh sẽ rất phức tạp nhưng ở xã Diễn Vạn, nhờ áp dụng Đề tài: “Quản lý sức khỏe tại nhà bằng hệ thống tin học” nên trạm nắm bắt rất cụ thể, khoa học thông tin sức khỏe của từng người dân trong xã. Bác sỹ Thông cho biết: “Diễn Vạn có khoảng 1.500 hộ với hơn 6.000 khẩu. Hàng năm, sau khi khám sức khỏe định kì, tất cả thông tin chúng tôi đều lưu vào chương trình quản lý trong máy tính. Vậy nên, trạm có thể theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình sức khỏe của từng hộ, từng khẩu để chủ động đề ra phương án điều trị khi có bệnh”.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà – xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn chia sẻ: “Chúng tôi rất yên tâm mỗi khi có bệnh phải đến trạm xá vì cơ sở vật chất ở đây rất tốt, phòng bệnh sạch sẽ, thoáng mát. Các y bác sỹ thăm khám và chăm sóc rất tận tâm, chu đáo, nhất là bác sỹ Thông, trạm trưởng, vừa giỏi chuyên môn vừa giàu kinh nghiệm, lại rất yêu quý bệnh nhân”.

Tiếng lành đồn xa, giờ đây bệnh nhân từ nhiều xã lận cận như Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Phong, Diễn Hồng, Diễn Hải cũng tìm về trạm để khám và chữa bệnh khi có nhu cầu. Hôm tôi về tìm hiểu thông tin ở trạm, mới đầu giờ chiều mà đã có rất nhiều bệnh nhân ở các xã trên chờ đến lượt khám, tiêm thuốc… Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Diễn Kim đang bồng cháu ngoại 5 tháng tuổi chờ đến lượt vào tiêm vắc-xin chia sẻ: “Lần này tui đưa cháu sang Trạm xá Diễn Vạn tiêm vắc-xin phòng viêm phổi. Các y bác sỹ ở đây giỏi chuyên môn nên tui rất yên tâm khi đem cháu sang đây tiêm”.

“Bệnh nhân đa số còn nghèo. Mỗi khi bệnh tật phải đi điều trị ở xa rất tốn kém, là gánh nặng kinh tế cho cả gia đình. Vì vậy, chúng tôi quan niệm phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở, vừa để giúp nhân dân vừa giảm được áp lực cho các bệnh viện tuyến trên”, bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Trần Đình Thông –Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu chia sẻ.


Thành Duy