Không nên lơ là việc tiêm chủng cho trẻ

29/07/2013 19:50

Trong những ngày qua, việc liên tiếp có 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm Vaccine ngừa viêm gan B ở tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Thuận đã khiến nhiều sản phụ hết sức lo lắng. Tuy nhiên, đây được xem là những trường hợp cá biệt hy hữu và khuyến cáo của ngành Y tế hiện nay là các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

(Baonghean) - Trong những ngày qua, việc liên tiếp có 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm Vaccine ngừa viêm gan B ở tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Thuận đã khiến nhiều sản phụ hết sức lo lắng. Tuy nhiên, đây được xem là những trường hợp cá biệt hy hữu và khuyến cáo của ngành Y tế hiện nay là các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

Tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh – nơi nổi tiếng “mát tay” lo cho mẹ tròn con vuông, sự quan ngại, lo lắng lộ rõ trên mỗi khuôn mặt của người làm cha, làm mẹ và người nhà.

Chị Nguyễn Thị Huệ, 26 tuổi, thường trú tại phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh, chuẩn bị sinh cháu đầu lòng chia sẻ: “Được sự tư vấn của các bác sỹ, tôi biết tiêm vaccine ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì sẽ giúp bảo vệ cho trẻ tránh được các bệnh viêm gan, xơ gan, ung thư gan sau đó. Nhưng với các ca tử vong như vừa xảy ra thì tôi và gia đình không lo làm sao được! Tôi cũng không biết sau khi cháu sinh ra thì có nên cho tiêm hay không nữa”.

Còn với gia đình anh Trần Đình Quang ở phường Hưng Bình thì đang dồn sự tập trung, chú ý theo dõi cháu bé vừa sinh được hơn 1 ngày. Anh Quang cho hay: “Cháu được tiêm phòng rồi, hiện chưa có biểu hiện gì khác thường nên gia đình cũng yên tâm phần nào. Đáng lý hôm nay sẽ đưa cháu về nhà nhưng chúng tôi quyết định ở lại viện thêm 1-2 ngày nữa theo dõi xem tình hình cháu thế nào rồi mới xuất viện…”.

Không chỉ các gia đình có cháu nhỏ e ngại tiêm vaccine ngừa viêm gan B mà tâm lý hoang mang đã lan rộng và tác động đến nhiều người dân. Chị Nguyễn Thị Huyền, 40 tuổi, ở xã Nghi Phú bày tỏ: “Nếu không tiêm cho trẻ thì sợ cháu có nguy cơ mắc bệnh, nếu tiêm thì sợ vaccine, kỹ thuật tiêm không đảm bảo, xuất hiện rủi ro”. Và nỗi lo thiếu an toàn trong tiêm chủng đã không chỉ tập trung vào vaccine viêm gan B mà đã lan sang các loại vaccine khác.



Cho trẻ uống vitamin A liều cao bổ sung tại Trạm Y tế xã Châu Quang - Quỳ Hợp. Ảnh: Từ Thành

Anh Nguyễn Văn Nam, Thị trấn huyện Nam Đàn bức xúc: “Biết là tiêm chủng đã giúp cho hàng triệu trẻ em thoát khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng 4 năm qua cả nước đã có tới gần 30 cháu tử vong sau khi tiêm. Năm ngoái, tỉnh ta cũng có 3 cháu ở Quỳ Hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem “5 trong 1” đó. Tôi có 2 con đang độ tuổi tiêm chủng nhưng tạm thời không tiêm nữa, đợi tìm được nơi nào tiêm dịch vụ đảm bảo thì đưa con đi”...

Anh Đặng Xuân Anh, giáo viên ở Thị xã Cửa Lò thì cho rằng: “Thực ra không có loại vaccine nào an toàn 100% - chúng tôi biết rõ điều này. Người dân “ác cảm” với vaccine là do khi các cháu đi tiêm về thường xuất hiện các hiện tượng sưng và đau ở vết tiêm, sốt, biếng ăn và gầy đi. Bên cạnh đó là cách giải thích của ngành y tế đối với các trường hợp trẻ tử vong. Nhiều cháu tử vong mà không tìm được nguyên nhân tại vaccine hay tại người tiêm và cuối cùng vẫn là kết luận “sốc phản vệ không rõ nguyên nhân"…

Các trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B đã thực sự gây tâm lý bất an cho các sản phụ nói riêng và đông đảo người dân nói chung. Ngành Y tế đã và đang có những biện pháp trấn an người dân cũng như nâng cao chất lượng tiêm chủng.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh cho hay: “Bệnh viện đã và đang thực hiện quyết định của Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi 1 trong 24 giờ đầu. Trước khi tiêm, chúng tôi đã giải thích rõ những lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa viêm gan B cũng như những phản ứng trẻ có thể gặp phải cho cha mẹ, gia đình các cháu. Đồng thời, tiến hành tư vấn trong các trường hợp cụ thể như đối với sản phụ có tiền sử viêm gan B hay không. Về phía bệnh viện, chúng tôi luôn quán triệt và đề cao tinh thần trách nhiệm của các y, bác sỹ trong việc thực hiện kỹ thuật tiêm”…

Không coi những trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine là “chùm ca phản ứng rất hy hữu”, thời gian qua, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra quá trình thực hiện tiêm chủng, kịp thời chấn chỉnh việc bảo quản vaccine ở các cơ sở y tế đúng theo quy định, không để vaccine lẫn cùng với sinh phẩm khác, kiểm tra việc ghi chép quản lý vaccine hằng ngày, lưu vỏ, lọ theo quy định, việc triển khai tiêm vaccine tại phòng tiêm. Qua kiểm tra, tập huấn, chất lượng việc tiêm chủng không ngừng được nâng cao…

Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vaccine thì lịch tiêm vaccine cho trẻ em ở Việt Nam trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mà đa số các nước trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, nước ta đang sử dụng nhiều loại vaccine thế hệ cũ nên tỷ lệ phản ứng cao và Nhà nước cần tăng cường đầu tư để trẻ được sử dụng vaccine thế hệ mới, giảm tai biến sau tiêm chủng.

Trong thời gian này, các sản phụ không vì những tai biến mà lơ là việc tiêm ngừa cho trẻ. Và trước khi sinh, các sản phụ nên thường xuyên thực hiện việc khám sàng lọc. Các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng thì cần theo dõi con sau tiêm để phát hiện nhanh biểu hiện bất thường ở trẻ và báo cho cán bộ tiêm chủng xử lý kịp thời.


Thành Chung